Aa

Kẻ khóc người cười trước những cơn sốt đất

Thứ Sáu, 31/05/2019 - 20:18

Từ năm 2018 đến nay, thị trường phía Nam đã xuất hiện nhiều cơn sốt đất, giúp nhiều nhà đầu tư kiếm tiền tỷ, nhưng cũng khiến không ít nhà đầu tư phải khóc mếu vì kẹt hàng, chôn vốn.

Nhiều nơi lên cơn sốt

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại khu vực quận 9 (TP.HCM), một miếng đất thổ cư diện tích 50m2 hiện có giá từ 1,8 - 2 tỷ đồng, nhưng giao dịch vẫn diễn ra sôi động khi các văn phòng công chứng luôn trong tình trạng đông nghẹt.

Nhiều cò đất lợi dụng các công trình hạ tầng để tạo sốt đất. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều cò đất lợi dụng các công trình hạ tầng để tạo sốt đất. Ảnh: Lê Toàn

Còn tại trung tâm Thành phố, những dự án cao cấp vừa được chào bán với giá cao ngất ngưởng. Điển hình như căn hộ tại Dự án Alpha City (số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) có giá khoảng 220 triệu đồng/m2, tương ứng mỗi căn hộ có giá trị từ 11 - 44 tỷ đồng. Hay Dự án The Centennial Bason (số 2, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1) hiện đang được chào bán với giá từ 200 - 290 triệu đồng/m2.

Ngay cả những huyện ngoại thành ít được nhắc đến như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, giá đất hiện đã dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2, nhưng vẫn được cho là còn rẻ.

Hay mới đây, thông tin về hạ tầng được đầu tư (cầu Cát Lái, Sân bay Long Thành) khiến thị trường bất động sản Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) một lần nữa lại dậy sóng.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, khu vực xã Phú Hữu, Đại Phước, Vĩnh Thanh, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc. Trong số đó, nhiều người có nhu cầu thực cũng về đây tìm mua đất, chờ xây cầu Cát Lái để chuyển về định cư. So với khu vực quận 2, quận 9 (TP.HCM), giá đất tại Nhơn Trạch vẫn còn khá mềm, nên nơi đây được giới đầu tư “săn đón”.

Nhiều nhà đầu tư chạy theo sốt đất đã phải ngậm quả đắng vì chôn vốn, kẹt hàng. Ảnh: Trọng Tín

Nhiều nhà đầu tư chạy theo sốt đất đã phải ngậm quả đắng vì chôn vốn, kẹt hàng. Ảnh: Trọng Tín

Anh Nguyễn Thông, nhân viên một sàn giao dịch tại xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) cho biết, khoảng 2 tháng nay, rất nhiều nhà đầu tư tăng cường tìm kiếm các nền đất gần với khu vực phà Cát Lái. Đặc biệt, ở thời điểm này, có nhiều nhà đầu tư vốn lớn đã gom nhiều nền một lúc để đón đầu sóng hạ tầng.

“Năm ngoái, mức tăng ở các nền diện tích nhỏ từ 60 - 80m2 đạt trung bình từ 30 - 40%/năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, một số nền gần phà Cát Lái đã có mức tăng 20 - 30% chỉ trong vài tháng. Mặc dù giá tăng cao, nhưng không dễ để tìm được nguồn hàng ưng ý. Hầu hết những giao dịch hiện tại nằm ở các dự án cách phà Cát Lái khoảng 10 - 15km”, anh Thông nói.

Tương tự, tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), nếu như đất nền khu vực này có mức giá giao dịch ổn định, thì căn hộ mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn được cả người mua để ở và giới đầu tư săn đón. Khảo sát nhanh của phóng viên cho thấy, tại khu vực thị xã Dĩ An giáp ranh với quận Thủ Đức (TP.HCM), các dự án căn hộ mức giá từ 1,3 - 1,7 tỷ đồng/căn luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Không chỉ tại TP.HCM hay các địa phương giáp ranh, thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu trong khoảng 1 năm qua cũng là tâm điểm thu hút dòng tiền của giới đầu tư địa ốc. Đặc biệt, các dự án khu dân cư khép kín, hạ tầng đồng bộ, có vị trí đẹp luôn được nhà đầu tư quan tâm.

Bên cạnh các doanh nghiệp đã nhanh chân có mặt từ sớm như Hưng Thịnh, Danh Khôi, Eximrs…, nhiều chủ đầu tư lớn khác cũng đang đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển dự án như Novaland, Tập đoàn Tuần Châu, FLC...

