Aa

Hiểu đúng và đủ về việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư

Thứ Tư, 15/03/2017 - 21:50

Tại Mục 2, Chương III, Thông tư số 02/2016/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/2/2016 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định rất rõ về việc thành lập Ban quản trị (BQT) tại các tòa nhà.

Từ Quyết định thu hồi một... Quyết định thu hồi

Như Reatimes đã thông tin, ngày 14/3, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1707/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 8/2/2017. Đáng chú ý là, cả hai Quyết định này đều do ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký.

Quyết định số 1707/QĐ-UBND về việc Thu hồi Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 08/02/2017.
Quyết định số 1707/QĐ-UBND về việc Thu hồi Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 08/02/2017.

Quyết định số 1707/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 609/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.

Theo nội dung Quyết định số 1707/QĐ-UBND, lý do thu hồi Quyết định số 609/QĐ-UBND là: Do hiện nay phần tài sản trên đất tại chung cư 229 phố Vọng do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai (gọi tắt là Công ty Sao Mai) được giao quản lý, sử dụng (theo Quyết định số 246/QĐ-VPTU ngày 27/12/2011 của Văn phòng Thành ủy Hà Nội) chưa được BQT cụm chung cư 229 phố Vọng thống nhất và có kiến nghị xác định rõ diện tích sử dụng chung, riêng phần tài sản trên đất trước khi giao đất cho Công ty Sao Mai.
 
Cũng theo Quyết định số 1707, Công ty Sao Mai và Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và phát triển nhà rà soát hồ sơ, phối hợp cùng Sở Xây dựng, các Sở, Ngành liên quan và BQT tòa nhà để xác định diện tích sở hữu chung, riêng đối với công trình xây dựng trên diện tích đất sử dụng chung theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xác định, báo cáo Văn phòng Thành ủy, UBND Thành phố đối với diện tích sử dụng chung, riêng phần tài sản trên đất của nhà A1, A2 theo quy định.
 
Trước đó, ngày 8/2/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-UBND, thu hồi 3.489m2 đất (sử dụng chung) tại hai tòa chung cư A1, A2 có địa chỉ ở 229 phố Vọng.
 

Lý do thu hồi đất được đưa ra tại Quyết định 609 là sau khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư xây lắp và Phát triển nhà tiến hành cổ phần hóa vào năm 2011 thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai được nhận điều chuyển tài sản từ Công ty này theo Quyết định số 246-QĐ/VPTU ngày 27/12/2011 của Văn phòng Thành ủy.

Từ đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội mới có tờ trình đề nghị UBND TP. Hà Nội quyết định thu hồi 3.489m2 đất tại Dự án 229 Phố Vọng và giao Công ty Sao Mai quản lý, sử dụng đất thu hồi nêu trên (sử dụng chung) để tiếp tục sử dụng cùng với tài sản nhận điều chuyển để làm nhà trẻ và kinh doanh dịch vụ.

Đến tầm quan trọng của BQT nhà chung cư

Rõ ràng có thể thấy rằng, lý do để UBND TP. Hà Nội thu hồi Quyết định 609 có dấu ấn rất lớn của BQT tòa nhà A1, A2 số 229 phố Vọng. Đáng nói, BQT này vừa mới được thành lập ngày 19/12/2016, dù chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư 229 phố Vọng đã bàn giao căn hộ cho cư dân sử dụng từ năm 2008.

Bất bình với các quyết định bất thường của UBND TP. Hà Nội, BQT chung cư 229 phố Vọng đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng và báo chí.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng (người mặc áo trắng) trao đổi với PV một số cơ quan báo chí chiều 13/3. Ảnh: Trung Du.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng (người mặc áo trắng) trao đổi với PV một số cơ quan báo chí chiều 13/3. Ảnh: Trung Du.

Được biết, phần mấu chốt nhất tại khu chung cư này là chưa xác định được phần diện tích sử dụng chung và phần diện tích sử dụng riêng. Những kiến nghị của BQT chung cư chưa được các cơ quan chức năng trả lời thích đáng nhưng phần nào đã cho thấy vai trò quan trọng của BQT nhà chung cư, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cư dân. 

Tại buổi làm việc với đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chiều 13/3, trước câu hỏi của PV rằng: “Tại sao sau hơn 8 năm đưa vào sử dụng, bán cho cư dân mà BQT tòa nhà 229 phố Vọng mới được thành lập? Ai phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này?”, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội cho hay: “Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng đã có quy định rất rõ về việc thành lập BQT. Đây là quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu, do đó các chủ sở hữu phải tự bàn bạc thống nhất với nhau trong việc thành lập BQT.

