Aa

Hội nghị WEF ASEAN 2018: Hạ tầng và đô thị thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Tư, 12/09/2018 - 16:32

Việt Nam đã lồng ghép nhiều vấn đề thời sự thiết thực về hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm, khởi nghiệp sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chính thức khai mạc phiên toàn thể với chủ đề "Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0" có sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN, quốc tế và WEF.

Với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực, có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, đây sẽ là nơi hội tụ của 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN, trong đó, phần lớn là các start-up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông.

Bao gồm khoảng gần 60 phiên thảo luận, Hội nghị WEF ASEAN là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực chia sẻ ý tưởng, chính sách, biện pháp về phát triển khởi nghiệp, tranh thủ cơ hội cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab đón Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi đưa vấn đề Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của Hội nghị như khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao…

Đây là các chủ đề thời sự rất thiết thực đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN, với nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là với Việt Nam, đồng thời cũng gắn kết chặt chẽ với chủ đề của ASEAN năm nay là Xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường sáng tạo. Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ là cơ hội rất tốt để các bên có thể gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuẩn bị tốt nhất để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả.

Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn toàn cầu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn toàn cầu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 là cơ hội để thúc đẩy các đối tác tăng cường hợp tác với Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn có chất lượng, công nghệ hiện đại phục vụ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn toàn cầu

Sáng 12/9, trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu.

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tập đoàn toàn cầu như: Standard Chatered, Google, Facebook, Apple, Bloomberg, GE, Hitachi, Temasek, ThaiBev… và một số tập đoàn lớn trong nước.

Thủ tướng đặt vấn đề: Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Các nhà đầu tư sẵn lòng mở rộng đầu tư hay không? Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?

"Ngoài vốn, các bạn có ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam trước mắt và lâu dài không?,...". “Hãy chia sẻ ngắn gọn kỳ vọng của các bạn về nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới để hai bên cùng thắng. Tôi đề nghị chúng ta không phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, hãy nói chuyện cởi mở, thẳng thắn như những thành viên trong đại gia đình ở Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top