Trong vài tháng gần đây, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng bất chấp thế giới xảy ra nhiều sự kiện bất lợi, như đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Covid-19 đã khiến gần 500.000 người tử vong và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy. Bên cạnh đó, các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình đòi bình đẳng xã hội, một yếu tố có thể khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút.
Số liệu gần đây cho thấy thế giới có thể suy thoái sâu hơn dự đoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thị trường dường như đã bỏ qua tín hiệu này, với chỉ số S&P 500 từng ghi nhận đợt tăng 50 ngày mạnh nhất lịch sử vào đầu tháng 6.
“Việc các thị trường và nền kinh tế thực mất đi mối tương quan đang làm tăng nguy cơ về một đợt điều chỉnh đối với giá các loại tài sản rủi ro nếu hứng thú đầu tư vào các tài sản này giảm bớt. Đây sẽ là rủi ro cho đà phục hồi của nền kinh tế”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật trong báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu. Một đợt điều chỉnh được định nghĩa là giá tài sản hoặc chỉ số nào đó giảm ít nhất 10%.
IMF cho rằng định giá tài sản trên nhiều thị trường đang vượt xa mức bình thường. “Theo mô hình tính toán của IMF, chênh lệch giữa giá thị trường và định giá cơ bản đang ở sát mức cao lịch sử trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của hầu hết nền kinh tế phát triển, trong khi một số nền kinh tế mới nổi lại chứng kiến diễn biến ngược lại”. Nguyên nhân khiến tâm lý thị trường thay đổi lớn là nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai xảy ra, bất ổn xã hội gia tăng, chính sách tiền tệ thay đổi và căng thẳng thương mại leo thang trở lại.
Hơn nữa, theo IMF, có thể các doanh nghiệp tài chính phi ngân hàng, như quỹ đầu tư và quản lý tài sản, có thể cũng phải đối mặt với một cú sốc nếu xảy ra làn sóng vỡ nợ. IMF cảnh báo những doanh nghiệp này có thể sẽ là “bộ khuếch đại” tâm lý căng thẳng của thị trường.
“Ví dụ, một cú sốc lớn với giá tài sản có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư, từ đó kích thích các nhà quản lý quỹ phải sa thải nhân viên. Điều này sẽ làm gia tăng trầm trọng áp lực lên thị trường”, IMF cho biết.
Cơ quan này ước tính kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm nay, trước khi phục hồi với tốc độ tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2021. Tuy nhiên, cả hai con số này đều thấp hơn ước tính hồi tháng 4 của IMF. “Thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn rất lớn”, bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nói với CNBC. Theo bà, thế giới cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ với quy mô lớn nhưng hình thức thực hiện nên phụ thuộc vào tốc độ phục hồi.
Chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia trên khắp thế giới đến nay đều đã triển khai nhiều chương trình kích thích quy mô lớn nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.
Ngoài ra, IMF cũng cảnh báo nợ doanh nghiệp có xu hướng tăng trong vài năm gần đây và hiện ở mức cao lịch sử so với GDP. Trong bối cảnh nợ hộ gia đình cũng đang tăng, điều này sẽ là một rủi ro khác đối với lĩnh vực tài chính và có thể gây ra tác động lớn hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.