Aa

Hơ áo chờ chồng

Thứ Năm, 30/01/2020 - 09:14

U tôi lấy rơm đốt lên một đống lửa to, rồi người cầm chiếc áo cũ của bố tôi hơ lên ngọn lửa, đưa đi đưa lại trên ngọn lửa nóng, miệng lầm rầm khấn vái những câu gì đó mà trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ không hiểu...

Trong một tiết giảng cho sinh viên báo chí, không rõ câu chuyện dẫn dắt thế nào, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh chiếc áo trong văn hóa Việt Nam.

Tôi hỏi sinh viên tại sao khi ca dao viết về tình yêu lứa đôi, thấy trở đi trở lại hình ảnh chiếc áo? Nào là: “Người về gửi áo lại đây/ Để khi em nhớ cầm tay đỡ buồn”, “Yêu nhau cởi áo trao nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”; nào là “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”. Tại sao cứ phải là trao áo, cầm áo, quên áo, mà không phải là chiếc nhẫn, chiếc nón, thậm chí là… cái điếu cày cũng được chứ có sao?

Có một chút buồn: không một sinh viên nào trả lời được.

Trong văn hóa Việt, chiếc áo còn có chức năng tâm linh. Ảnh: Internet

Tôi kể lại câu chuyện này cho sinh viên nghe. Ngày trước, tôi đã tận mắt thấy một lần u tôi thực hành một nghi thức tín ngưỡng có từ thời rất cổ xưa tại căn bếp nhà mình trước sự chứng kiến của mấy anh chị em tôi. Nhà tôi đông con. Bố tôi lại là người ham chơi. Ông thường hay lấy cớ lên mạn ngược mua bán gỗ lạt, chở về xuôi kiếm lời. Cũng có đôi chuyến khi về có gỗ thật. Nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Còn thường thì là ông trở về tay không, trong một tư thế lầm lũi, ân hận, mặc cảm hối lỗi dày vò. Những ngày ở nhà, ông lại trần lực ra làm, cày bừa, cuốc đất, trồng cây, bất kể ngày đêm, nắng mưa. Ông làm như thể để chuộc lỗi với u tôi.

Nhưng lâu lâu ông lại kiếm cớ đi lên mạn ngược. U tôi không dám cản, chỉ dặn đi mau rồi về, nhà còn việc này việc nọ… Thế là ông lại tay nải ngược đê sông Thương lên phía thượng nguồn, những Bố Hạ, Cầu Lường gì đó trên con đường thiên lý Bắc Giang - Lạng Sơn. Chắc ông nhớ rừng. Chắc ông nhớ bạn. Nhớ cả về những chuyến đi mây gió giang hồ…

Ảnh minh họa: Internet

U tôi lấy rơm đốt lên một đống lửa to, rồi người cầm chiếc áo cũ của bố tôi hơ lên ngọn lửa, đưa đi đưa lại trên ngọn lửa nóng, miệng lầm rầm khấn vái những câu gì đó mà trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ không hiểu. Lúc ấy, nhìn gương mặt của người ngời lên trong ánh lửa chập chờn, tiếng những cọng rơm cháy lép tép, tôi thương u tôi vô kể. Một khung cảnh thật thiêng liêng và xúc động. Sau đó, chị lớn của tôi đánh bạo hỏi, u tôi mới giải thích rằng, hơ áo như thế để cho bố mày ở nơi xa biết nhớ nhà, biết sốt ruột mà về… Thì ra là vậy. Không rõ việc làm của u tôi có hiệu nghiệm thật hay không, nhưng đằng sau nghi thức ấy, mới thấy tấm lòng, nỗi lo toan của những người mẹ sinh ra là để giữ gìn tổ ấm, đắp xây tổ ấm. Người phụ nữ trong gia đình Việt chính là những ngọn lửa ấm sáng đó.

