Jan Gehl: "Mỗi ban mai thức dậy, thành phố này có tệ hơn ngày hôm qua?"

Jan Gehl: "Mỗi ban mai thức dậy, thành phố này có tệ hơn ngày hôm qua?"

Thứ Hai, 13/05/2019 - 06:00

[div pc-class='cl mt-20' mobile-class='cl'][span class='cap noto-serif black-color']Đ[/span]iều gì khiến mỗi ban mai thức giấc, con người ta có thể bình yên nở nụ cười và cảm thấy muốn gắn bó với nơi mà ta đang sống? Theo KTS Jan Gehl, “Một thành phố tốt cần giống như một bữa tiệc vui. Khách khứa nán lại bởi họ cảm thấy thích thú”. Và thành phố tốt ấy phải là nơi sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Nơi mà con người trở thành chủ thể, được quan tâm, yêu thương và trân trọng, chứ không phải là nô lệ của những tòa nhà, thiết bị máy móc hay ô nhiễm.

   Tuy nhiên trong suốt nửa thế kỷ qua, cùng với sự nở rộ của tăng trưởng đô thị và quy hoạch mang tên chủ nghĩa hiện đại, đô thị đã bị nhìn nhận như một cỗ máy “đày đọa” con người, nhiều nơi trở nên ngột ngạt, thiếu sức sống và bế tắc trước mọi nỗ lực “giải cứu”.

   Các thành phố giống như những cuốn sách có thể đọc, bằng tất cả tâm huyết của mình, Jan Gehl đã dành cả cuộc đời để hiểu ngôn ngữ ấy. Và ông đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều thành phố tìm lại sức sống của mình, định nghĩa nên khái niệm đô thị cho thế kỷ XXI.

   Ông là kiến trúc sư và giáo sư tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch; đối tác sáng lập của Gehl Architects - Tư vấn chất lượng đô thị.

   Những nghiên cứu và giảng dạy của ông khởi đầu tại Copenhagen, nhưng sau đó đã nhanh chóng được áp dụng ở nhiều thành phố khác trên thế giới.

   Giáo sư Gehl đã tư vấn về chất lượng đô thị cho nhiều chính quyền thành phố trên thế giới như London, Copenhagen, Stockholm, Oslo, Zürich, Edinburgh, Sydney, Melbourne, Adelaide, Perth, Wellington, Riga, Amman và gần đây nhất là New York, San Francisco và Seattle.

   Jan Gehl là tác giả của các cuốn sách: Life between Buildings, New City Spaces, Public Spaces - Public Life, và New City Life, How to Study Public Life, Cities for People.

   Cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” (tên gốc tiếng Anh: “Cities for People”) là cuốn sách rất nổi tiếng và quý giá, đúc kết hơn bốn mươi năm hoạt động của giáo sư Jan Gehl cho chủ đề đô thị vị nhân sinh, đã giúp biến đổi môi trường đô thị trên khắp thế giới dựa trên nghiên cứu những cách thức con người sử dụng không gian nơi họ sinh sống và làm việc. Cuốn sách đã được xuất bản 37 thứ tiếng trên thế giới và mới đây đã được dịch ra Tiếng Việt.

   Chào Jan Gehl! Tròn 10 năm quay trở lại Hà Nội, ông cảm nhận thế nào về thành phố này sau một thập niên?

   Jan Gehl: Đầu tiên, tôi có cảm nhận giao thông Hà Nội đã dịch chuyển từ tất cả xe máy sang ô tô lẫn với xe máy. Tuy nhiên tôi không chắc đây có phải là một điều tốt không, có lẽ chính các bạn phải tự trả lời được câu hỏi này.

   Một điều nữa, đó là ô nhiễm môi trường đang trầm trọng hơn so với 10 năm trước, nếu không nói là ở mức nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hạnh phúc của mỗi công dân. Rõ ràng các bạn phải làm điều gì đó để giảm ô nhiễm môi trường. Và tôi nghĩ rằng, đơn giản nhất là bắt đầu từ thay đổi cách đi lại, di chuyển. Đây không phải thách thức của riêng Hà Nội mà là thách thức chung cho nhiều thành phố thuộc các quốc gia đang phát triển.

   Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang có những chuyển biến rõ rệt. Thành phố đã tạo ra những không gian cho người dân dạo bộ, chia sẻ và tận hưởng cuộc sống. Tôi chúc mừng Hà Nội vì đã bắt đầu có những nỗ lực chuyến biến.

   Thưa ông, không chỉ riêng Hà Nội mà ở rất nhiều thành phố khác trên thế giới, dường như sự tăng lên ồ ạt của xe cộ cùng với lối quy hoạch, kiến trúc hiện đại lại đang khiến đô thị mang một hình hài khô cứng mất bản sắc. Như nữ văn sĩ Gertrude Stein đã thốt lên “ở đó không còn nơi ấy” khi nhận ra thành phố Oakland (Mỹ) của mình đang biến đổi hình hài?

   Jan Gehl: Trong những thập niên trở lại đây, đề tài quy hoạch liên quan tới yếu tố con người bị xem nhẹ và giải quyết khá hời hợt. Trong khi đó, người ta dành ưu tiên cho việc điều tiết lượng xe cộ đã và đang tăng nhanh như vũ bão. Có một đặc điểm chung giữa hầu hết các thành phố - bất kể vị trí địa lý, tiềm lực kinh tế hay trình độ phát triển - đó là sự đối xử ngày càng thờ ơ với những con người đã và đang sử dụng không gian đô thị.

   Không gian chật hẹp, chướng ngại vật trên đường, tiếng ồn, ô nhiễm, nguy cơ xảy ra tai nạn là tình trạng thường thấy đối với cư dân sinh sống tại phần lớn các đô thị trên thế giới. Điều này không chỉ hạn chế khả năng lưu thông của người đi bộ mà còn thiết lập hàng rào vây hãm các hoạt động văn hoá, xã hội của thành phố. Chức năng truyền thống của không gian đô thị là nơi gặp gỡ và gắn kết cộng đồng dần trở nên suy yếu và bị đe doạ, biến mất.

   Đã nửa thế kỷ trôi qua khi tác giả người Mỹ Jane Jacobs xuất bản cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu sắc của mình là “The Death and Life of Great American Cities” (tạm dịch là Sự sống và cái chết của các thành phố Mỹ). Bà chỉ ra phương thức mà lượng xe cộ tăng ồ ạt cùng ý tưởng quy hoạch đô thị của chủ nghĩa hiện đại đã cản trở việc tiếp cận sử dụng thành phố như thế nào, đồng thời nhấn mạnh, chính các công trình độc lập đang góp phần kết liễu không gian đô thị, để lại hậu quả là những thành phố vô hồn, không có sức sống.

   Tại các quốc gia đang phát triển, tình trạng ứng xử với yếu tố con người thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Hầu hết cư dân đều sử dụng không gian đô thị cho các hoạt động hàng ngày với tần suất cao. Thường thì không gian đô thị đáp ứng khá hiệu quả các hoạt động truyền thống này nhưng khi lưu lượng giao thông tăng quá nhanh thì sự cạnh tranh không gian trong thành phố ngày càng gay gắt.

   Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ sau một thiên niên kỷ, lượng dân thành thị trên toàn cầu đã chiếm đa số so với nông thôn. Các thành phố mới và cả các thành phố hiện hữu đều sẽ phải thực hiện những thay đổi quan trọng trong kịch bản định hướng quy hoạch. Mục tiêu then chốt trong tương lai chính là sự quan tâm sâu sắc hơn đến nhu cầu của những đối tượng trực tiếp sử dụng thành phố.

   Jan Gehl: Nếu nhìn vào lịch sử của các thành phố, chúng ta có thể thấy rõ cấu trúc và quy hoạch đô thị ảnh hưởng đến hành vi của con người theo cách thức mà thành phố vận hành.

   Vào thế kỷ XX, liên hệ giữa điều kiện sống và hành vi của con người bắt đầu trở thành mối bận tâm đối với các thành phố. Trong nỗ lực ứng phó với lượng xe cộ tăng nhanh như thuỷ triều, mọi không gian đô thị hiện hữu đều trở nên chật cứng bởi các phương tiện giao thông. Có bao nhiêu đất là có bấy nhiêu xe. Những cố gắng nhằm giảm áp lực giao thông bằng cách xây nhiều tuyến đường và bãi đỗ xe thậm chí còn khiến tình trạng trở nên căng thẳng hơn.

