Aa

Hàng nghìn căn hộ tái định cư… bỏ hoang

Thứ Năm, 19/04/2018 - 14:00

Hàng nghìn căn hộ tái định cư… bỏ hoang; Vân Đồn chờ đặc khu, giá đất thổi vù vù; TP.HCM tìm cách “giải nhiệt” cơn sốt đất; Bán trên diện rộng, VN-Index giảm gần 15 điểm;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

TP.HCM tìm cách “giải nhiệt” cơn sốt đất

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2018, giá đất nền tại TP.HCM được cho là tăng mạnh và thị trường đang trong cơn sốt đất. Trước tình trạng này, TP.HCM đã đưa ra nhiều chính sách mới để siết lại thị trường.

Trước tình trạng giá đất tăng mạnh trong những tháng qua, mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện tập trung tuyên truyền, siết chặt việc tách thửa, phân lô đất nền để ngăn chặn các hành vi trục lợi, tạo cơn số đất nền ảo.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định, tình trạng sốt đất đang diễn ra trên địa bàn TP xuất phát từ nguyên nhân một số đối tượng tung tin không đúng sự thật, thổi phồng tạo giá trị ảo về bất động sản. Có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất TP tăng ảo. Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo trước thông tin sốt đất, không nên chạy theo đầu tư theo tin đồn, phong trào.

"Khi người dân muốn mua bán đất thì đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Có thể là do quen biết hoặc qua con đường chính thức để coi khu vực này sắp tới có mở đường hay không, có dự án gì không. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao nhưng nếu cán bộ "có lợi ích cá nhân" ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân", ông Tuyến cho biết thêm.

Xem chi tiết tại đây

Vân Đồn chờ đặc khu, giá đất thổi vù vù

Thực chất thị trường đất đai ở Vân Đồn từ khoảng tháng 7-2017 đã sốt xình xịch sau khi một loạt dự án sân bay, sân golf, casino được khởi công xây dựng. Cả đảo Cái Bầu (đảo chính của Vân Đồn) trở thành một đại công trường cũng là lúc nơi đây trở thành một thị trường mua bán đất đai hết sức nhộn nhịp.

Một cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ chóng vánh tại quán cà phê trung tâm huyện Vân Đồn. Ảnh: HOÀNG DÂN

Một cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ chóng vánh tại quán cà phê trung tâm huyện Vân Đồn. Ảnh: HOÀNG DÂN

Chạy dọc tỉnh lộ 334, con đường xuyên đảo Cái Bầu, hai bên nhan nhản những tấm biển "bán đất", "cần sang nhượng đất". Trung tâm môi giới đất đai mọc lên như nấm sau mưa. Các quán cà phê, thậm chí quán cóc đều trở thành "sàn giao dịch", câu chuyện chủ yếu quay quanh những mảnh đất. Nhà đầu tư tìm tới, cò đất từ các nơi đổ về, người dân địa phương chuyển sang "phe phẩy" đất đai.

Ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, xác nhận tình trạng sốt đất ở đây đã diễn ra từ khoảng tháng 7-2017 đến trước Tết nguyên đán và hiện đang tái diễn. Nguyên nhân sốt đất là do nhu cầu tăng vọt. "Vân Đồn phát triển thì việc sốt đất là đương nhiên" - ông Luân nói.

Ông Luân cho biết huyện Vân Đồn đã thực hiện quản lý chặt chẽ về quy hoạch, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Huyện đã xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt của bốn xã do buông lỏng quản lý. Cuối năm 2017, huyện đã tạm dừng việc tách thửa đối với những thửa đất ở xen lẫn vườn tạp. Biện pháp này đã khiến cho cơn sóng tách thửa ồ ạt bị chững lại. Những nhà đầu tư đất đai tập trung vào đất ở ổn định, đất dự án chứ không còn liều mình mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch nữa.

