Aa

Hiệp hội BĐS Việt Nam đã “giải cứu” thị trường trong giai đoạn khó khăn nhất

Thứ Năm, 13/10/2016 - 12:30

Bên thềm Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam nhiệm kỳ IV, ông Tạ Trọng Tấn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (Hud) đã có những chia sẻ về vai trò của Hiệp hội với doanh nghiệp cũng như thị trường BĐS Việt Nam. Đặc biệt, với vị trí là đại diện doanh nghiệp BĐS nhà nước lớn, Phó Tổng giám đốc Hud cũng thẳng thắn nói về vai trò bình ổn thị trường của mình.

Ông Tạ Trọng Tấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hud.

Ông Tạ Trọng Tấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hud.

- PV: Chào ông, hướng tới Đại hội Hiệp hội BĐS lần thứ IV, xin ông chia sẻ vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp thành viên với cơ quan quản lý nhà nước của Hiệp hội BĐS Việt Nam?

- Ông Tạ Trọng Tấn: Trong những năm qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã hoạt động tích cực, phát huy tốt vai trò cầu nối của mình. Cụ thể: Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có đóng góp lớn trong khi đưa ra các kiến nghị chính sách giúp giải cứu thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn 2011-2012. Gần đây nhất là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thay đổi nội dung điều chỉnh Thông tư 36 liên quan đến tín dụng bất động sản, góp phần giảm nguy cơ thị trường bị chặn dòng vốn một cách đột ngột.

Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực cho chính sách phát triển nhà ở xã hội. Trong giai đoạn ban đầu khi chương trình phát triển nhà ở xã hội còn manh nha, hiệp hội đã tổ chức các hội thảo tập hợp ý kiến của các nhà phát triển, kiến nghị chính sách rất cụ thể để thúc đẩy việc tạo quỹ đất và đề ra các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho cả bên tạo lập lẫn người mua nhà là các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, hiệp hội đã đóng góp tiếng nói tích cực cho việc xúc tiến thành lập quỹ 30.000 tỷ cũng như cho việc kéo dài thời hạn giải ngân của quỹ này.

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phát huy vai trò chủ động và tích cực tham mưu cho hiệp hội làm cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân với cơ quan quản lý nhà nước, mà gần đây nhất là dự thảo Thông tư 02/2016 về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đây là một văn bản pháp luật có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của người dân đô thị do tỷ trọng sinh sống trong các chung cư ngày càng lớn.

Đặc biệt gần đây, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư ngày càng tiềm ẩn do nhu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao và tính chất sở hữu ngày càng phức tạp. Nhờ vai trò đầu mối của Ban pháp chế, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đại diện lợi ích người dân và nhà phát triển nhà ở đã có cơ hội ngồi trao đổi trực tiếp, thẳng thắn và là cơ sở để Hiệp hội BĐS Việt Nam tập hợp ý kiến đóng góp và nhiều ý kiến đã được tiếp thu để điều chỉnh phù hợp khi thông tư được ban hành.

- PV: Với vai trò là một doanh nghiệp BĐS nhà nước lớn, xin ông cho biết sự cần thiết và giải pháp phát triển mạng lưới và hệ thống hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam tại khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng?

- Ông Tạ Trọng Tấn: Tiến trình công nghiệp hóa – đô thị hóa dẫn đến thị trường bất động sản không những chỉ phát triển mạnh tại những thành phố lớn như Hà Nội mà còn mở rộng ra nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và gần đây là Hải Phòng, Quảng Ninh. Vì vậy, việc phát triển hội viên ở các tỉnh, thành phố khác là cần thiết để mở rộng mạng lưới nhằm tạo điều kiện giao lưu, hợp tác với các hội viên mới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội hiện có các Chi hội chuyên ngành như Hội bất động sản du lịch Việt Nam, Hội môi giới bất động sản Việt Nam,… Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động theo chuyên ngành và giới thiệu cho các hội viên phù hợp tham gia sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn.

Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm (Hà Nội) là dự án đô thị mới đầu tiên do HUD đầu tư và triển khai xây dựng tại Hà Nội.

Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm là dự án đô thị mới đầu tiên do HUD đầu tư và triển khai xây dựng tại Hà Nội.