Trong trường hợp các chủ sở hữu không thể thống nhất để thành lập BQT tòa nhà thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm công nhận về mặt pháp lý đối với BQT do đại đa số chủ sở hữu bầu lên. Do đó, để xảy ra sự chậm trễ này trách nhiệm trước hết thuộc về cư dân, đơn vị vận hành sau đó là trách nhiệm của quận Hai Bà Trưng”.

Trong lý do để UBND TP. Hà Nội thu hồi Quyết định 609 có dấu ấn rất lớn của Ban Quản trị (BQT) tòa nhà A1, A2 - 229 phố Vọng.

Trong lý do để UBND TP. Hà Nội thu hồi Quyết định 609 có dấu ấn rất lớn của BQT tòa nhà A1, A2 số 229 phố Vọng.

Quy chế thành lập và hoạt động của BQT nhà chung cư

Thời điểm trước năm 2014, việc thành lập BQT tại các tòa nhà chung cư tồn tại khá nhiều bất cập. Nổi cộm là vấn đề BQT tòa nhà năm lần bảy lượt bị trì hoãn, chậm tiến độ thành lập, thậm chí bị ngăn cản đẩy lùi thời gian thành lập.

Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho cư dân sinh sống, sử dụng dịch vụ tại các tòa nhà chung cư nói chung, chung cư theo dạng dự án nhà ở xã hội nói riêng.

Biện pháp tình thế mà cư dân các tòa nhà đưa ra trong thời gian chờ được thành lập, công nhận BQT chính thức đó là thông qua Hội nghị nhà chung cư để bầu ra BQT lâm thời. Tuy nhiên giải pháp này không thực sự phát huy tác dụng vì không mang tính pháp lý theo quy định.

Ngày 15/2/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tại Mục 2, Chương III của thông tư này quy định rất rõ ràng, cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận cũng như quy chế hoạt động của BQT nhà chung cư. Trong đó:

Điều 17. BQT nhà chung cư

1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà phải thành lập BQT theo quy định của Luật Nhà ở thì BQT nhà chung cư là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu và hoạt động theo mô hình quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Quy chế này; BQT do hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bầu để thực hiện các quyền và trách nhiệm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 41 của Quy chế này.

2. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có dưới 20 căn hộ thì hội nghị nhà chung cư quyết định thành lập Ban quản trị hoặc không thành lập BQT. Trường hợp thành lập BQT nhà chung cư thì nguyên tắc hoạt động và mô hình tổ chức của BQT được quy định như sau:

a) Trường hợp nhà chung cư có một chủ sở hữu thì BQT nhà chung cư không có tư cách pháp nhân, không có con dấu; Ban quản trị hoạt động theo mô hình quy định tại Khoản 3 Điều 18 và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 41 của Quy chế này;

b) Trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì mô hình và nguyên tắc hoạt động của BQT nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. BQT nhà chung cư quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này có nhiệm kỳ hoạt động 03 năm và được bầu lại tại hội nghị nhà chung cư thường niên của năm cuối nhiệm kỳ, trừ trường hợp họp hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu thay thế BQT.

4. Các quyết định của BQT nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều 41 của Quy chế này thì không có giá trị pháp lý; trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các thành viên BQT phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định của Luật Nhà ở thì BQT nhà chung cư không được thuê người lao động, không được thành lập các bộ phận trực thuộc; trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành thì BQT được thuê các dịch vụ riêng biệt để quản lý vận hành nhà chung cư. Các thành viên BQT nhà chung cư chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo phân công tại quy chế hoạt động của BQT.

6. BQT nhà chung cư có kinh phí hoạt động do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp hàng năm trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư; kinh phí này được ghi rõ trong quy chế hoạt động của BQT và được quản lý thông qua một tài khoản hoạt động của BQT; BQT nhà chung cư phải sử dụng kinh phí hoạt động đúng mục đích, không được dùng để kinh doanh và phải báo cáo việc thu, chi tại cuộc họp hội nghị nhà chung cư thường niên.

7. Mức thù lao của các thành viên BQT nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp theo quyết định của hội nghị nhà chung cư trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng tòa nhà, cụm nhà chung cư và từng địa phương, trừ trường hợp thành viên BQT từ chối nhận thù lao.

Trường hợp nhà chung cư có đơn vị quản lý vận hành theo quy định của Luật Nhà ở và Quy chế này thì chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm đóng thù lao qua đơn vị này để chi trả cho các thành viên BQT; khoản tiền này không phải hạch toán vào hoạt động kinh doanh của đơn vị quản lý vận hành. Nếu nhà chung cư không có đơn vị quản lý vận hành theo quy định của Luật Nhà ở và Quy chế này thì thù lao này do BQT nhà chung cư thu và chi trả cho từng thành viên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top