Xem chi tiết tại đây

Bán trên diện rộng, VN-Index giảm gần 15 điểm

Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ bị bán mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/4. DXG, QCG, LDG, SCR… đều chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, QCG bị kéo xuống mức giá sàn và chỉ còn 12.500 đồng/CP. OGC cũng giảm sàn và chỉ còn 2.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,8 triệu cổ phiếu.

Điểm sáng hiếm hoi của thị trường phiên hôm nay đến từ EIB, HDB, GAS và VNM. Trong khi các cổ phiếu ngân hàng khác lao dốc thì EIB và HDB bất ngờ bứt phá. HDB tăng 2% lên 51.800 đồng/CP và khớp lệnh 4,6 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 2,5 triệu cổ phiếu. EIB tăng mạnh 4,15 lên 16.450 đồng/CP. Còn VNM, cổ phiếu này phiên hôm nay tăng 1,6% và trở thành trụ đỡ giúp kìm hãm lại đà giảm của VN-Index.

Thanh khoản của thị trường không được cải thiện và tiếp tục cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại. Tổng giá trị giao dịch tại sàn HOSE và HNX chỉ đạt gần 6.300 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 900 tỷ đồng. IDI phiên hôm nay bất ngờ đi ngược thị trường khi tăng 4,93% và khớp lệnh đột biến hơn 8 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, SHB vẫn dẫn đầu giao dịch khớp lệnh sàn HNX với 23,6 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,75 điểm xuống 1.138,53 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,47 điểm xuống 132,78 điểm.

Xem chi tiết tại đây

3 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị mới Sài Đồng đang bỏ hoang

3 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị mới Sài Đồng đang bỏ hoang

Hàng nghìn căn hộ tái định cư… bỏ hoang

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM đang thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, quận 9 và quận 2. Trong đó, khu tái định cư Bình Khánh, quận 2 là nơi có số lượng nhà tái định cư lớn nhất với 12.500 căn hộ, được xây trên tổng diện tích 38,4ha.

Đặc biệt, để xây dựng khu đô thị này đã có 10.000 hộ dân trên địa bàn 5 phường của quận 2 là An Khánh, Bình Khánh, Bình An Thủ Thiêm, An Lợi Đông phải di dời để lấy mặt bằng. Trong đó, toàn bộ các hộ dân tại phường An Khánh và Thủ Thiêm gần như bị giải tỏa trắng.

Với số lượng căn hộ tái định cư thừa quá lớn và nhiều năm xây dựng nhưng không có người ở nên đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, UBND TP.HCM quyết định bán đấu giá, chuyển từ dự án tái định cư thành dự án thương mại.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM chỉ rõ việc thừa nhà và nền đất tái định cư trên là do chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi theo hướng ngày một thoáng hơn.

Trước đây, Nhà nước bồi thường đất của người dân theo giá thấp, các hộ dân bị di dời có xu hướng nhận nhà tái định cư nhiều vì có lợi hơn phương án nhận tiền bồi thường. Trong khi đó, chính sách bồi thường hiện nay thoáng hơn, giá bồi thường ngang bằng giá thị trường, giá nhà tái định cư cũng cao bằng giá thị trường nên người dân muốn nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở.

Xem chi tiết tại đây

Sau thanh tra, Hà Nội khẩn trương lập hồ sơ thu hồi 39,2ha đất

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký văn bản chỉ đạo quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà điều tiết (quỹ đất 20%, quỹ nhà 30%) tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, về quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% tại dự án phát triển nhà ở, TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập hồ sơ thu hồi 39,2ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho TP, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (gồm: 27 ô đất thuộc 14 dự án đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và 56 ô đất thuộc 19 dự án chưa thực hiện bàn giao); thẩm định, trình UBND TP quyết định thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP để quản lý, chống lấn chiếm và đề xuất phương án sử dụng đất, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/5.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, báo cáo tổng hợp tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích 15,1ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho TP, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top