Aa

Hồn đêm Hà Nội

Chủ Nhật, 24/02/2019 - 06:00

Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh. Không hiểu sao khi đó tôi cứ muốn được thấy tận mặt từng người bán bánh mỳ đêm. Tôi muốn chiêm ngưỡng họ như chiêm ngưỡng những biểu tượng của sự can trường.

Thời còn là sinh viên của trường viết văn tôi hay thức đêm. Ban ngày học trên lớp, tối quây quần bù khú, tán gẫu những chuyện trên trời dưới biển, học cách nói xấu hạ bệ đồng nghiệp như căn bệnh cố hữu của giới cầm bút nước nhà và hôm nào cũng đến tận khuya mới ai về phòng người ấy. Bấy giờ chinh là lúc giở đồ nghề ra nghí ngoáy. Có hôm viết được một lèo. Có hôm ngồi cắn bút đến gần sáng, đầu óc tắc tị. Trong màn đêm tịch mịch thể nào cũng vang lên tiếng rao của những người bán bánh mỳ.

Không hiểu sao tôi cứ muốn tin rằng những người bán hàng rong với đám viết lách vốn là cùng một hạng. Mà này, chưa biết ai sang trọng hơn ai đâu nhé nếu như bạn cũng từng như tôi ngồi trong đêm nghe tiếng họ rao. Khi đó bạn không nghĩ họ là những người bán hàng kiếm tiền lẻ mà là những nghệ nhân thực sự.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Hồi đó và cả bây giờ tôi vẫn cứ dỏng tai đêm đêm. Hầu như phải vào đúng một giờ nhất định những tiếng rao mới đồng loạt cất lên. Sớm hơn giờ ấy tiếng rao nhạt hoét, rời rạc, chả tạo ra một ấn tượng gì khiến phải chú ý. Nó khiến tôi liên tưởng đến bản hoà tấu sau mỗi trận mưa rào. Thôi thì đủ kiểu trầm bổng, dài ngắn, âm cổ, âm mũi, giọng trong, giọng đục của nhiều vùng miền...Thế là có đêm tôi chẳng làm gì ngoài việc ngồi nghe tiếng rao bán hàng.

Có tiếng rao đúng nghĩa như một lời thông báo, mời chào, lời rao vang xa vào đêm. Có tiếng rao như bị nhúng nước trước khi bật qua môi. Có tiếng rao chất chứa hy vọng, lời rao như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang vây bọc. Có tiếng rao bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng. Có tiếng rao nở hậu. Có tiếng rao thắt lại, lời rao bị kéo dài mãi ra ở đoạn cuối.

Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh. Không hiểu sao khi đó tôi cứ muốn được thấy tận mặt từng người bán bánh mỳ đêm. Tôi muốn chiêm ngưỡng họ như chiêm ngưỡng những biểu tượng của sự can trường. Bạn tin hay không thì tuỳ nhưng tôi không thể nói khác rằng đêm nào ước muốn đó cũng cồn cào trong tôi.

Nhưng từng đêm cứ lần lượt trôi qua và cái ước muốn ấy mỗi ngày một bị đẩy ra xa tít tắp.

Đêm nào ghé cửa phòng tôi cũng vẫn chỉ là cậu bé 12, 13 tuổi từ quê bỏ học ra Hà Nội bán bánh mỳ. Cậu ủ bánh mỳ dưới những chiếc bao tải, nhét gọn trong chiếc thúng rồi đội trên đầu. Tiếng rao của cậu thuộc loại lanh lảnh. Cậu đi theo một hành trình rất có trật tự, của riêng cậu và đương nhiên là tuân thủ quy định phân chia khu vực bán hàng, rất nghiêm ngặt. Miếng ăn kiếm được chẳng dễ dàng gì nên không thể chấp nhận sự tranh cướp, dù vô tình hay cố ý. Làm trái điều đó lập tức cậu phải bán xới đi nơi khác và ở đấy cuộc tranh giành luôn luôn khốc liệt hơn.

