Thu hồi cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Vivaso
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso - nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Thông báo nêu rõ, theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP. HCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch căn cứ Kết luận thanh tra tháng 8/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo tháng 8/2019 của Văn phòng Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Trong đó, làm việc với Vivaso để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, trường hợp Vivaso không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về số tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo trước đó.
Trước đó ngày 14/5/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn Kiểm tra đã chủ trì cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch xử lý dứt điểm việc cổ phần hóa VFS trong năm 2018. Cùng với đó, Bộ cần kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai tại số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP.HCM, trả lại đúng quy hoạch và công năng của khu đất này.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng đây là một trong số những vụ việc nổi cộm của ngành Văn hoá, Thể Thao và Du lịch. Năm 2017, “lùm xùm” trong cổ phần hóa VFS một lần nữa lại "nóng" lên. Tại thời điểm trước cổ phần hóa, VFS đang nắm giữ một số khu đất vàng trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. HCM, đặc biệt là khu đất tại trụ sở chính số 4 Thụy Khuê.
Quá trình cổ phần hóa VFS còn nhiều bất cập. Cụ thể, trong khi tranh chấp đất đai của Hãng này tại Tòa án chưa ngã ngũ, kiến nghị thu hồi đất của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa được tuân thủ, phía VFS vẫn tiến hành cổ phần hóa. Sau đó, Chính phủ đã phải giao Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Năm 2016, VFS chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6/2017. Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng. Theo lý giải, Hãng sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở TP. Hà Nội và TP.HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.
Sau đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 20/9/2018) cũng chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, ngoài việc chậm trễ xây dựng, ban hành Kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hóa Công ty và lựa chọn đơn vị tư vấn thì việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để Công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và Luật Đấu thầu.
Mặt khác, kết quả thanh tra cho thấy việc VFS ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại 4 lô "đất vàng" ở Hà Nội và TP. HCM là sai mục đích, trái thẩm quyền. Cùng với đó là việc chọn lựa và bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược có nhiều vi phạm, thiếu sót; việc xác định giá trị thương hiệu của Công ty này cũng để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm...
Đặc biệt, cơ quan thanh tra kiến nghị, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Vivaso xin rút vốn trước thời hạn.
Cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng!
Trao đổi với Reatimes, đại diện tập thể văn nghệ sỹ VFS từng chia sẻ, dù trước khi được chọn làm cổ đông chiến lược, lãnh đạo Vivaso liên tục hứa sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của VFS và mang lại lợi nhuận, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động của hãng. Thế nhưng, những hành động thực tế mà đơn vị này thực hiện lại gây bức xúc trong cộng đồng các nghệ sỹ và làm dấy lên hoài nghi về những lời “hứa hão”.
Theo phản ánh, trước khi cổ phần hóa VFS, nhà cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy – Vivaso đã đưa ra rất nhiều cam kết trong đó có việc đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng với mức lương bình quân người/tháng là 4.800.000 đồng cho năm 2017.
Nhưng sau hơn hai tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7/2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng.
Tháng thứ 2 (tháng 8/2017) chỉ một số cán bộ công nhân viên trong hãng nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất (1.000.000 đồng) và có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, một căn cứ nào. Đặc biệt, một số cán bộ hoàn toàn không có lương... điều này khiến mọi người thắc mắc nhưng không nhận được bất cứ lời giải đáp nào.
Vẫn theo đại diện tập thể nghệ sĩ, sau khi tiếp quản, ban lãnh đạo không có định hướng làm phim. Dù trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông cho hãng phim - hiện mang tên CTCP Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần ba tháng, lời hứa này không được thực hiện.
Không những vậy, sau khi cổ phần hóa, Ban Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vivaso đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sỡ vật chất trong hãng. Cụ thể, sát nhập 4 phòng: Biên kịch, Đạo diễn, Quay phim, Thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên mới là Phòng Nghệ thuật, còn dãy nhà trước đây của 4 phòng thì tiến hành cho thuê để kinh doanh, chứ không phục vụ mục đích làm phim.
Cùng với đó, toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi Hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các liên hoan phim quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam, khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng Biên kịch trống trơn không còn một bản thảo kịch bản nào.
Theo đại diện tập thể văn nghệ sĩ, ngay cả các kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản, gắn liền với hoạt động của Hãng phim bị chuyển đến các kho của Công ty Vận tải thủy cách Hãng phim gần 40 km. Mục đích chuyển đi cũng là lấy các phòng cho thuê để kinh doanh. Chính vì thế, mấy năm qua, các văn nghệ sĩ luôn mong mỏi câu chuyện cổ phần hóa VFS được làm sáng tỏ và sớm ngã ngũ.
Tuy nhiên, trước thông tin Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với Tổng Công ty Vận tải thuỷ - Vivaso để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, nhiều văn nghệ sỹ bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các cấp, ngành trong việc công khai minh bạch cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Thế nhưng, việc thực hiện theo chỉ đạo trên như thế nào có lẽ còn phải chờ đợi Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du có động thái vào cuộc nghiêm túc và làm việc ra sao với các bên liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc trên.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.