Aa

Hồ Hà Nội trước “cơn lốc” bê tông hóa

Thứ Hai, 16/12/2019 - 06:15

Vấn đề “bê tông hóa” hồ nước đã từng được đặt ra cách đây cả chục năm. Không ít lo ngại cho rằng, cuộc đổ bộ của bê tông đã khiến những “lá phổi xanh” dần bị biến dạng.

“Hồ nước là những “điểm nhấn” làm dịu đi tốc độ bê tông hoá đến chóng mặt của Hà Nội. Nhưng sự mềm mại không gì sánh nổi của chúng đã và đang bị “nhốt” trong những hình thù tuỳ tiện làm mất đi vẻ tự nhiên thoáng đãng của không gian mở. Khó ai có thể gọi tên hình dáng của một số hồ Hà Nội sau khi tu sửa. Có cái gần như hình quả bí, cái thì hao hao cái chày, cái lại giống cái đĩa”- nhìn nhận của một chuyên gia trong một bài báo được viết cách đây khoảng chục năm.

Nhìn vào thực tế các hồ Hà Nội ở thời điểm hiện tại mới thấy nhìn nhận trên quả thực không sai. Những nghệ thuật, tâm tình của những lá phổi xanh giữa lòng Thủ đô dường như đã bị bào mòn bởi sự xâm lấn của bê tông. Đó là lý do, Hà Nội cứ mưa là ngập, ngày nắng thì ngột ngạt đến khó thở và những nét nên thơ của mặt hồ cũng đã gần như chìm vào dĩ vãng.

Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất, chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội, từ năm 2010 đến nay đã giảm hơn 28.000m2. Và Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ vào năm 2010, chỉ còn lại 460ha.

Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp, bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến tình trạng lấn hồ làm nhà ở, hàng quán, lối đi…

Lấp hồ thì nhanh, đào hồ thì chậm, đó là lý do vì sao từ nhiều năm trước Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng 25 hồ điều hòa giai đoạn từ 2016 - 2020 nhưng đến nay mới có 2 hồ được hoàn thành.

Số hồ còn lại bị kè chặt, bề mặt đất Hà Nội cũng bị bê tông hóa gần hết, diện tích thảm thực vật có khả năng thấm nước, chứa nước của các quận nội thành đã giảm đi rất nhiều lần.

Xâm lấn bê tông sẽ kéo theo sự vô tình về văn hóa. Những lo ngại tiếp tục được đặt ra khi Hà Nội lấy ý kiến kè toàn bộ Hồ Gươm bằng bê tông khối cỡ lớn, nặng chừng 2,5 tấn.

Ai sẽ lắng nghe tiếng "kêu cứu" của hồ Hà Nội trước cuộc đổ bộ của bê tông, bóp nghẹt khoảng thở?

Giữ được những hồ còn “sống”- Bài toán khó

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều tuần này của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội nhận định, hồ ao, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố, nhưng với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là "lá phổi xanh" như chúng ta mong muốn. Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ.

Theo ông Tiến, đô thị hóa cũng như sự đổ bộ của bê tông đã lấy đi rất nhiều thứ của hồ nước, ở cả khía cạnh tự nhiên lẫn cảm xúc, văn hóa.

“Mỗi hồ nước ở Hà Nội còn có những giá trị lịch sử, văn hóa riêng gắn bó với cuộc sống của người dân. Hồ Tây giống như một chiến tích lịch sử, một di sản của thiên nhiên để lại. Rất nhiều triều đại đi qua đã coi hồ Tây như một không gian linh thiêng, nên xung quanh có rất nhiều đền chùa… đến bây giờ vẫn còn hiện hữu. Nhưng theo quá trình đô thị hóa, hồ Tây cũng đã bị tác động rất lớn. Đó là chưa kể đến sự xâm lấn của người dân trong quá trình từ làng lên phố. Những kiến trúc rất thiếu mỹ quan, đầy sự hỗn tạp dựng lên quanh hồ. Đó là những hộp bê tông có con người sống trong đó, chứ không có ý nghĩa về mặt kiến trúc, đặc biệt khi đặt vào không gian văn hóa hồ Tây thì lại càng lệch lạc. Cơn lốc đô thị hóa đã phá vỡ đi những nét đặc sắc trong không gian cảnh quan cũng như những giá trị bản sắc vốn có của hồ Tây. Đến Hà Nội mà không đến hồ Tây, hồ Gươm thì đâu còn là Hà Nội nữa”, vị chuyên gia phân tích.

