Aa

HĐND TP.HCM chất vấn: Đẩy nhanh cấp sổ hồng chung cư và ngăn ngừa xả rác bừa bãi

Thứ Hai, 09/12/2019 - 16:04

Sáng 9/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX đã bước vào ngày làm việc thứ ba với phiên chất vấn các sở, ban ngành. Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường.

Xử lý các trường hợp chậm cấp sổ hồng

Sáng 9/12, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân và tìm các giải pháp giải quyết các vấn đề “nóng”, như tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất và chung cư (sổ hồng), tình trạng ô nhiễm không khí, xử lý rác thải… Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi thành phố đã đẩy mạnh công tác xử lý rác thải, giảm ô nhiễm không khí, môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, cụ thể là ô nhiễm không khí vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân lo lắng.

Đại biểu Trương Lâm Danh chất vấn: Việc cấp giấy chứng nhận cho người dân ở chung cư đang bị vướng ở khâu nào, làm sao để các chung cư hoàn thành nghĩa vụ làm giấy chứng nhận đúng hạn cho người dân, ngân hàng quản lý nợ ra sao khi chủ đầu tư bỏ trốn, phá sản?

Các đại biểu HĐND bước vào phiên chất vấn đối với lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM vào sáng 9/12

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, vừa qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc cho người dân. Tính đến nay, thành phố còn khoảng 10% hồ sơ trễ hẹn cấp giấy chứng nhận cho người dân. Nguyên nhân trễ hẹn phần lớn thuộc trường hợp hồ sơ ký mới giấy chứng nhận, phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố (chiếm khoảng trên 60%, khoảng 20.000 hồ sơ).

“Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho người dân, thành phố cũng đã ban hành tương đối đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận. Thành phố đã phân cấp cho Sở ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận - huyện được ký giấy chứng nhận theo quy định; triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế để giảm thời gian xử lý cấp giấy cho người dân”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời chất vấn của các đại biểu và cử tri thành phố tại hội trường

Theo đó, thành phố còn khoảng 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp Giấy chứng nhận, nguyên nhân là do không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật như: Chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được xử lý; các giấy tờ nguồn gốc đất không rõ ràng…

Đối với nhà chung cư, TP.HCM đã cấp 62.000 giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho 194 dự án nhà ở và chung cư. Thành phố còn khoảng 20.000 căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nguyên nhân của việc chậm cấp giấy chứng nhận là do chủ đầu tư khi làm giấy phép xây dựng, đem giấy phép này thế chấp và không rút ra khi bán căn hộ cho người dân; chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép xây dựng ban đầu…

“Để giải quyết tình trạng này, Thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý từng trường hợp. Trong đó, đối với những trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn từ việc chủ đầu tư trước khi bán căn hộ cho người dân chưa giải chấp Giấy chứng nhận của dự án tại các tổ chức tín dụng thì chuyển hồ sơ sang Tòa án giải quyết. Đối với việc chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, vừa thế chấp Giấy chứng nhận, vừa bán căn hộ cho nhiều người thì chuyển cơ quan điều tra tiến hành xử lý hình sự. Còn đối với những công trình vi phạm theo Giấy phép xây dựng, Thành phố sẽ thẩm định nếu những vi phạm không liên quan đến quy hoạch, công trình phòng cháy chữa cháy… thì xử phạt hành chính chủ đầu tư rồi tiến hành xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ”, ông Thắng cho biết thêm

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, từ đầu năm đến nay, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đã tiếp nhận trên 379.000 hồ sơ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, tổng số hồ sơ đã giải quyết là trên 342.000 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 90%); tổng số giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 90%; tổng số trễ hạn là 34.231 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 10%.

Vận động người dân giảm lượng rác thải ra môi trường

Ngoài băn khoăn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề xử lý rác thải. Đại biểu Vũ Thành Lưu bày tỏ băn khoăn: “Thành phố đang thực hiện mục tiêu “biến rác điện năng”, vậy công tác xử lý rác thải của thành phố đang thực hiện ra sao? Trung bình mỗi ngày thành phố thải ra 9.000 tấn nhưng đến nay mới chỉ có một nhà máy đốt rác thành điện, vậy thành phố làm sao để đến 2020 sẽ đủ nhà máy để xử lý 50% rác thải của theo hướng “biến rác thành điện năng”? Khi đốt rác thải thành điện năng vậy Sở đã có phương án gì để xử lý các khí thải ra từ công việc đốt rác, nếu chúng ta làm không khéo sẽ chuyển từ ô nhiễm rác thải thành ô nhiễm khí thải từ việc đốt rác?”

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, bày tỏ quan điểm cần tăng mức xử phạt về hành vi xả rác ra môi trường để tăng tính răn đe

Trong khi đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê phản ánh, dù thành phố đã kêu gọi người dân giảm xả rác ra môi trường nhưng vẫn có tình trạng người dân vô tư xả rác ra môi trường, đặc biệt là sau các hội thảo, sự kiện tại các khu vực công cộng. Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, hình thức chế tài xử phạt về hành vi xả rác hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Để giảm lượng rác thải ra môi trường, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân. Để xử lý các hành vi xả rác ra môi trường, các đơn vị, quận huyện đang áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, với hành vi xả rác ra môi trường sẽ bị xử phạt ở mức từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng; tuy nhiên, do lực lượng kiểm tra xử lý thiếu nên hành vi vi phạm xả rác ra môi trường vẫn xảy ra. Sắp tới, Sở sẽ giao quyền cho lực lượng trật tự đô thị địa phương tăng cường mật độ kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời hành vi xả rác và xử lý nghiêm. Ngoài ra, để có căn cứ xử lý vi phạm, Thành phố cũng đã và đang tiến hành lắp đặt thêm hệ thống camera ở các khu vực công cộng”.

Phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với mục tiêu xây dựng TP.HCM xanh, sạch đẹp, Thành phố đã và đang kêu gọi toàn thể người dân từng bước nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi ra môi trường. Ngoài ra, lãnh đạo Thành phố cũng tiếp tục yêu cầu các đơn vị, cơ quan ban ngành liên quan phối hợp nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động kêu gọi người dân thành phố không xả rác ra kênh rạch, môi trường, công cộng; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hành vi xả rác ra môi trường; từng bước chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác thải để người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày thành phố phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt từ hơn 1 triệu hộ gia đình và trên 134.000 hộ kinh doanh thương mại. Các hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt chính gồm: Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị (quản lý 240 xe vận chuyển), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 24 quận huyện (quản lý 263 phương tiện) và hệ thống thu gom rác dân lập.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top