Trong văn hóa Việt, chiếc áo ngoài hai chức năng che thân và làm đẹp (giống với phương Tây), thì còn có thêm chức năng thứ ba nữa, chức năng tâm linh. Người Việt xưa quan niệm rằng, chiếc áo khi được ai đó mặc vào sẽ mang chở hình bóng và hồn vía của người mặc nó.

Thế cho nên khi yêu nhau, người ta trao gửi chiếc áo, nghĩa là trao gửi bóng hình, hồn vía của mình cho người mình yêu. Chàng trai quên chiếc áo, không phải ngẫu nhiên, mà là cố tình quên chiếc áo để muốn làm vật trao gửi tâm tình, vật kết duyên với người mà mình thầm yêu dấu. Và chiếc áo đã đi vào thực hành tín ngưỡng mà lớp người như u tôi vẫn còn giữ được.

Trong văn hóa Trung hoa xưa, chiếc áo cũng tượng trưng cho vận mệnh của thân chủ. Tích truyện kể rằng Dự Nhượng phục mưu nhiều lần không giết được Triệu Tương tử, lần cuối cùng bị bắt, trước khi bị đem giết, Dự Nhượng xin cầm chiếc giáo đâm mấy lần vào chiếc áo của Triệu Tương tử như một hành động mang tính biểu trưng, để thỏa lòng báo thù, chết khỏi ân hận.

Hình ảnh chiếc áo đi vào văn hóa Việt, trở thành vật biểu trưng của tình yêu muôn đời. Còn chiếc áo của văn hóa Trung hoa, trong trường hợp này, bị đẩy lên thành vật biểu trưng cho lòng báo thù.

Sau này, chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa, chiếc áo đi vào trang phục Việt nơi cung đình, hoặc trong tầng lớp quan lại, quý tộc, được cấp thêm những nét nghĩa mới: biểu trưng cho quyền lực, địa vị (hoàng bào, long bào…), biểu trưng cho đối lứa lúc chia xa (Người lên ngựa, kẻ chia bào)…

Hình ảnh chiếc áo đi vào văn hóa Việt, trở thành vật biểu trưng của tình yêu muôn đời. Ảnh minh họa: Internet

Thêm một quan sát. Trong lễ mộc dục, tắm gội cho người đã khuất, người ta nhất thiết phải thay quần áo mới. Ngoài quan niệm trần sao âm vậy (người chết cũng cần quần áo mới), thì việc làm này còn có một hàm ý sâu xa nữa: tránh không để người chết lỡ mang đi một tấm áo manh quần nào của người thân trong nhà mà mình lỡ mặc hoặc mặc nhầm. Việc làm này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người còn sống.

Những câu ca dao thân thương nước Việt mình còn mãi: “Áo xông hương của chàng vắt mắc/ Đêm em nằm em đắp lấy hơi/ Gửi chăn gửi chiếu gửi nhời/ Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa”. Hình ảnh chiếc áo bông cũ trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nổi tiếng của Thạch Lam còn mãi…

Sau này, một số nhạc sỹ cũng đã sử dụng hình ảnh chiếc áo trong các ca khúc để nói về tình mẹ với người chiến sĩ một cách đầy sáng tạo, ấn tượng. “Áo mùa đông” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý là những ca khúc có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Ngày hôm nay, việc tặng áo cho nhau trở nên bình thường hơn, nhất là các bạn gái, các chị, các mẹ. Thích ai thì tặng. Lỗi mốt (mode) với mình nhưng lại còn mốt với người. Thế là, trong một cộng đồng bạn bè, thỉnh thoảng mọi người hay được chưng áo mới. Kể cũng vui.

Tôi nói với sinh viên rằng làm báo chí không chỉ cần giỏi nghiệp vụ, mà rất cần hiểu biết về văn hóa; nhờ các tri thức văn hóa mà tác phẩm báo chí sẽ có chiều sâu, và thêm thú vị, thêm hấp dẫn hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top