Aa

Kết nối hạ tầng đô thị “rời rạc” là bài toán khó của quy hoạch?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 10/06/2018 - 06:00

Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, vấn đề kết nối hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó, còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật là yếu tố đóng vai trò quan trọng để xây dựng đô thị bền vững và là bước đệm cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Theo định nghĩa từ các chuyên gia, kết nối hạ tầng ở đây được hiểu cụ thể là sự kết nối đồng bộ về giao thông, hệ thống thoát và xử lý nước thải của các khu đô thị với hạ tầng chung của khu vực. Kết nối này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu tất yếu của các cư dân trong khu vực về lưu thông và nhiều vấn đề an sinh khác. Mặt khác những bất cập do kết nối hạ tầng thiếu đồng bộ trong thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến tắc đường, ngập úng,...

Thực tế cho thấy, hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua đã phát triển khá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là số lượng các tòa nhà cao tầng. Sự phát triển của nhà cao tầng cũng là yếu tố góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Bộ mặt kiến trúc đô thị đang từng bước thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, phản ánh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nhà cao tầng cũng đang là xu hướng của nhiều đô thị trên thế giới bởi giúp tiết kiệm đất làm hệ thống công viên, cây xanh và các công trình công cộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế "Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam", nhìn chung chất lượng đô thị ở nước ta còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua đã được cải thiện và nâng cấp, song hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ. Trình độ và năng lực quản lý, phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu.

Hạ tầng kỹ thuật là yếu tố đóng vai trò quan trọng để xây dựng đô thị bền vững

Hạ tầng kỹ thuật là yếu tố đóng vai trò quan trọng để xây dựng đô thị bền vững

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phát triển nhanh, thiếu đồng bộ, đồng thời thiếu kiểm soát tình hình dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng. Tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực hai bên tuyến đường mới mở hoặc mở rộng trong khu vực nội đô, việc gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc so với quy định đã gây quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông đô thị.

Do những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, kiến trúc cảnh quan tại phần lớn các đô thị còn nhiều tồn tại như: phát triển tự phát, thiếu định hướng, bộ mặt đô thị lộn xộn, không có bản sắc và quản lý chưa làm chủ được tình hình phát triển.

Các chuyên gia cho rằng giải pháp cho câu chuyện xây nhà cao tầng trong nội đô là cần kết hợp xây dựng hệ thống giao thông và chỉnh trang đô thị. Đầu tư đường sá, đặc biệt đầu tư hệ thống metro và hệ thống xe buýt. Bên cạnh đó, việc bố trí hợp lý không gian, kiến trúc cảnh quan trong cấu trúc đô thị sẽ góp phần tăng mỹ quan, giúp tạo nên hình ảnh về hình khối trong không gian đô thị.

Để hình thành không gian xanh đô thị, thì các yếu tố như: mối tương quan giữa đất xây dựng và không gian mở đô thị; việc tăng cường khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí có chứa đựng yếu tố cảnh quan tự nhiên trong lòng đô thị sẽ đóng góp vai trò thiết thực trong việc hình thành nên môi trường cảnh quan có sức lôi cuốn, hấp dẫn cho thành phố.

Việc kết nối các đô thị trung tâm với khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, nhằm bổ sung hệ thống công viên rừng, khu nghỉ dưỡng và vui chơi, đất thể thao liên quan đến yếu tố xanh cho đô thị trung tâm và việc đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm áp lực lên những khu đô thị lớn. Cũng là lựa chọn cho các đô thị có mật độ dân số cao, thiếu hụt đất cây xanh như Hà Nội và TP.HCM.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: "Về nguyên tắc, quy hoạch xây dựng đã phải đồng bộ, trong đó có các quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao xây dựng công trình. Mặt khác, quy hoạch cũng đã xác định các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh, đặc biệt đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước và cấp điện".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top