Aa

Hầu hết doanh nghiệp chưa có giải pháp dài hạn ứng phó với rủi ro COVID-19

Thứ Sáu, 24/04/2020 - 06:00

Trước thiệt hại nghiêm trọng từ dịch COVID-19, chỉ 8% doanh nghiệp chấp nhận "ngồi im" tạm ngừng kinh doanh, trên 81% vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy nhiên hầu hết vẫn chưa có những giải pháp dài hạn.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Chủ tịch) vừa tiến hành đợt khảo sát thứ 2 trong giai đoạn từ ngày 7 - 13/4, đối với tình hình hoạt động và ứng xử của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19.

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tác động rất nghiêm trọng, nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im” mà đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh.

So sánh với kết quả khảo sát nhanh của Ban IV đầu tháng 3/2020, lúc đó chỉ có 5% số doanh nghiệp trả lời chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì đến nay, 100% các doanh nghiệp có duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm tại văn phòng đều đã áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Phần lớn các doanh nghiệp ủng hộ Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch và chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất bằng cách tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 81% doanh nghiệp duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...

Phần lớn doanh nghiệp đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe, yêu cầu nhân viên khai báo y tế nếu nghỉ làm quá 3 ngày, lập hồ sơ sức khỏe giao cho bộ phận nhân sự theo dõi hay xây dựng lại quy trình làm việc để phù hợp với tình hình mùa dịch.

Những biện pháp như: Tổ chức cho người lao động làm việc ở cơ sở trang trại nào thì cách ly luôn tại đó, không giao dịch với các khu vực khác; bố trí hệ thống sát khuẩn hoàn chỉnh, bố trí ký túc xá tập trung có kiểm soát y tế cho người lao động... được xem là một trong các giải pháp có tính sáng tạo và rất điển hình để các doanh nghiệp khác tham khảo, học hỏi nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch.

Tuy vậy, số doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan, hoặc do khó khăn trong mùa dịch chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.

Ngoài ra, so với thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2020, khi chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch, thì trong khảo sát lần này 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng.

Ảnh minh họa.

Điển hình như, Tập đoàn FPT đã tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến với 500 cổ đông online cùng lúc từ khắp các tỉnh, thành và nhiều nước trên thế giới, hay như Tập đoàn Phúc Sinh đã sớm ứng dụng công nghệ số vào quản trị, sản xuất và giao dịch với khách hàng nên có thể làm việc từ xa mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này góp phần giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120 - 130%.

Tương tự, hoạt động tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới trên nền tảng internet cũng tăng lên. Trong khảo sát đầu tháng 3/2020 chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ này đã tăng lên 16%.

Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%). Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, trong khi con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.

Dịch COVID-19 bùng phát, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động chuyển đổi sản xuất, "biến nguy thành cơ" với việc chuyển từ sản xuất các mặt hàng thời trang sang khẩu trang vải với đa chủng loại giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Hay như Tập đoàn Mỹ Lan cũng đã ứng dụng công nghệ đóng gói khí cải tiến để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, ví dụ như thịt lợn có thể giữ được 7 - 11 ngày. Đồng thời, phát triển hệ thống máy bán thực phẩm thông minh, có chức năng hâm nóng trước khi xuất cho người mua giúp thúc đẩy thương mại điện tử hỗ trợ cho công tác cách ly xã hội và phòng chống dịch bệnh.

Nhận định về các số liệu này, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, các con số trên cho thấy các doanh nghiệp đã có sự nỗ lực, chủ động rất lớn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài.

Thiếu giải pháp mang tính dài hạn

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.

"Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật", báo cáo nêu.

Ngoài sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng kiến nghị với Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp "giải cứu" doanh nghiệp như: Tiến độ ban hành chính sách hỗ trợ từ phía các Bộ còn chậm, việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.

Do đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top