   Trận động đất năm 1989 ở San Francisco (Mỹ) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho trục đường chính nối với trung tâm thành phố, tuyến cao tốc Embarcadero buộc phải dừng hoạt động. Tuyến đường kết nối chủ đạo của thành phố đột ngột biến mất, thế nhưng, trước khi có quy hoạch tái thiết mới, người ta nhận ra rằng mọi việc vẫn được quản lý tốt mà không cần có nó. Người dân nhanh chóng điều chỉnh thói quen giao thông để thích nghi với hoàn cảnh mới.

   Ngày nay, thay vì một con đường cao tốc hai tầng bị hư hại, thành phố có cả một đại lộ xe điện chạy, với những lối đi bộ rợp bóng cây xanh. Những năm sau này, San Francisco tiếp tục tiến hành chuyển đổi cao tốc cũ thành những phố xá thanh bình.

  Các ví dụ tương tự có thể tìm thấy ở Portland, Oregon; Milwaukee, Wisconsin (Mỹ) và Seoul (Hàn Quốc), nơi người ta xoá sổ các hệ thống đường lớn nhằm giảm thiểu lưu lượng giao thông.

   Trong cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” của mình, ông đã nhắc rất nhiều đến yếu tố đi bộ, vì sao đó là chìa khoá tháo gỡ mọi nút thắt của một đô thị đang ngày càng trở nên ngột ngạt và bế tắc? Việc tách con người ra khỏi xe hơi dường như là việc làm “bất khả thi” khi mà với nhiều quốc gia, nó gắn liền với hình ảnh của một nền kinh tế phát triển?

   Jan Gehl: Đi bộ là sự bắt đầu, là nguồn khởi. Con người được sinh ra để đi bộ và mọi sự kiện lớn nhỏ diễn tiến trong cuộc đời khi chúng ta đồng hành cùng những người khác. Mọi sự đa dạng của cuộc sống được mở ra trước mắt khi chúng ta bước đi trên đôi chân của mình.

   Thế giới ngày nay đang thuộc về công nghệ và các nhà kỹ trị. Họ tạo ra đủ các loại thành phố thông minh, hệ thống giao thông phức tạp mà nghĩ là phù hợp với con người. Họ nghĩ rằng có thể nhồi nhét con người vào các khuôn mẫu có sẵn mà không biết là nên xây dựng các thành phố dựa trên con người và đời sống loài người. Các thành phố của chúng ta sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều nếu ta hiểu được điều này.

   Tôi biết các thành phố của Việt Nam đang trên con đường phát triển và phải chịu rất nhiều sức ép khác nhau như: thay đổi khí hậu, ô nhiễm, dân số tăng nhanh… Sẽ rất khó để thay đổi thói quen di chuyển, tách mọi người ra khỏi xe hơi, xe máy và bắt họ vận động nhiều hơn, đi bộ, đạp xe nhiều hơn, sử dụng toàn bộ cơ bắp của mình.

   Tuy nhiên hiện nay có khá nhiều căn bệnh được sinh ra mỗi năm do con người ngồi một chỗ quá nhiều mà lười vận động. Cho dù muốn hay không thì đây chính là một thách thức hiện hữu với các nhà quy hoạch và giới bác sĩ. Tình trạng cấp bách đến nỗi, các bác sĩ đã phải nói với chúng tôi là đừng tiếp tục tạo ra các thành phố mà con người chỉ luôn ngồi một chỗ, hãy tạo ra các thành phố mà người dân di chuyển càng nhiều càng tốt trên chính đôi chân, bằng chính nguồn năng lượng của họ.

