Aa

Hàng phố

Thứ Sáu, 13/12/2019 - 06:30

Hàng phố của một thời chắc chắn không thể mất đi, dù bây giờ nếp sống hàng xóm dần thay thế. Nhưng rõ ràng nét sống quý giá láng giềng quen thuộc đã dần mai một.

Hàng phố, người hàng phố, là những từ cửa miệng thân quen khi người phố gặp nhau. Những người hàng phố láng giềng là những người dù đi đâu xa đến mấy, dẫu chẳng họ hàng quyến thuộc, nhưng lại là những gì thân thiết nhất về cái nơi họ cùng trú ngụ.

Một thời người hàng phố vô cùng gần gũi và gắn kết. Lúc đó Hà Nội hòa bình lập lại 1954, ngoại trừ số ít có nhà riêng, còn thì đều được phân nhà kiểu ở tập thể trong các khu nhà hoặc là biệt thự ở phố cũ, là phố Tây dành cho người Pháp và các công chức người Việt. Có một số nhà tư sản thành đạt cũng ở những khu phố này. Thêm nữa là các khu nhà ở phố cổ trong đó đa phần là nhà ống. Chính vì đặc điểm ấy nên hàng phố với nhau thông tường mọi đường ăn nết ở. Cũng là do láng giềng sát sạt nhau chung từ cái nhà vệ sinh, mảnh sân, bể nước. Những căn nhà to được chia cho nhiều hộ ở. Sau này Hà Nội phát triển, dân cư đông đúc lên, thành phố có xây thêm một số khu tập thể thấp tầng thì dẫu riêng biệt nhưng vẫn là mấy nhà chung nhau hành lang, cùng ra khóa vào mở, tình láng giềng vẫn thân thiện. Nhà nào có việc vui hay buồn, cả mấy hộ chung đều biết và chia sẻ. Thậm chí thời bao cấp tem phiếu, nhà nào ăn món gì thì hàng xóm cũng biết. Che được mâm chứ bịt sao được mùi thức ăn lan tỏa. Nhờ vậy mà láng giềng gần gụi, tắt lửa tối đèn, cái tình hàng phố đa phần là thắm thiết.

Người Hà Nội đi xa gặp được hàng phố là quý giá vô chừng. Dạo tôi đi lính vào chiến trường, gặp được người quen cùng phố như bắt được vàng. Dân các các tỉnh gặp nhau hay dùng từ đồng hương. Suy cho cùng đồng hương là cùng quê hương, cùng một gốc, nhưng mấy anh lính Hà Nội tuy có dùng nhưng vẫn đệm vào chữ phố. Lúc đó có gì đãi đằng được nhau đều mang ra thiết đãi hết. Người ở gần còn thế, huống hồ đi xa, vậy nên cái sự tôi vừa kể là không có gì lạ. Thậm chí cái tình hàng phố gần gụi nó còn lan ra cả những thế hệ sau nữa. 

Hà Nội có những ngôi nhà biệt thự rất nổi tiếng, là nơi tập trung nhiều danh nhân chung sống. Tỷ như căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Nguyên đây là một căn biệt thự, dạo hòa bình lập lại, được dành làm cơ quan Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau thành chỗ ở cho một số họa sĩ và văn nghệ sĩ kháng chiến về. Có mặt ở ngôi nhà này toàn là những danh họa, nhạc sĩ và nhà văn tài năng. Các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến... nhạc sĩ Đỗ Nhuận, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng... Toàn những tên tuổi, những vì sao sáng của văn nghệ đất nước. Những nghệ sĩ lớn này, khi vào tiếp quản, được phân phối mỗi người một phòng ở trên mấy tầng nhà biệt thự. Thời gian trôi, lớp người cũ rơi rụng rồi với đà phát triển các gia đình cũng lần lượt dời đi những địa điểm khác, nhưng ngôi nhà vẫn là một địa chỉ tự hào của nhiều người. Không ít văn nghệ sĩ thế hệ sau biết đến địa chỉ này. Con cái các bậc tài danh kia cùng chung sống trong một số nhà nên giữa họ có cái tình láng giềng nhiều năm thắm thiết.

Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoắt thoi đưa, một ngày chợt nhận ra cái từ hàng phố bỗng dưng trở nên hiếm hoi xa lạ. Người phố bây giờ tứ tán tỏa khắp Hà Nội mở rộng. Trước có thể chỉ khuôn phố phường trong năm cửa ô nội thành, nhưng giờ dọc ngang vài chục cây số vẫn là phố. Các làng ngoại thành chẳng cần phải những làng cổ như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hoàng Mai, Mơ Táo... mà tít ra tận Từ Liêm, xuôi xuống Thanh Trì... cũng đã thành phường, thành phố. Cái từ hàng xóm dần thay thế hàng phố. Hàng xóm là láng giềng của xóm của làng, quá chính xác. Người dân các tỉnh nhập cư Hà Nội chiếm một phần dân số, trong đó có không ít người nhiều tiền, sở hữu những căn nhà phố cổ, phố cũ và những khu chung cư cao cấp, cũng quen dùng hàng xóm nơi quê gốc. Tình hàng xóm láng giềng đã dần thay thế tình hàng phố. Chẳng sao cả, hàng phố hay hàng xóm cũng như nhau cả mà thôi, đều là cái tình láng giềng. Nhưng thật ra thì láng giềng bây giờ khác xa so với trước một trời một vực. Ấy là cái sự xa cách nhau, đèn nhà ai nhà nấy rạng.

Ngõ phố tôi ở cách nay vài chục năm ở mạn Mai Động. Nó nửa phố, nửa làng. Ngõ có vài chục hộ nhưng nhà nào nhà ấy đều tường tận nhau. Những đám hiếu hỷ, thậm chí một công dân mới chào đời, cũng rộn rã thăm hỏi. Tết nhất, cả ngõ thành đoàn đi chúc lần lượt mọi nhà, thật ấm cúng. Giờ vẫn con ngõ ấy, nhà cửa khang trang hơn, to hơn, nhưng chẳng ai còn thói quen đến nhà nhau chơi nữa, kể cả Tết. Bận rộn thì phải rồi, tuổi tác cao niên quá, đúng, nhưng rõ cái sự xa lạ xuất phát ở những thay đổi thế hệ và môi trường. Người ngõ cũ đi cũng không ít và người mới về cũng nhiều. Nhà nào biết nhà ấy từ bao giờ không rõ. Giờ mỗi ngày đi về con ngõ có ngôi nhà của mình, bất chợt gặp những chủ nhân bịt mặt, ánh mắt lạnh lẽo phóng xe vèo qua mặt mình, chợt nao nao một nỗi niềm khó tả. Không hẳn buồn nhưng đó là một chút của sự chạnh lòng xa lạ ở ngay nơi quen thuộc cuộc đời. Đấy là tôi còn may mắn có một chỗ ở cố định nên chí ít lớp người xưa còn biết nhau, còn có lúc thăm hỏi vồn vã. Những con phố, những chung cư, biệt thự giờ như có hàng rào ngăn cách, ai biết nhà nấy. Cái sự ở đến mươi năm nhưng không biết tên tuổi nhà hàng xóm cũng là nhẽ thường.

Hàng phố của một thời chắc chắn không thể mất đi, dù bây giờ nếp sống hàng xóm dần thay thế. Nhưng rõ ràng nét sống quý giá láng giềng quen thuộc đã dần mai một. Vẫn biết cuộc sống đi lên, thay đổi là quy luật tất yếu nhưng sự xa cách của các gia đình, giữa người với người và khác biệt giữa hàng phố và hàng xóm cũng là điều đáng tiếc, dù chúng ta phải mặc nhiên chấp nhận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top