Aa

Huyện Tĩnh Gia bị truy vấn vì "nói suông" việc đền bù đất tại họp báo

Thứ Hai, 07/10/2019 - 15:01

Tại buổi họp báo, phóng viên đã "chất vấn" lãnh đạo huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) về vụ việc nêu trên, tuy nhiên, đại diện cơ quan có trách nhiệm không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào khẳng định bà Minh đã nhận đền bù.

Chiều 4/10, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý III, năm 2019 để thông tin về những kết quả nổi bật trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2019; thông tin về Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, năm 2019.

Tại buổi họp báo, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đã tiếp thu, trả lời các câu hỏi mà các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm, như: Vấn đề ô nhiễm môi trường; giải quyết tranh chấp đất đai tại huyện Tĩnh Gia; sai phạm tại trường THPT Chuyên Lam Sơn; vấn đề tuyển dụng giáo viên và những giải pháp khắc phục...

Đặc biệt, buổi họp báo trở nên khá “nóng” khi phóng viên Reatimes đặt vấn đề về trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia trong việc đền bù đất cho hộ gia đình bà Cao Thị Minh (thôn Hải Lâm, xã Mai Lâm) liên quan tới vụ việc lãnh đạo huyện này bị tố “ăn không nói có” gần 300m2 đất của dân.

Theo đó, năm 2018, UBND huyện Tĩnh Gia thu hồi 566m2 đất của gia đình bà Minh để thực hiện dự án “Đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn, thuộc tuyến đường Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn”.

Ngày 17/12/2018, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ra quyết định số 8328/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của gia đình bà Cao Thị Minh. Điều đáng nói là, tại văn bản này lãnh đạo huyện Tĩnh Gia lại quy kết rằng, gia đình bà Minh đã nhận tiền bồi thường 278,4m2 (trong tổng số 556m2 đất) từ dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1997, nay tiếp tục thu hồi và không được bồi thường.

Tuy nhiên, các căn cứ pháp lý và nhân chứng liên quan trực tiếp tới sự việc trên khẳng định, bà Minh chưa nhận được tiền đền bù cho 278,4m2. Việc này là cơ sở để khẳng định, thông tin Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia nói rằng, "đã đền bù" cho bà Minh khiến dư luận băn khoăn về tính pháp lý?”.

Tại buổi họp báo, phóng viên đề nghị lãnh đạo huyện Tĩnh Gia làm rõ các căn cứ (bằng văn bản) chứng minh việc UBND huyện đã bồi thường 278,4m2 đất cho hộ gia đình bà Cao Thị Minh để thực hiện dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1997.

"Đề nghị huyện Tĩnh Gia cung cấp thông tin (nếu có) về việc thực hiện quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn đối với hộ gia đình bà Cao Thị Minh.

Hiện nay, bà Minh đã có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Tĩnh Gia làm rõ sự việc trên. UBND huyện đã có động thái gì để giải quyết khiếu nại theo quy định. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tới vụ việc nói trên sẽ được xử lý như thế nào trong trường hợp xác định rõ vi phạm ở vụ việc nói trên?", phóng viên Reatimes đặt câu hỏi.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Có thể nói, đây là vụ việc khá nóng, được sự quan tâm của dư luận và phóng viên, nhà báo trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi lãnh đạo huyện Tĩnh Gia có văn bản gửi tỉnh Thanh Hóa đồng thời cho rằng, bà Minh đòi đền bù 278,4m2 là không có cơ sở (không có căn cứ).

Tiếp sau câu hỏi của phóng viên, nhà Báo Xuân Hùng, Phó Trưởng đại diện Báo Lao động (khu vực Bắc Trung Bộ) đề nghị tỉnh Thanh Hóa làm rõ căn cứ pháp lý vụ việc để xác định ai đúng, ai sai trọng vụ việc này.

“Đề nghị làm rõ vụ việc huyện Tĩnh Gia là như thế nào? Trả lời rõ để ổn định dư luận, tạo điều kiện cho sự phát triển của Thanh Hóa. Tôi hy vọng các cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa vào cuộc làm rõ theo đúng pháp luật và có sự giám sát. Nếu ông Dũng - Chủ tịch huyện Tĩnh Gia sai phải chịu trách nhiệm, nhà báo sai nhà báo phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải thẳng thắn vấn đề này, mọi việc phải minh bạch”, nhà báo Xuân Hùng lên tiếng.