   Đây là một thông điệp thú vị và quan trọng. Tại sao chúng ta lại tạo ra các đô thị? Tất nhiên nhiều người sẽ trả lời rằng để có một nền kinh tế tốt hơn, nhưng cùng lúc cũng phải để có một cuộc sống tốt đẹp, là nơi chúng ta có thể gặp gỡ nhau và chung tay phát triển văn hóa. Hiện tại, tất cả mục đích xã hội của thành phố là nơi gặp mặt của con người đã bị gột sạch bởi tiếng ồn giao thông, ô nhiễm, và sự căng thẳng hối hả không ngừng. Thay đổi là một việc làm cấp bách, rất quan trọng.

   Tôi và vợ tôi, chúng tôi cảm thấy rất may mắn, vì mỗi sáng thức dậy, chúng tôi biết rằng, ngày hôm nay thành phố của chúng tôi đã trở nên tốt hơn một chút so với hôm qua, bởi các nhà quy hoạch đang ngày đêm nỗ lực làm nó tuyệt vời hơn, và họ đang rất thành công. Tôi biết ở một vài thành phố khác, người dân thức dậy mỗi sáng và nói rằng chắc chắn thành phố này đã tệ hơn so với hôm qua, có thêm nhiều xe hơi, nhiều tiếng ồn và ô nhiễm hơn.

   Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng là cảm giác an tâm khi biết rằng con cháu chúng ta sẽ được sống trong một thành phố tốt đẹp hơn nhiều so với thành phố mà ta đang sống. Vì vậy, chúng ta cần phải liên tục cải thiện nó vào mỗi ban mai.

   Gần đây, nhiều thành phố của Việt Nam đang nói đến việc xây dựng đô thị thông minh, theo ông đây có phải là một hướng đi phù hợp cho Việt Nam lúc này?

   Jan Gehl: Để xây dựng một đô thị thông minh, Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền. Các bạn sẽ phải mua thiết bị để lắp đặt vào chỗ này, chỗ kia làm nó trở nên thông minh hơn và cứ như thế, ngày càng lệ thuộc vào công nghệ. Mà cuộc chạy đua về công nghệ thì không có điểm dừng. Hôm nay là chiếc xe hơi tự động, ngày mai sẽ phải là máy bay không người lái. Nhưng con người có thực sự hạnh phúc hơn?

   Tôi không phủ nhận một đô thị thông minh sẽ có nhiều điểm tích cực, nhưng theo tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện tại, với thực trạng kinh tế của các bạn, đừng lãng phí quá nhiều tiền cho công nghệ mà hãy làm theo nguyên tắc, cái gì dễ thì làm trước, đó là tạo ra một đô thị thân thiện và gần gũi với con người. Nơi mà tất cả mọi người có thể kết nối với nhau.

   Hãy biến thành phố trở nên tốt đẹp hơn và gần như không phải chi quá nhiều tiền. Điều này phù hợp với tất cả các thành phố trên thế giới dù là giàu hay nghèo. Thành phố có thể không đầy những thiết bị công nghệ nhưng lại là nơi có nhiều sự giao lưu, gặp gỡ và sự sẻ chia.

   Nếu bạn có dịp đến thăm Venice, bạn sẽ thấy đây là nơi mà gần như tất cả mọi người đều đi bộ. Thành phố này thậm chí còn cho ta cảm giác bình thản hơn cả Copenhagen. Thực ra, không phải người dân ở đây đi chậm mà là họ sống an nhiên. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn để trò chuyện và ngẫm nghĩ.

   Quay trở về chủ đề Hà Nội, nơi đây nhịp sống rất sôi động, mọi người luôn hối hả đi về mọi hướng. Và tôi băn khoăn không biết đó có phải là một lối sống tốt? Tôi mong Việt Nam có thể phát triển tích cực theo hình mẫu của Venice hoặc Copenhagen.

   Thưa KTS Jan Gehl, ông có cho rằng như vậy ngược với sự phát triển của nhân loại, khi mà kỹ thuật số và công nghệ đang ngày càng phát triển như vũ bão, người ta nhắc nhiều đến 4.0 và những sự gặp gỡ, giao lưu trực tuyến?

   Jan Gehl: Nhiều người nghĩ rằng ngày nay chúng ta đã có không gian ảo, vì thế không gian công cộng không còn quan trọng nữa. Nhưng thực tế, nhu cầu giao lưu, kết nối của con người đang ngày một gia tăng. Bạn không tin ư, hãy ngẫm mà xem.

