Aa

KĐT cảng Hiệp Phước: 30.000 hộ dân khốn đốn vì quy hoạch “treo” đã 7 năm

Thứ Ba, 25/04/2017 - 00:20

Sau hơn 7 năm công bố thông tin quy hoạch khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước, hơn 30.000 hộ dân ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM rơi vào cảnh khốn khổ. Họ có đất nhưng không được tách thửa, cất nhà cho con, nhà cửa xuống cấp không được xây mới, đường sá xuống cấp, điện, nước thiếu thốn, khó khăn trăm bề.

Dân khổ trăm bề!

Chỉ vào thửa đất trước nhà, ông Trương Hồng Ngọc, ngụ ấp 1, xã Hiệp Phước lắc đầu ngao ngán, dân ở đây có đất cũng như không. Theo quy định, đất nằm trong khu vực quy hoạch không được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở, nên không được tách thửa, cất nhà. Được biết, gia đình ông Ngọc có tổng cộng 15 người gồm con cái, dâu, rể, cháu chắt phải chen chúc sống chung căn nhà chỉ khoảng 60 m2. Điều đáng nói, ông Ngọc có hơn 2.000 m2 đất nhưng không thể cất nhà cho con.

“Nhiều lúc tôi muốn tách cho mỗi đứa vài trăm m2 để cất nhà ở nhưng chính quyền địa phương không cho với lý do vướng quy hoạch. Lúc nào họ cũng nói dự án sắp đền bù, giải tỏa, sắp triển khai nhưng không biết đến bao giờ” – ông Ngọc nói.

Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là đơn vị thực hiện quy hoạch khu dân cư Hiệp Phước

Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là đơn vị thực hiện quy hoạch khu dân cư Hiệp Phước

Theo ghi nhận của Reatimes, hiện nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cho con cái ra ở riêng của người dân nơi đây rất cao nhưng cũng đành phải chịu vì vướng phải quy hoạch treo trong thời gian quá dài. Cùng cảnh ngộ với ông Ngọc, chị Nga, ngụ xã Hiệp Phước nói: “Nhà tôi đông con, nhà thì nhỏ có miếng đất muốn tách ra cho mỗi đứa một ít để xây cái nhà có chỗ chui ra chui vô, mà cứ vướng quy hoạch từ năm này sang năm khác. Có đất mà không được làm gì, nhà không cho xây, đất không cho tách, không biết đợi đến bao giờ”.

Vì vướng quy hoạch nên người dân không được cấp phép xây nhà, chỉ che tôn lên để ở

Vì vướng quy hoạch nên người dân không được cấp phép xây nhà, chỉ che tôn lên để ở

Được biết nhiều trường hợp nhà cửa lâu năm dột nát, chính quyền sở tại xuống thực tế xác nhận và cũng cho phép họ xây sửa nhà tạm lại tránh mưa nắng nhưng rất ít người mặn mà. “Chính quyền địa phương cho xây nhà tạm, thậm chí cho xây hoành tráng nhưng với điều kiện phải cam kết khi Nhà nước thực hiện quy hoạch phải tự tháo dỡ không được đền bù. Chúng tôi muốn có chỗ ở đàng hoàng nhưng xây nhà xong có thể đập bất cứ lúc nào mà không được đền bù thì xây làm gì?” – chị Lan, một người dân khu vực chia sẻ.

Theo người dân nơi đây, họ đã nhiều lần có ý kiến với UBND xã, huyện sớm xem xét giải quyết nhưng tất cả vẫn chỉ là kiến nghị. Trong khi đó, vì để trang trải cuộc sống, nhiều người dân chấp nhận bán trọn thửa đất với giá rẻ, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá đền bù của Nhà nước. Đơn cử, giá đất do Nhà nước bồi thường trong dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 và cảng hạ lưu tại xã Hiệp Phước từ 350 đến hơn 400 triệu đồng/1.000m2 đất nông nghiệp thì giờ đây người dân chấp nhận bán đất với giá từ 200 - 250 triệu đồng/1.000m2.

Chị Lan cho biết căn nhà mình đã xuống cấp nhưng không xây dựng lại được do bị vướng quy hoạch

Chị Lan cho biết căn nhà mình đã xuống cấp nhưng không xây dựng lại được do bị vướng quy hoạch

Trước thông tin đó, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân giữ đất để được Nhà nước bồi thường giá cao hơn. Tuy nhiên, đói khổ, ốm đau, bệnh tật không thể chờ bồi thường được. Cũng vì vướng quy hoạch nên những nhu cầu tối thiểu như điện, nước sinh hoạt nhiều hộ dân không được mắc tận nhà như những xã khác, phải “câu” nhờ nơi khác. Đường sá xuống cấp trầm trọng, muốn đi được dân phải tự dặm vá. Nhưng đường sá có xuống cấp cũng chưa khốn khổ bằng cảnh chống chọi với triều cường.

