Aa

Hương quê

Thứ Bảy, 20/10/2018 - 06:03

Hương quê, thứ hương đọng trong tâm thức từ thủa lọt lòng giữa đôi bàn tay mẹ cha ướp vào tôi từng ngày lớn khôn.

Nồi canh me đất vị năm nao

Thấm đẫm tình thương mẹ lẫn vào

Mai mốt dù xa con vẫn nhớ

Quê nhà, hai tiếng dạ xôn xao.

Cơm chay được chế biến từ rau lá trong vườn. Rau ở vườn Thụy Ứng trồng là rau không phun thuốc. Canh rau có khi là nồi canh chua lá me đất, có khi là loại lá chuổng chuổng được hái ở ngoài hàng rào. Canh có vị chua, thanh, rất đặc trưng. Người từ Hà Nội và các nơi về Am khi ăn ai cũng thấy ngon và thích nhưng không tài nào biết canh được nấu từ loại lá gì. 

Thụy Ứng có bánh ướt. Một loại bánh đặc trưng của người dân nơi đây. Nói là bánh ướt, nhưng lại ăn bằng tay mà không dính tay. Bánh được làm bằng gạo, tráng rất mỏng, không dầu nhưng bánh không dính vào nhau. Tôi mỗi lần về Thụy Ứng, sáng nào cũng ăn loại bánh này nhưng không thấy ngấy. Bánh được cuốn tròn, khi ăn cầm bằng tay chấm với nước chấm. Nước chấm phải thật cay mới ngon.

Bữa cơm hôm nay còn có bánh ít gai. Tôi đi nhiều nơi mà chưa thấy được bánh gai ở đâu ngon như ở quê mình. Lá gai được giã bằng tay theo phương pháp thủ công nên chất bánh thật ngon. Nhân bánh là vừng, hơi ngọt, pha tí vị gừng nên mang theo hương quê thật đậm đà. Nhiều món quê mẹ tôi làm mà tôi không tìm thấy nơi đâu khác. Chất quê, vị quê mang theo nó thời gian và không gian của hương quê có cội nguồn.

Hương quê, thứ hương đọng trong tâm thức từ thủa lọt lòng giữa đôi bàn tay mẹ cha ướp vào tôi từng ngày lớn khôn. Tôi muốn chia sẻ đến bạn thứ hương này.

Đó là những buổi tối ngồi ăn dưới trăng. Mâm cơm được dọn ra trên chiếc chiếu giữa đất ở giữa sân. Ăn xong là ngồi quây quần nghe bố kể chuyện. Mẹ tôi thì dọn dẹp rửa bát cùng chị tôi khi chị đã lớn. Thường bố tôi kể xong một câu chuyện thì đi thắp hương. Một ngày bố tôi thắp hương hai lần. Sáng 4h là bố tôi dậy thắp hương và tụng kinh. Trước mỗi buổi tụng kinh bố tôi thỉnh 3 hồi chuông gia trì. Ông đi thắp hương một vòng từ ban Phật ở Am, đến ban thờ tổ tiên, ra ngoài trời rồi mới vào ngồi tụng kinh. Tôi thì thường ăn xong, thắp hương cẩn thận từng ban xong ông mới tụng kinh. Một ngày hai buổi được nghe chuông và nhìn cảnh bố thắp hương quanh năm suốt tháng. Tụng kinh ra thì bố gọi anh em chúng tôi dậy học bài. Khi bố dậy đi tụng kinh và thắp hương cũng là lúc mẹ tôi dậy đi nấu ăn. Nghe hoài thành ra tiếng chuông đối với chúng tôi rất gần gũi và cũng lạ lung huyền ảo…

Tôi chẳng nhớ nhiều về tuổi thơ. Tôi chỉ cảm thấy mỗi lần về am là cảnh tượng như vừa hôm qua. Cứ mỗi ngày bắt đầu, khoảng gần sáng, trong khi ngủ chúng tôi vẫn mơ màng nghe chuông và tiếng tụng kinh của bố, cộng với tiếng lách tách và tiếng động nhỏ bước chân của mẹ.

Anh em chúng tôi lớn lên, chưa hiểu gì chuyện bố làm khi tụng kinh và thắp hương, nhưng trong tâm trí trẻ thơ, chúng tôi cảm nhận rất rõ là trong nhà mình có cái gì rất thiêng liêng đang hiện hữu. Chúng tôi luôn được mẹ dặn khi đùa nhau nghịch chạy chơi trong nhà, là nhớ đừng trốn tìm dưới ban thờ, nhớ cúi đầu khi đi ngang trước ban thờ. Nhà trên là am thờ Bụt, nhà dưới là nhà bếp, và nhà giữa ba gian, gian giữa thờ tổ tiên, gian trên của nhà giữa là nơi ông nội nằm, gian dưới nhà giữa là cả nhà. Bưng cơm lên cho ông nội hay có việc gì đi ngang trước ban thờ chúng tôi cũng được mẹ dặn cẩn thận là nhớ cúi đầu khi đi ngang trước ban thờ tổ tiên.

Bữa cơm dưới trăng quây quần được nghe bố kể chuyện, cây hương và tiếng chuông, lời kinh với hình ảnh ban thờ Bụt và Tổ tiên trong nhà, đó là thứ hương ướp vào cuộc sống trẻ thơ chúng tôi lớn lên. Rồi những ngày giỗ, tụi trẻ được ăn ngon và thấy cảnh đông người cười nói vui đùa, trong nhà thờ các cụ lớn tuổi khăn đống áo dài nghiêm trang khấn vái trước khói hương chân thành. Rồi những buổi theo mẹ và các anh chị lớn ra đồng nhổ mạ đêm. Năm 10 tuổi tôi rời quê, lên Ái Tử ở với Thầy học đạo. Nhưng chất liệu quê hương không bao giờ mất trong tôi để lớn khôn, để quay về tạo dựng.

“Ly hương bất ly tổ” câu căn dặn ngàn năm của giống nòi Việt tộc vang vọng nhắc nhở cho người nào biết mình có quê hương để gìn giữ nguồn cội. Bạn đã được nuôi dưỡng như thế nào trong suối nguồn huyết thống Việt Tộc này? Không được nuôi dưỡng từ nguồn suối tâm linh quê hương đó, bạn 'không lớn" lên được, cho dù bạn có sống lâu chăng nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top