   Câu nói “Niềm vui lớn nhất của con người là con người” có nguồn gốc từ Hávamaskm – một bài thơ cổ 1000 năm tuổi tiếng Iceland, mô tả ngắn gọn niềm vui thích và sự quan tâm. Ngay cả những đứa trẻ đang nằm nôi cũng cố rướn mình quan sát và bò quanh nhà để theo dõi mọi hoạt động. Khi trẻ lớn hơn thì chúng thường bày đồ chơi tại khu vực sinh hoạt chung trong nhà như phòng khách, phòng bếp. Những trò chơi không nhất thiết phải ở sân chơi hay những khu vực cấm xe cộ nhưng thế nào cũng xuất hiện tại những nơi có người lớn.

   Thanh niên thường thích la cà trên phố để hoà mình vào nhịp sống phố phường. Trong cuộc sống, nữ giới thường quan sát nam giới và ngược lại. Người lớn tuổi thì hay theo dõi cuộc sống hàng ngày và hoạt động của khu phố từ cửa sổ, ban công và ghế đá công cộng. Suốt cuộc đời mình, chúng ta có nhu cầu cập nhật liên tục tin tức về con người, cuộc sống và xã hội xung quanh.

   Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng đời sống và các hoạt động đô thị chính là điểm hấp dẫn của thành phố. Con người có xu hướng tụ họp lại tại những nơi sôi động và vô thức kiếm tìm sự hiện diện của người khác.

   Chẳng gì mô tả “cuộc sống giữa các công trình” hấp dẫn hơn bản vẽ phối cảnh của kiến trúc sư. Bất kể yếu tố con người có được quan tâm hay bị xem nhẹ trong dự án, các bản vẽ minh hoạ vẫn thể hiện toàn những khuôn mặt hạnh phúc, rạng rỡ, tượng trưng cho chất lượng dân sinh phong phú. Điều này đủ để thấy, hiển nhiên con người là niềm vui thích nhất của con người.

   Trong suốt lịch sử, không gian đô thị đã có chức năng là nơi giao lưu, gặp gỡ, tụ họp ở mọi cấp độ của cư dân thành phố. Đó là nơi giao lưu, hội tụ.

   Sang đến thế kỷ XX, những quan điểm quy hoạch của chủ nghĩa hiện đại chiếm ưu thế, cùng lúc với cuộc “xâm lăng” xe cộ diễn ra. Đời sống đô thị ở nhiều nơi bị “vắt kiệt” ra khỏi thành phố.

   Tuy nhiên, sau rất nhiều những thực tế diễn ra tại các nước trên thế giới, chúng ta nhận ra rằng, sau khoảng 50 năm bỏ bê yếu tố con người, bước sang đầu thế kỷ XXI, chúng ta có nhu cầu cấp bách và sẵn sàng phát triển lần nữa, tạo ra những đô thị vị nhân sinh.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

   Thành phố Copenhagen của Đan Mạch đã nhiều năm liền được bình chọn là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới. Đây cũng là quê hương của KTS Jan Gehl và là niềm tự hào của ông.

   Copenhagen từng là một đô thị ngột ngạt và tràn ngập xe cộ. Nhưng sau 50 năm nỗ lực cải tạo, chuyển mình để hồi sinh, nơi đây đã trở thành một thành phố tràn ngập sắc xanh và bầu không khí trong lành. Người ta gọi nơi đây là thành phố lành mạnh nhất thế giới. Đó cũng là lý do Đan Mạch thường xuyên khẳng định vị trí hàng đầu là quốc gia hạnh phúc nhất trong Báo cáo thường niên theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.

   Không gian công cộng ở Copenhagen được phát triển theo từng giai đoạn.

   Đầu năm 1960 - Copenhagen đã gặp rất nhiều khó khăn với vấn đề giao thông. Thành phố buộc phải tiến hành cắt giảm diện tích đỗ xe nội thành, nhằm hạn chế lưu lượng ô tô, tái tạo không gian phù hợp hơn với cuộc sống đô thị.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top