Cũng theo PGS.TS Trương Ngọc Tiến, bên cạnh sự vô tình về văn hóa, hiện nay, kiến trúc cảnh quan hồ nước hầu như cũng đã bị phá vỡ.

“Việc kè bờ, quây kín hồ nước bằng bê tông hay đá trát xi măng, đã biến nhiều hồ nước không khác gì bể bê tông rất lớn, mất đi giá trị về mặt thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái tự nhiên cũng bị phá vỡ. Trước đây, khi bờ hồ, bờ ao còn là bờ đất, rất tự nhiên, nó còn khoảng thở, nhưng khi kè bằng vật liệu nặng, dường như đã bịt tất cả lại, kể cả vai trò lưu thông nước của hồ cũng bị mất đi.

Đối với các hồ nước, nếu hệ sinh thái tự nhiên đó bị phá vỡ, đồng nghĩa với việc, những đặc trưng của mỗi hồ cũng sẽ bị mất đi. Ví dụ như hồ Gươm, vốn có màu xanh lục thủy rất đặc biệt, vì có loại tảo đặc trưng chỉ có ở hồ này. Nếu như phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên thì tất cả sẽ mất đi”, ông Tiến nhận định.

Liên quan đến đề xuất kè toàn bộ hồ Gươm bằng bê tông khối cỡ lớn, vị chuyên gia này cho hay, hồ Gươm là không gian linh thiêng, là di sản gắn với những giá trị lịch sử của dân tộc đã trở thành biểu tượng. Nếu kè toàn bộ hồ bằng bê tông như vậy sẽ rất xấu, rất cứng nhắc, cảnh quan có thể bị phá vỡ hoàn toàn.

“Việc hồ Gươm bị sạt lở khá nghiêm trọng đã đặt ra vấn đề là phải kè bờ làm sao để có thể bền vững nhất để không phải sửa chữa, thay thế nhiều lần. Một ý tưởng được đưa ra là sử dụng các khối bê tông rất lớn để kè bờ. Nhưng vấn đề đặt ra là đối với bờ hồ vốn có tính chất “mềm mại”, thơ mộng thì sử dụng những khối bê tông cỡ lớn như vậy liệu có kiên cố quá không?

Và như tôi đã nói, việc bịt kín bờ hồ bằng bê tông chắc chắn sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên vốn có. Những khối bê tông đè nặng xuống vô hình chung sẽ bịt tất cả sự lưu thông, lưu thủy của hồ với mạch nước ngầm. Đặc biệt nữa, khi mưa xuống, trước kia hồ thoát nước rất nhanh, nhưng nếu làm như vậy thì coi như bịt hết đường thoát nước tự nhiên của hồ.

Đó là chưa kể việc kè bằng bê tông sẽ rất tốn kém, đồng thời có thể ảnh hưởng đến khách tham quan trong quá trình đặt những khối bê tông nặng như thế xuống lòng hồ. Trong khi, với du khách, hồ Gươm trong ấn tượng vẫn là những nét đẹp nguyên thủy, tĩnh lặng, thuộc về tự nhiên. Sẽ ra sao khi hồ Gươm trở thành một chậu bê tông chỉ có chức năng chứa nước?”, ông Tiến đặt vấn đề.

Theo ông Tiến, Hà Nội lấy lý do là đã thử nghiệm ở hồ Trúc Bạch mà đưa ra phương án áp dụng vào hồ Gươm là không thuyết phục. “Hồ Trúc Bạch mới chỉ làm có 5m, chưa thể đưa ra cái nhìn tổng thể khi phủ bê tông cả toàn bộ bờ hồ sẽ như thế nào. Đó là chưa kể, bản chất hồ Trúc Bạch đâu có giống hồ Gươm ở cả mặt tự nhiên lẫn giá trị lịch sử, văn hóa”.