Sự xuất hiện của nhiều ông lớn bất động sản, cùng sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật khiến cho thị trường địa ốc Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua và giá được đẩy lên không ngừng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thị trường này có mức tăng trung bình 20 - 30%/năm, thậm chí, có một số dự án vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, giá tăng khoảng 50% trong vòng 1 năm qua.

Cụ thể, giá đất trên trục đường 44a, 44b hiện tại dao động từ 12 - 15 triệu đồng/m2. Còn Dự án Golden City 1 ngay vòng xoay Long Điền, được tung ra thị trường vào thời điểm tháng 11/2018 với mức giá trung bình từ 8 triệu đồng/m2, hiện đang được giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức giá trung bình từ 13 - 15 triệu đồng/m2. Hay Dự án Golden Central Park được tung ra tháng 6/2018 với mức giá 7 - 9 triệu đồng/m2, nhưng hiện đã tăng lên từ 12 - 17 triệu đồng/m2. Không chỉ với đất nền, ngay cả thị trường nhà phố cũng xác lập mặt bằng giá mới, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay.

Kẻ khóc người cười

Sức nóng của thị trường bất động sản đang lan rộng ra nhiều khu vực phía Nam. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình giao dịch bất động sản tại thị trường phía Nam khá sôi động. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư địa phương, khách hàng ở các nơi khác, đặc biệt các nhà đầu tư tại khu vực phía Bắc cũng liên tục săn lùng các lô đất có giá trên dưới 2 tỷ đồng/lô.

Ông Vũ Thanh Hoàng (quận 10, TP.HCM), một nhà đầu tư vừa chốt lời thành công một lô đất tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, đầu năm 2019, ông bỏ ra 1,2 tỷ đồng mua lô đất trên, sau đó ông bán lại với giá 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài lần chuyển qua tay người khác, lô đất này hiện có giá cao gấp 2 lần giá ban đầu.

Trong khi đó, bà Thảo (Cần Giờ, TP.HCM) cho biết, giữa năm 2017, bà rao bán mảnh đất nông nghiệp 1.600m2 với giá 1,3 tỷ đồng nhưng không một ai hỏi đến, nhưng đến đầu năm 2018, nhờ ăn theo thông tin xây cầu Cần Giờ, bà đã bán lại được mảnh đất trên với giá 2 tỷ đồng.

Nhờ cơn sốt đất, nhiều người dân một đêm đã trở thành tỷ phú, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lợi hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng từ việc lướt sóng đất nền, nhưng cũng có không ít người “ngậm quả đắng” vì chạy theo cơn sốt đất.

Anh Lợi (Tân Bình, TP.HCM) đang phải gánh khoản nợ 2 tỷ đồng vì không thoát được hàng nhiều năm. Anh kể, đầu năm 2017, nghe bạn bè bàn tán về đất nền vùng ven đang tăng giá mạnh, anh đến tận khu vực đường Cầu Đình, quận 9 tìm hiểu và mua mảnh đất khoảng 500m2 với giá 2,5 triệu đồng/m2.

“Khoảng 2 tháng sau, có người trả 5 triệu đồng/m2 để mua miếng đất này nhưng tôi quyết đợi giá lên tiếp. Đến nay, miếng đất của tôi vẫn chưa bán được, hàng tháng đi làm chỉ đủ để trả tiền lãi ngân hàng”, anh Lợi tiếc nuối.

Một trường hợp khác là ông Lê Tuấn, một người chân ướt chân ráo bước vào nghề môi giới bất động sản ở khu vực Bình Chánh (TP.HCM) khi thị trường lên cơn sốt. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà, ông mang đi ôm đất với kỳ vọng sớm bán lại kiếm lời, nhưng đến giờ vẫn chưa bán được. Ông Tuấn như ngồi trên đống lửa khi phải ôm mấy miếng đất nền chỉ để “trồng cỏ”.

Hay câu chuyện của anh Trường (quận 9, TP.HCM) cũng “dở khóc dở cười” không kém khi giao dịch bỗng nhiên bị “lật kèo”, hủy cọc do giá đất đang lên.

Anh Trường cho biết, cuối năm 2016, một chủ đất giao bán lô đất 100m2 có giá 4,5 tỷ đồng, anh đến mua và đã đặt cọc. Thế nhưng, chủ đất cứ nhùng nhằng và tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc công chứng sang tên và giao đất. Đùng một cái, chủ đất đề nghị hủy cọc và không đồng ý bán, do giá đất đang tăng.

Rất nhiều trường hợp đang loay hoay tìm lối thoát khi chạy theo vòng xoáy sốt đất. Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong vô vàn những chuyện dở khóc dở cười về thị trường bất động sản, đây cũng xem như là bài học cảnh giác cho những nhà đầu tư địa ốc, đặc biệt là những người không có nguồn tiền nhàn rỗi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top