 - PV: Xin ông cho một vài đánh giá về thị trường BĐS Hà Nội và phía Bắc trong thời gian tới.

- Ông Tạ Trọng Tấn: Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thị trường của chúng tôi, nhìn chung thị trường BĐS Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc đã có sự phục hồi khá tích cực từ cuối năm 2014 đến nay. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có sự phục hồi trong thời gian tới do được hỗ trợ bởi các nhân tố như: nhu cầu lớn do mật độ dân số cao, cơ cấu dân số trẻ; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; nền kinh tế vĩ mô đang đề đà hồi phục; lãi suất ổn định ở mức hợp lý so với giai đoạn trước đây; nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do mới và mở rộng chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như hoạt động của Việt Kiều, người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên ngoài những mặt tích cực trên, thị trường đối mặt với một số rủi ro có thể cản trở đà phục hồi như: tồn kho ở mức cao; nguồn cung tăng mạnh và có sự mất cân đối nguồn cung khi phân khúc căn hộ cao cấp, giá cao tại Hà Nội, căn hộ cao cấp và biệt thự nghĩ dưỡng tại các khu du lịch nghỉ dưỡng đang có sự gia tăng rất mạnh kể từ năm 2015 đến nay; Ngân hàng nhà nước đang thực hiện chính sách điều tiết và kiểm soát tín dụng vào thị trường; một số yếu tố đầu vào của thị trường có xu hướng tăng như chi phí tiền sử dụng đất, vật liệu xây dựng, nhân công…

Vì vậy thị trường sẽ có sự phục hồi khá chọn lọc, và khó có khả năng sốt nóng cục bộ, những phân khúc có nhu cầu cao và phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn người dân là căn hộ trung bình, giá thấp, nhà ở xã hội, đất nền, nhà xây thô khu vực nội thị hoặc thuận lợi giao thông sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan, ngược lại phân khúc căn hộ cao cấp; căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ đầu tư để thu hút khách hàng.

 - PV: Hud là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị trong cả nước, theo ông doanh nghiệp nhà nước có vai trò thế nào trong việc bình ổn thị trường bất động sản VN?

- Ông Tạ Trọng Tấn: Là doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh bảo toàn và phát triển vốn, đồng thời thực hiện nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường bất động sản. Để thực hiện nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường, chúng tôi thực hiện kiểm soát chi phí đầu vào ở mức hợp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng nhằm tạo sản phẩm có giá cạnh tranh phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng, đồng thời tập trung đầu tư vào dòng sản phẩm có giá trung bình, giá thấp và nhà ở xã hội.

Đây là dòng sản phẩm có nhu cầu lớn nhất và phù hợp với khả năng thanh toán đại bộ phần người lớn người dân, tuy nhiên phân khúc trên có tỷ suất lợi nhuận thấp lên ít được các doanh nghiệp ngoài nhà nước quan tâm đầu tư.

 - PV: Là đại diện phía doanh nghiệp nhà nước, Hud có đề xuất gì với Hiệp hội BĐS Việt Nam để hoạt động tốt hơn trong thời gian tới?

- Ông Tạ Trọng Tấn: Bên cạnh mong muốn Hiệp hội phát huy vai trò đã đạt được trong thời gian qua, chúng tôi kiến nghị Hiệp hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa vị thế làm cầu nối và hỗ trợ các hội viên trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng trờ nên chuyên nghiệp hơn nhưng cũng cạnh tranh và chịu nhiều sự quản lý chặt chẽ hơn của nhà nước. Cụ thể, hiệp hội nên nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan quản lý tháo gỡ khó khăn đặc thù của các doanh nghiệp bất động sản như điều kiện kinh doanh nhà ở hoặc chế độ hạch toán doanh thu, lợi nhuận liên quan đến Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Ngoài ra, hiệp hội cũng nên mở rộng các hoạt động như nghiên cứu thị trường, tư vấn phát triển dự án, các giải pháp vật liệu mới ứng dụng trong phát triển bất động sản, kết nối nhà phát triển với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đơn vị môi giới, đơn vị cung cấp vật liệu và khách hàng.

Nhân dịp này, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị xin gửi lời chúc thành công tốt đẹp tới Đại hội lần thứ IV của Hiệp hội BĐS Việt Nam.

 - Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top