Trước câu hỏi của phóng viên, đại diện huyện Tĩnh Gia đã đề nghị chủ tọa phiên họp được trình bày hệ thống vấn đề. Tuy nhiên, đề xuất này liền bị ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từ chối: “Nội dung này không phải trình bày chi tiết. Nếu vụ việc phức tạp thì xem hướng giải quyết ra sao? Vụ việc theo phản ánh của nhà báo (là) như thế nào? Xử lý ra sao? Nếu trả lời chi tiết thì 1 buổi không thể giải quyết được”.

Phóng viên Reatimes đặt câu hỏi tại buổi họp báo.

Mặc dù đã được chủ tọa “góp ý”, nhưng đại diện huyện Tĩnh Gia vẫn đọc nguyên văn phần trả lời được cho là được chuẩn bị từ trước: “Sau khi có khiếu nại của người dân chúng tôi đã thành lập đoàn xác minh, làm rõ vụ việc. Theo đó, UBND đã huyện ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của bà Minh đòi bồi thường 566,1m2 đất và việc áp giá bồi thường. Việc huyện và tỉnh đã giải quyết. Nếu bà Minh không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa...”.

Không đồng ý với cách vào đề dài dòng của đại diện huyện Tĩnh Gia, nhà báo Xuân Hùng xin phép cắt ngang phần trả lời của đại diện huyện Tĩnh Gia, đồng thời đề nghị vị này trả lời ngắn gọn đi vào trọng tâm vấn đề đề bù 278,4m2 đất mà bà Minh khiếu nại, tránh làm mất thời gian của các phóng viên khác.

“Vụ việc này anh em phóng viên đều rõ cả rồi, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cũng rõ cả rồi. Đề nghị lãnh đạo huyện Tĩnh Gia trả lời tóm tắt, ngắn ngọn, đỡ mất thời gian của anh em phóng viên khác. Đề nghị trả lời rõ, Chủ tịch huyện Tĩnh Gia có sai hay không sai trong vụ việc này để chúng tôi còn biết, chứ anh (lãnh đạo huyện Tĩnh Gia) không cần đọc cả văn bản dài như vậy”.

Trước đề nghị của phóng viên, vị lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cho rằng: “Ngày 22/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nội dung giải quyết việc bà Minh khiếu nại là không có cơ sở. Nếu bà Minh không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa.

Quan điểm của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia là cảm ơn sự đồng hành của báo chí trong thời gian qua để giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà báo đưa thông tin 1 chiều, khiến bà Minh nói riêng, nhân dân nói chung hết sức hoài nghi. Nếu bà Minh không đồng ý với cách giải quyết thì đề nghị khởi kiện ra tòa án để được xem xét, giải quyết theo trình tự. Nếu huyện Tĩnh Gia sai huyện sẽ khắc phục, nếu bà Minh sai thì phải bàn giao đất”.

Có vẻ hài lòng với câu trả lời của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia thiên về báo cáo quy trình giải quyết vụ việc: “Vấn đề nhà báo hỏi là việc giải quyết của huyện đúng hay sai? Việc kết luận huyện Tĩnh Gia đúng hay sai lại do một cơ quan có thẩm quyền khác. Nếu việc giải quyết khiếu nại lần 2 mà không nghe thì đưa ra tòa án và thực hiện theo phán quyết của tòa án”.

Cho rằng, câu trả lời của lãnh đạo huyện Tĩnh Gia “lạc đề”, phóng viên Reatimes tiếp tục “truy vấn” tới cùng vụ việc.

“Tôi không hỏi về quy trình đền bù giải phóng mặt bằng, mà tôi chỉ hỏi rằng, 278,4m2 đất mà huyện Tĩnh Gia nói là đền bù cho bà Minh năm 1996, 1997 thì quyết định thu hồi đất cho diện tích 278,4m2 đất ở đâu? Có phiếu chi, có chữ ký của bà Minh – người nhận tiền hay không?

Tóm lại, nếu huyện nói 278,4m2 đất đã bồi thường cho bà Minh thì phải chứng minh được bà Minh đã nhận tiền cho 278,4m2 đất? Việc huyện Tĩnh cho cho rằng, huyện và tỉnh đã giải quyết khiếu nại cho bà Minh không có liên quan tới vấn đề phóng viên đang hỏi. Tóm lại, xin hỏi diện tích 278,4m2 đất của bà Minh đã đền bù chưa?”.

Trước câu hỏi trên, ông Phạm Đăng Quyền một lần nữa đề nghị lãnh đạo huyện Tĩnh Gia trả lời nhà báo theo cách ngắn ngọn, "đã đền bù hay chưa?".

