Aa

Hơn 300 triệu cổ phiếu Viet Capital Bank “lên sàn”

Thứ Hai, 16/09/2019 - 16:30

317,1 triệu cổ phiếu của Viet Capital Bank đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với mã BVB.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) thông báo bắt đầu nhận lưu ký cho 317,1 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) theo hình thức ghi sổ từ 16/9.

Viet Capital Bank đăng ký giao dịch cổ phiếu BVB trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thực hiện giao dịch chứng khoán theo quyết định của Sở.

Hồi đầu năm, Bản Việt đã được cổ đông thông qua phương án đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM. Ngân hàng cũng được cổ đông thông qua kế hoạch lãi trước thuế 205 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước. Tín dụng mục tiêu tăng 15% và huy động tăng 24%.

Tính đến hết quý II/2019, ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế gần 48 tỷ đồng, tương đương 23% kế hoạch năm. Cho vay khách hàng chỉ tăng 6%,tiền gửi khách hàng tăng 2%.

Trên website của ngân hàng này cho biết, theo thông tư 41/2016/TT-NHNN và 13/2018/TT-2018 của NHNN về việc áp dụng chuẩn mực Basel II, từ đầu 2018, Bản Việt đã rà soát và triển khai xây dựng mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn mực này và tự hoàn thành một số hạng mục của lộ trình.

Đến tháng 7/2019, cùng với đối tác KPMG (Việt Nam), hai bên đã đưa vào đánh giá nghiệm thu theo quy trình kiểm định quốc tế và quyết định đưa mô hình vận hành chính thức từ 8/2019.

Bản Việt cũng đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin chấp thuận về việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn sớm hơn dự kiến.

Kế hoạch là khi hoàn tất triển khai Dự án “Tính toán mức độ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II”, Bản Việt tiếp tục triển khai các mô hình “mô hình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP (Internal Capital Adequacy Assessment Process)” theo yêu cầu của Thông tư 13 có hiệu lực từ đầu 2021. Dự kiến Ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét hợp tác với đối tác KPMG trên cơ sở các kết quả đã đạt được.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung vào việc hoàn thiện các chính sách rủi ro và cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, cân bằng giữa hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro để đảm bảo ba yếu tố: an toàn, hiệu quả và bền vững trong hoạt động của mình.

Cùng với việc xin chấp thuận áp dụng tỷ lệ an toàn vốn sớm hơn dự kiến, Bản Việt cũng có chương trình huy động vốn. Mới đây, Ngân hàng Bản Việt công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Đây là loại hình chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mệnh giá tối thiểu cá nhân là 10 triệu đồng và tổ chức là 100 triệu đồng. Kỳ hạn từ mức 24, 36, 48, 60 tháng. Hình thức lĩnh lãi 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Duy trì đến hết kỳ hạn.

Cổ phiếu BVB lên sàn giữa thời điểm thị trương chứng khoán đang có nhiều rung lắc khó đoán

Tuy nhiên, loại hình chứng chỉ tiền gửi này đang được các chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo về độ rủi ro cho người mua. Chứng chỉ tiền gửi được ví là một loại hình tương đương trái phiếu, thậm chí lãi suất còn hấp dẫn hơn cùng sinh ra song hành với trái phiếu. Trong lúc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi, không chỉ Bản Việt mà nhiều ngân hàng khác tranh thủ đưa ra chứng chỉ tiền gửi với độ hấp dẫn hơn cả trái phiếu.

Chẳng hạn như, LienVietPostBank cũng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng, lãi suất lên đến 8,8%/năm dành cho số tiền gửi 5 tỷ đồng trở lên. Chứng chỉ tiền gửi của VIB cũng có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 6,68%/năm; 24 tháng là 6,88%/năm, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng.

Hay như VietABank, người mua chứng chỉ tiền gửi mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được hưởng lãi suất 6,9%/năm. Còn chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá trên 2 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,1%/năm; 9 tháng là 7,2%/năm; 13 tháng 7,9%/năm; 15 tháng 8,1%/năm; 18 tháng 8,2%/năm.

Ngày 26/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.

“Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”, công văn cảnh báo.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vỹ mô, Thống đốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 với các nội dung chính. Cụ thể, duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top