Đoạn đường Nguyễn Văn Tạo, ấp 1, xã Hiệp Phước xuống cấp trầm trọng

Đoạn đường Nguyễn Văn Tạo, ấp 1, xã Hiệp Phước xuống cấp trầm trọng

“Nhiều lúc triều cường lên cao, đường ngập nước không thể đi được, có nhiều khi ngập vô cả nhà. Thậm chí nhà thì không được xây chỉ được dừng tạm vài tấm tôn để ở vì sợ quy hoạch” - chị Hằng, dân xã Hiệp Phước bức xúc.

Ruộng lúa thành đất bỏ hoang

Được biết, việc tạm ngưng tách thửa và chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở trên địa bàn xã Hiệp Phước đã thực hiện từ năm 2007. Bên cạnh đó vì chờ quy hoạch nên không được đầu tư bất kể hạng mục gì, kể cả thủy lợi. Không có nước tưới tiêu trong nông nghiệp, nhờ vào nước trời nên phần lớn đất nằm trong diện bị quy hoạch bỏ hoang, người dân gần như chuyển sang kiếm sống bằng nhiều công việc khác.

Mang tiếng là ở thành phố nhưng đời sống của người dân ở Hiệp Phước còn không bằng những vùng quê hẻo lánh hay vùng miền núi xa xôi. Chí ít người dân ở quê hay miền núi cũng được tùy ý trên mảnh đất của mình, lại không phải sống chung với ô nhiễm khi một phần diện tích đất hoang này được dùng làm bãi thu rác.

Đất bị bỏ hoang, hệ thống thủy lợi không được đầu tư, đất không được cải tạo nên nhiễm phèn và biến thành  ruộng cỏ
Đất bị bỏ hoang, hệ thống thủy lợi không được đầu tư, đất không được cải tạo nên nhiễm phèn và biến thành  ruộng cỏ

Đất bị bỏ hoang, hệ thống thủy lợi không được đầu tư, đất không được cải tạo nên nhiễm phèn và biến thành bãi cỏ

Với những gia đình có chút của ăn của để thì có thể giữ đất chờ đền bù, còn nhiều gia đình kinh tế khó khăn phải bán nhà, bán đất với giá rẻ bèo đề tìm nơi cư ngụ khác. Vì lý do ấy mà số hộ có đất đai ở địa phương này dần dần “đội nón ra đi” là điều hiển nhiên.

Theo anh Hùng, một người chuyên đi thu mua đất nằm trong diện quy hoạch rồi để đó chờ nhà nước đền bù tiết lộ: “Thật ra, mua đất chờ giải tỏa, đất trong quy hoạch… cũng giống như một “canh bạc”, chua lắm, nên phải có kinh nghiệm, cầm chắc phần thắng khoảng 70% thì mới mua để nhận được tiền đền bù theo đúng quy định”.

Người dân sống xã Hiệp Phước mong khu vực sớm quy hoạch để họ lấy tiền đền bù, tập trung công việc và tìm chỗ an cư mới

Người dân sống xã Hiệp Phước mong khu vực sớm quy hoạch để họ lấy tiền đền bù, tập trung công việc và tìm chỗ an cư mới

Theo ghi nhận của Reatimes, rất khó để nhận ra địa bàn rộng hơn 3.800 ha của xã Hiệp Phước trước đây người dân canh tác chủ yếu là nông nghiệp, thì nay chỉ còn khoảng 11ha đất trồng lúa. Người dân chẳng biết kêu ai, họ chỉ biết ngậm ngùi nhớ lại cho khoảng thời gian đầm ấm trước đây. Ông Thanh bùi ngùi chia sẻ: “Trước khi Nhà nước quy hoạch khu đô thị, nhà tôi trồng lúa, nuôi vịt đẻ, thu nhập nhờ bán trứng vịt. Bây giờ đất không thể trồng lúa được nữa vì hệ thống thủy lợi không có, đất bị nhiễm phèn, sâu bệnh tràn lan”.

Tận dụng cơ hội cuối cùng để mưa sinh, nhiều người hàng xóm của ông Thanh chuyển từ nuôi vịt sang nuôi tôm, nuôi tôm không được lại xin chuyển đất lúa thành đất vườn nhưng cây cũng chẳng thể khá hơn nên đành để vườn trống cho cỏ mọc.

Được biết, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là đơn vị chịu trách nhiệm chính cho việc thực hiện quy hoạch phân khu cho khu đô thị cảng Hiệp Phước. Nhưng đã 7 năm trôi qua người dân vẫn đang sống trong một bãi cỏ hoang tàn. IPC đã làm gì với nhiệm vụ này?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top