Bên cạnh đó, hồ Gươm chỉ mới sạt lở khoảng 600m, chứ không phải cả 1.600m ven hồ đều bị sạt. Do vậy, vị chuyên gia này đề xuất, không nhất thiết phải kè lại tất cả mà chỉ nên sửa chữa lại những chỗ bị sạt, hoặc nếu có kè lại thì nên nghiên cứu sử dụng vật liệu nhẹ, có những lỗ hổng cho thảm thực vật tự nhiên có thể phát triển. “Với các hồ, đặc biệt như hồ Gươm, càng ít động chạm càng tốt. Hồ Gươm hay hồ Tây đều có sự liên thông, là nhánh liên kết với sông, vì thế mà Hà Nội còn được gọi là Thành phố trong lòng sông, chứ không phải là vũng nước, muốn làm gì thì làm”, ông Tiến khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đô thị hóa là tất yếu, nhưng nó không đồng nghĩa với việc sẽ phải phá đi những cảnh quan tự nhiên để thay thế vào đó những rừng bê tông, chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt. Vấn đề cần phải quan tâm là kiến trúc cảnh quan đô thị, diện tích dành cho cây xanh, hồ nước phải đủ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ không khí trong lành, tạo ra những cảnh quan thiên nhiên để người dân có được chất lượng sống tốt nhất.

Để chống sạt lở, có thể trồng cỏ, hoặc sử dụng các vật liệu nhẹ mà vẫn tạo ra khoảng thở cho hồ, đảm bảo độ xốp của đất chứ không nhất thiết phải bê tông hóa, để hệ sinh thái quanh hồ nước có thể tiếp tục được phát triển hài hòa, kết nối giữa các thủy sinh với các mao mạch dẫn nước, tạo sự lưu thông tự nhiên. Đó là giải pháp tốt nhất.

Cứu những hồ “chết”- không đơn giản

Trước nhu cầu bức thiết về không gian mặt nước, tại Hà Nội vẫn còn có những hồ nước nằm "chết" nhiều năm nay, bức tử cuộc sống của người dân xung quanh. Việc giữ gìn mặt nước, còn được mệnh danh là lá phổi xanh thứ hai, có lẽ đang rất chật vật ở Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung.

“Việc đào hồ mới trong bối cảnh hiện tại đã khó, nhưng việc giữ được các hồ còn lại tôi cho là còn khó hơn. Hà Nội đã có những hồ "chết". Nếu ai đã đến hồ Linh Quang thì có thể nói là không thể tin vào mắt mình. Nó không khác gì một sình lầy, đầy bèo, cỏ dại và rác. Từ lâu đã không còn là hồ”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhận định.

Theo ông Tiến, Hà Nội là bài học để nhiều thành phố khác nên rút ra được. Phải duy trì những hồ ao làm sao để đảm bảo chức năng là điều tiết vi khí hậu. Cùng với cây xanh, tạo thành lá phổi xanh của thành phố, gắn liền với cuộc sống của người dân.

Do vậy, chính quyền Thành phố cần phải ưu tiên cho vấn đề gìn giữ và phát triển không gian hồ nước, đặc biệt là ở khâu quản lý. Hiện nay, chỉ có Hồ Tây là có ban quản lý nhưng cũng chưa thực hiện đúng chức năng.

“Mỗi hồ đều cần phải có chủ. Khi có chủ rồi, thì sẽ có trách nhiệm bảo vệ hồ”, ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, ông Tiến cho rằng, phải dành kinh phí cho việc phát triển hồ nước. Việc duy trì, nạo vét trầm tích hồ cũng rất tốn kém, làm sao để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Do vậy, việc phát triển hồ nước nên được xã hội hóa.

“Cộng đồng, doanh nghiệp chung tay với Nhà nước. Các doanh nghiệp nếu nhận làm sạch trở lại một hồ nào đó đang ô nhiễm hoặc đào thêm hồ cho người dân thì vô hình chung, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cũng được nâng lên”, ông Tiến đề xuất.

Dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ lâu, một số đoạn đã có cắm cọc, thực hiện cải tạo nhưng nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ. Tình trạng xâm lấn hồ vẫn diễn ra. “Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm nhưng đừng để lãng phí, dự án đã được đặt ra thì cần triển khai đúng tiến độ, tránh kéo dài càng khó triển khai và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Hồ nước được ví như trái tim của Hà Nội vậy nên phải cố gắng làm sao để gìn giữ được những vẻ đẹp, giá trị di sản còn lại, để nó không bị mất đi, là điều rất quan trọng”, vị chuyên gia nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top