Aa

Hậu giãn cách xã hội, dòng tiền ở thế phân vân

Thứ Hai, 27/04/2020 - 10:13

Ðúng vào ngày bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc thì TTCK Việt Nam chạm đáy. Từ đây, VN-Index quay đầu tăng 120 điểm trong 3 tuần thực hiện giãn cách.

Vì vậy, không có gì lạ khi ngày dừng giãn cách trên cả nước thì thị trường lại bước vào xu hướng điều chỉnh giảm.

Quan sát diễn biến trên thị trường cho thấy, sau đà phục hồi liên tục trong 3 tuần qua, dòng tiền đang ở thế phân vân giữa một bên là báo cáo kết quả kinh doanh của một số công ty vẫn rất tốt, nhưng bên kia là triển vọng kết quả quý II và cả năm vẫn còn là ẩn số. Ðặc biệt, áp lực lớn nhất vẫn là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ số giá đồng USD đang có xu hướng tăng lên và đồ thị kỹ thuật theo tháng và theo ngày cho thấy có khả năng tăng tiếp. Ðây là một trong những nguyên nhân lý giải khối ngoại phải bán ròng.

Bất chấp việc đã có lệnh mua đối ứng của khối ngoại là các quỹ ngoại tại Việt Nam, mỗi phiên khối ngoại nhìn chung vẫn bán ròng vài trăm tỷ đồng, trong đó lực bán chủ yếu đến từ các quỹ ETF.

Ảnh minh họa.

Trong các phiên giao dịch tuần trước, khối ngoại bán ròng cổ phiếu VNM vốn luôn kín room với khối lượng từ 500.000 đến gần 1 triệu cổ phiếu. Giới đầu tư e ngại nếu chỉ số giá USD tiếp tục tăng có thể sẽ còn kích hoạt làn sóng bán ròng của nhà đầu tư ngoại.

Trong khi đó, giá cổ phiếu đã tăng khá nhiều từ mức đáy, nên lực cầu của nhà đầu tư nội cũng không “dạt dào” ở mặt bằng giá hiện nay.

Một yếu tố rủi ro nữa là những bất ổn ở biển Ðông vẫn treo lơ lửng, có thể bất ngờ tạo áp lực tâm lý cho dòng tiền đầu tư trong bối cảnh đang phân vân chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Trong khi đó, phân tích kỹ thuật trên TTCK Việt Nam cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm.

Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc dừng giãn cách xã hội trên toàn quốc là yếu tố đầu tiên giúp doanh nghiệp khởi động trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh - đây chính là bệ đỡ, là nền tảng quyết định hoạt động của TTCK.

Theo ghi nhận của PV, các doanh nghiệp đang dồn sức khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh với hy vọng có thể trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến 5 triệu người lao động gặp khó khăn, nhu cầu thị trường trở nên suy yếu, đang và sẽ khiến áp lực cạnh tranh tăng mạnh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành.

Trên bình diện đầu tư, nhóm bluechips vẫn đang là hấp lực chính thu hút dòng tiền đầu tư và kéo VN-Index tăng điểm. Tuần qua, TTCK Việt Nam khép lại với dấu hiệu tích cực khi hình thành vùng đáy sau cao hơn đáy trước.

Nhà đầu tư chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ còn chưa được giải phóng cho thấy tâm lý tích cực vẫn bao phủ toàn thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý II không thuận lợi đang chờ ở phía trước là câu chuyện nhà đầu tư rất cần cân nhắc lúc này.

Ðể giữ an toàn tài sản, nhà đầu tư nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để.

Cái gốc của hoạt động đầu tư hiệu quả chính là sức khỏe tài chính và khả năng tạo nên giá trị gia tăng của các doanh nghiệp.

Tháng 5 là thời điểm các doanh nghiệp đồng loạt công bố kế hoạch đại hội, kế hoạch kinh doanh cả năm để báo cáo cho đại hội. Ðây là cơ hội cho nhà đầu tư phân tích, dự báo về triển vọng doanh nghiệp để dòng tiền đổ chọn mua cổ phiếu trụ vững trong mọi hoàn cảnh thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top