Lần theo tiếng rao của cậu bé tôi có thể đoán được cậu là người biết giữ kỷ luật. Nếu phùng thời được làm quan chắc chắn cậu không hứa hão huyền như đa số những ông quan hiện thời. Chắc chắn nhân cách cậu cao hơn ối kẻ ăn trên ngồi trốc. Cậu biết giữ chữ tín với đồng nghiệp và với khách hàng. Chẳng hạn không phải đêm nào tôi cũng mua bánh mỳ ăn đêm nhưng chưa bao giờ cậu bé không ghé qua, đôi khi chỉ cần biết tôi đang làm gì. Cậu biết tôi thích loại bánh mềm trong, giòn ngoài nên luôn luôn để dành.

Những đêm đông rét thấu xương, cậu tùm hụp trong chiếc áo bông to quá khổ chỉ hở ra độc đôi mắt. Cậu chờ tôi ngẩng lên để tin chắc tôi đã nhìn thấy cậu. Chỉ khi tôi mỉm cười lắc đầu cậu mới bỏ đi để rồi đêm sau lại hy vọng với cái nháy mắt tinh nghịch thay cho lời mời. Cũng có hôm cậu nán lại, tò mò hay có thể là thèm thuồng nhìn những cuốn sách bày trên mặt bàn. Giá mà tôi biết khi đó cậu bé bán bánh mỳ đêm nghĩ gì có thể tôi đã không tiếp tục nghề cầm bút tráo trở nữa cũng nên.

Tiếng rao bán hàng đêm đã trở thành một phần của những gì gắn tôi với Hà Nội. Rời Trường Viết văn, tôi mua một căn hộ dột nát ở tít vùng ven đô. Cách đó không xa là cánh đồng rau của những người lao động nghèo. Đêm đêm vẳng lên từ đó tiếng ếch nhái kêu đến sốt ruột. Những ngày đầu dọn về nhà mới, tôi không sao ngủ được. Có cái gì vừa lạnh lẽo, vừa bất an. Tiếng gió thổi lồng lộn ngoài cửa sổ càng khiến tôi như bị vây bọc bởi nỗi cô đơn.

Đúng 8 năm sau tôi lại gặp tâm trạng này trong một đêm thức trắng nhìn tuyết rơi ở cái thành phố miền trung nước Mỹ giầu có. Thành phố sáng rực các loại đèn mầu, yên lặng gần như tuyệt đối. Giống như 8 năm trước tôi bỗng thèm thắt ruột được nghe một tiếng rao của cô, cậu bé bán hàng đêm mặc dù hồi đó khi nó vang lên, lẫn vào tiếng ếch nhái, tôi đã ứa nước mắt. Kiếp người sao mà nhỏ nhoi, bất trắc, trôi dạt thật vô lường.

Nhờ ơn trời mà rồi tôi cũng chuyển được chỗ ở. Sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, tôi bắt đầu mắc bệnh nói dai như đỉa về thời nghèo khổ, như bất cứ gã công thần mạt hạng nào. Một đêm mưa rét sập sùi, nằm trong chăn nệm tôi không khỏi cảm thấy khoái trá một cách tầm thường vì biết chắc còn có bao kẻ ước được như mình. Nửa đêm tôi bỗng giật mình thức giấc. Tôi mong mình nghe nhầm. Lần đầu tiên tôi không chờ bất cứ một tiếng rao đêm nào. Hình như lời cầu mong của tôi đã được nghe thấy. Nhưng khi tôi vừa ngả mình xuống định ngủ tiếp thì cái giai điệu ấy vang lên, có cảm giác xa xôi như từ một thế giới khác vọng về. Cái giai điệu đích thực của bần hàn ấy, từng gắn với chốn đô thành nghìn tuổi như một phần của đời sống văn hoá cổ kính, giờ đây giống như một lời tố cáo về sự lạnh lẽo của lòng người.

Tôi hướng tất cả các giác quan ra phía cửa mặc dù biết chắc chẳng có cậu bé nào chờ ở phía bên ngoài. Thấy chạnh lòng nhớ tới hai câu thơ của cụ Vũ Đình Liên:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ…?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top