Aa

Hãy để sự quan tâm đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra

Thứ Năm, 24/05/2018 - 06:00

Những người hay lên vùng cao có những lúc rất xót. Đó là khi sự đầu tư nhiều khi không được làm đến đầu đến đũa. Kiểu như may cái áo đẹp nhưng khi nó mất cái cúc thì bỏ đó. Cuối cùng áo đẹp đấy mà người thì xộc xệch. Không chỉ trích cho sướng miệng - đó không phải là cái nhìn của người tình nguyện. Nhưng xót, nên cũng không thể bàng quan.

Những người thường xuyên lên vùng cao, trong đó có các Tình nguyện viên Cơm Có Thịt, rất ít khi phê phán hay chỉ trích cảm tính: "Nhà nước đâu, chính quyền đâu mà để dân, để học sinh... thiếu thốn thế này!".

Có nhiều người nghĩ vì người làm các công việc xã hội - từ thiện không muốn đụng chạm đến chính quyền. Họ e là họ sẽ gặp khó khăn, thiếu thiện cảm, nghi ngờ về động cơ làm từ thiện của họ.

Thực ra, nguyên do chính là những người lên vùng cao nhiều thì thấy tiền của Nhà nước đầu tư cho vùng cao là rất lớn. Chỉ nói riêng lĩnh vực giáo dục, hiện ở nơi heo hút, các trường học xây dựng ở các trung tâm xã to đẹp không kém các trường ở đồng bằng. Có những trường Mầm Non đẹp còn hơn ở Hà Nội.

Nếu nói về giao thông, thì những năm gần đây, mỗi lần lên vùng cao lại thấy khác. Có những con đường rất cheo leo, nguy hiểm mà chúng tôi từng đi qua, nay chỉ còn lại trong các bức ảnh.

Đó là sự thật. Thấy tận mắt nên những người lên đó không chê bai phê phán ào ào. 

Những người hay lên vùng cao có những lúc rất xót. Đó là khi sự đầu tư nhiều khi không được làm đến đầu đến đũa. Kiểu như may cái áo đẹp nhưng khi nó mất cái cúc thì bỏ đó. Cuối cùng áo đẹp đấy mà người thì xộc xệch. Không chỉ trích cho sướng miệng - đó không phải là cái nhìn của người tình nguyện. Nhưng xót, nên cũng không thể bàng quan.

Một hình ảnh về dự án nước sạch vùng cao bị bỏ hoang.

Một hình ảnh về dự án nước sạch vùng cao bị bỏ hoang.

Tại Pa Cheo, tôi và nhà báo Đào Tuấn đã xót về chuyện này: Vào trong nhà dân, thấy vòi nước máy dẫn vào tận nơi. Như ở Thủ đô vậy. Chỉ vặn cái vòi là có nước! Ở trên núi non này còn gì bằng nữa. Rồi ở cả hai trường học, vòi nước bằng thép vào tận các bể nước lớn. Lo gì học sinh thiếu nước. Mà nước ở vùng cao khó thế nào thì bạn biết rõ đấy. Có nước là có cuộc sống văn minh.
 
Nhưng cả hệ thống nước đầu tư nhiều tỷ ấy có số ngày hoạt động rất ít. Theo như thày giáo nói thì cái bể nước nhiều chục khối được đầy duy nhất một lần. Sau đó đường ống hỏng. Vì nhiều nguyên do, có cả ý thức người dân. Thấy nước đi qua ruộng thì bẻ ra lấy nước. Khi công trình chưa nghiệm thu, bàn giao, người ta sửa chữa. Lại có tý nước. Khi nghiệm thu bàn giao xong, không ai sửa chữa nữa, thế là từ đó đến nay cả hệ thống dẫn nước bằng thép, gang, rất hoàn chỉnh, giờ chỉ để làm cảnh.
 
Chúng tôi đã hỗ trợ nhà trường làm đường ống mềm để dẫn nước. Còn đường ống cứng thì đã khô cong.
Giữa tháng 5 vừa rồi, chúng tôi vào những bản ở vùng huyện Bắc Quang (Hà Giang). Những điểm trường được xây dựng có chỗ khá tốt. Có bể nước ngầm, có nhà vệ sinh hẳn hoi. Có đường ống nước được đầu tư theo chương trình 135 dẫn đến tận nơi. Nhưng chỉ tội là không còn có nước nữa. Những cái bể khô cong. Nhà vệ sinh bỏ không. Các cháu chạy ra đồng. Còn các cô thì đi xin nước nhà dân. Nhà dân có nước là do mỗi nhà bỏ tiền ra mua ống mềm dẫn nước trên núi về. Nhà nào đường ống đó. Hàng mấy cây số ống mềm. Bên cạnh đường nước cứng đã đầu tư của Nhà nước nhưng bỏ không.
 
Trẻ em vùng cao đón dòng nước mát

Trẻ em vùng cao đón dòng nước mát

Nguyên do thì có nhiều. Có nơi do đường ống hỏng không được bảo trì. Có nơi do nguồn nước bị nhiễm đôc vì nạn khai khoáng trái phép (dùng hoá chất). Không có tiền để nối ống dẫn sang chỗ có nguồn nước sạch. Kết quả thì như nhau: Hệ thống dẫn nước trị giá nhiều tỷ bị bỏ không. Dân bỏ tiền ra nhà nào làm đường ống mềm cho nhà ấy. Nếu tổng cộng chi phí các nhà vào là cả đống tiền. Và sắp tới, chúng tôi đành làm như thế: Hỗ trợ tiền mua ống nhựa để dẫn nước về điểm trường. Nếu không có nước, việc giữ trẻ, dạy trẻ khổ như tra tấn. Nhất là vào thời tiết này.

Một dự án chỉ có thể coi là có ích, khi nó đạt được mục tiêu của mình. Hãy kiểm tra xem có bao nhiêu dự án nước cho dân theo chương trình 135 đã thực hiện, trên hồ sơ là nước phải có rồi, trên thực tế thì dân không có nước từ đường ống đã làm. Hãy kiểm tra xem có bao dự án tiền tỷ khác đã làm cho vùng cao không phát huy tác dụng đúng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Nguyên nhân và cách khôi phục lại. Ngân sách đâu dư dả, nhưng vẫn phải bỏ ra rất nhiều tiền để người dân miền núi khó khăn thoát khổ. Nhưng đầu tư xong thì nó bị bỏ đó. Không thể duy trì để đem lại lợi ích thật như là nước (hay những cái khác nữa).

"Những cái khác" thì tôi có thể kể thêm: Đống thiết bị trường học chất vào phòng làm kho. Nó chỉ chật chỗ. Vì không có sân chơi, không có lớp để sử dụng. Tôi từng gặp đống máy vi tính ở Apachải chất đó vì đâu có điện để dùng (năm 2011). Đống đàn organ điện xếp trên nóc tủ văn phòng nhà trường ở Nậm Nhùn (vì lúc đó cũng đâu có điện)...

Của cho là quan trọng, là hữu ích, nhưng chỉ khi cách cho nó chu đáo. Phải có săn sóc trước và sau đầu tư. Đừng coi nó như chỉ là dự án, xong là thôi. Phải coi nó như tấm lòng, sự băn khoăn, trăn trở. Có vậy mới tránh chuyện may cái áo đẹp, nhưng không thể bổ sung cái cúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top