Về việc này, đại diện huyện Tĩnh Gia cho biết: “Nội dung này liên quan đến bồi thường đường ống nước năm 1996, 1997. Cơ quan chủ trì là UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính phối hợp với huyện Tĩnh Gia thực hiện. Tại thời điểm này, chưa có trích đo và mục kê đối với diện tích thu hồi. Phương pháp đền bù là kiểm kê trực tiếp thông qua phiếu chi và giấy nhận tiền đền bù. Diện tích bà Minh được thu hồi là căn cứ vào hồ sơ đường 4...”, đại diện huyện Tĩnh Gia lý giải.

Với cách giải thích không đi vào trọng tâm vấn đề, Phó Chủ tịch Phạm Đăng Quyền đã mời đại diện huyện Tĩnh Gia ngồi xuống, đồng thời đề nghị huyện Tĩnh Gia trả lời báo chí bằng văn bản: “Nếu cứ nói đi nói lại thì 1 vụ việc cũng không thể giải quyết xong trong 1 ngày. Những vấn đề nào các đồng chí chưa nắm rõ, thì về nắm lại bằng văn bản và trả lời các nhà báo bằng văn bản chính thống. Nếu báo cáo chi tiết 1 vụ như thế này thì hết thời gian họp báo”, ông Quyền nói.

“Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia?"

Liên quan tới vụ việc nêu trên, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi huyện Tĩnh Gia, đề nghị địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phản ánh theo quy định; có văn bản trả lời Tạp chí và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

UBND huyện Tĩnh Gia.

Cần phải nói thêm rằng, trong buổi họp báo này, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia không hề cung cấp được bất cứ một văn bản nào để chứng minh rằng, bà Cao Thị Minh đã nhận tiền đền bù cho diện tích 278,4m2 đất, nhưng vẫn khăng khăng khẳng khẳng định là nội dung khiếu nại của bà Minh không có cơ sở xem xét.

Thay vào đó, trong văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền huyện này lý giải rằng: "Theo biên bản bàn giao mốc tim đường cấp nước xi măng Nghi Sơn năm 1996 và hồ sơ quản lý đất đai thì phần diện tích 278,4m2 nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng được bồi thường khi thực hiện dự án năm 1996,1997.

Theo hồ sơ kiểm kê, giải phóng mặt bằng năm 1996, 1997 thực hiện dự án mở rộng đường 4, thì hộ bà Cao Thị Minh đã được bồi thường 229m2 đất vườn với tổng số tiền hơn 450 nghìn đồng...".

Hồ sơ tại Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng huyện Tĩnh Gia cho thấy, trong hồ sơ đền bù chỉ chỉ ghi đền bù diện tích 229m2 và cây cối hoa màu để phục vụ dự án mở rộng đường 4, năm 1996, số tiền gần 500.000 nghìn đồng (năm trăm nghìn đồng) cho hộ bà Cao Thị Minh. Còn với diện tích đất 278,4m2 đất của bà Minh mà huyện Tĩnh Gia nói rằng đã thu hồi trước đó, hoàn toàn không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện việc đền bù đối với diện tích đất nói trên.

Lý giải của UBND huyện Tĩnh Gia được cho là hết sức phi lý, bởi việc bồi thường 229m2 đất cho bà Minh từ dự án mở rộng đường 4 hoàn toàn không có liên quan gì tới phần diện tích 278,4m2 đất mà bà Minh đang khiếu nại để được bồi thường. Hay nói cách khác, việc UBND huyện Tĩnh Gia lấy hồ sơ đền bù cho 229m2 trước đó để quy kết rằng đã đền bù 278,4m2 đất (từ dự án đường ống nước) cho bà Minh là sai bản chất sự việc.

Trước đó, các nhân chứng và người trong cuộc hầu hết đều khẳng định, đối với diện tích đất 278,4m2 đất của bà Minh (mà huyện Tĩnh Gia nói rằng đã thu hồi trước đó để thực hiện dự án đường ống nước), hoàn toàn không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện việc đền bù. Bà Minh cũng không nhận được bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì về việc kiểm kê, đền bù đối với diện tích đất 278,4m2. Trên thực tế, diện tích đất 278,4m2 mà huyện Tĩnh Gia nói rằng “đã đền bù” cho dân vẫn được mà Minh sử dụng liên tục, ổn định từ trước đến nay.

Trong một diễn biến có liên quan tới vụ việc nói trên, bà Minh cho biết, sẽ khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia để đòi quyền lợi cho gia đình.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top