Aa

Học ăn học nói

Thứ Tư, 02/05/2018 - 06:00

Nhưng hóa ra ăn là một chuyện, hành động ăn, cách ăn, cách ứng xử với miếng ăn lại là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì ăn thế nào, ứng xử với miếng ăn ra sao, phản ánh không chỉ trí tuệ, cấp độ văn hóa mà cả phẩm giá của con người.

Từ thủa còn bé tí, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều thuộc câu mà tôi ghi làm đầu đề của bài viết này từ ông bà, cha mẹ, thầy cô. Thứ tự của nó rất rõ ràng: Học ăn, rồi mới đến học nói. Về mặt sinh học, điều này cũng hoàn toàn logic: Con người biết ăn rất lâu trước khi biết nói.

Nhưng thử hỏi trong mỗi chúng ta - tôi đang nói tới những người trưởng thành hôm nay - liệu có ai, có lúc nào đó suy ngẫm sâu xa về lời truyền dạy đó. Các bậc cha mẹ trẻ thường chỉ chăm chú đến chuyện dạy con học nói, còn chuyện ăn là bản năng sinh tồn, chẳng cần dạy chúng cũng biết. Khi con nói năng trôi chảy thì lo dạy con học kiến thức, để thành tài, để khoe với hàng xóm con mình giỏi giang, để nó không còn dễ bị người đời bắt nạt. Trong hàng ngàn thứ kiến thức cao siêu bố mẹ muốn truyền dậy hoặc muốn con học được thời bây giờ, hầu như vắng bóng tuyệt đối kiến thức về chuyện ăn. Bởi vì như đã nói, ai chả biết ăn, dù không cần phải có người chỉ bảo.

Nếu chỉ cầm thức ăn đưa vào miệng, thì chả có gì phải bàn.

Nhưng hóa ra ăn là một chuyện, hành động ăn, cách ăn, cách ứng xử với miếng ăn lại là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì ăn thế nào, ứng xử với miếng ăn ra sao, phản ánh không chỉ trí tuệ, cấp độ văn hóa mà cả phẩm giá của con người.

Nào, chúng ta cùng ăn ngoan!

Nào, chúng ta cùng ăn ngoan!

Tôi nảy ra suy nghĩ này trong một lần vào nhà hàng buffet thuộc loại sang trọng của Hà Nội. Thiết tưởng chẳng cần phải giải thích về hình thức ăn buffet, bởi giờ đây nó đã phổ biến đến mức thông thường. Thứ hấp dẫn nhất của hình thức ăn buffet là người ăn hoàn toàn được tự do lựa chọn thực đơn (tất nhiên là trong giới hạn) mà không ảnh hưởng đến người ăn cùng, không nệ thuộc và khẩu vị người khác, sau khi đã bỏ ra một số tiền cố định. Nhưng vấn đề chính nằm ở cái mức tiền cố định ấy. Ăn ít, ăn nhiều, ăn vài miếng hay ăn cả chục đĩa, số tiền phải trả vẫn như nhau.

Vì thế, có nhiều người, chẳng hạn như đám thực khách bàn bên cạnh tôi phần lớn là những người bằng cấp đầy mình, thi nhau khuân về đầy ắp cả một mâm, đĩa nào cũng tú hụ, toàn loại thức ăn mà không phải ai cũng có đủ tiền để được nếm thử một lần. Họ hỉ hả như là đang phá kho thóc của nhà hàng xóm! Sau đó mỗi đĩa họ ăn vài miếng cho biết, chọc nát vài thứ, rồi lắc đầu bỏ lại gần nguyên xi, thản nhiên đi lấy đĩa khác? Không ở đâu thấy hiển hiện tư tưởng “mất tiền mua mâm thì (cứ thoải mái) đâm cho thủng” như ở nhà hàng ăn buffet mà tôi đang chứng kiến.

Khi những thực khách đứng dậy, mặc dù nhân viên nhà hàng đã liên tục tranh thủ dọn giữa chừng, vẫn còn cả một “bãi chiến trường” thức ăn dở đủ cho vài người to khỏe ăn no nê. Phần lớn số thức ăn đắt đỏ đó, về nguyên tắc sẽ phải vào thùng rác.

Trên thế giới, vẫn còn nhiều nơi, trẻ con thiếu đò ăn.

Trên thế giới, vẫn còn nhiều nơi, trẻ con thiếu đò ăn.

Hóa ra học bạc cả tóc đủ thứ kiến thức cao siêu, vẫn chưa chắc đã “thoát lưu ban” bài học vỡ lòng!

Ở đây chưa bàn tới tội phí phạm, khinh rẻ thức ăn, những thứ tội không bao giờ được cha ông cần cù của đất nước này tha thứ, mà chỉ riêng với hành vi đó, liệu những thực khách kia có đang xúc phạm cộng đồng, xúc phạm văn hóa, xúc phạm thiên nhiên?

Tôi bỗng chạnh lòng nghĩ: Ăn còn chưa ra hồn, thì nói làm sao, sống làm sao, dạy người khác làm sao, để - nếu không có ích - thì cũng không gây họa?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top