Aa

Khánh Hòa đấu giá “đất vàng”, các nơi khác thì sao?

Thứ Năm, 09/07/2020 - 06:30

Sai phạm trong định giá đất sân bay Nha Trang dẫn đến lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật đã một thời làm nóng dư luận. Vì vậy, thông tin Khánh Hòa chuẩn bị đấu giá “đất vàng” này lập tức thu hút sự quan tâm của xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định thành lập Tổ giúp việc cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực sân bay Nha Trang để hoàn thiện kế hoạch đấu giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đây là số đất còn lại của sân bay Nha Trang sau khi tỉnh Khánh Hòa giao 62ha cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (năm 2017) để thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về giao thông trên địa bàn tỉnh. Nếu đấu giá thành công, số tiền sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay tại Phan Thiết.

Một tiền lệ tốt của Khánh Hòa

Đấu giá là một hình thức mua bán và cũng là phương pháp để xác định giá tương đối chính xác, công bằng và khách quan, đã trở thành phổ biến trong quan hệ mua bán trên thế giới cũng như ở nước ta. Nhưng sở dĩ, việc đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang cũ của UBND tỉnh Khánh Hòa lần này thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi những sai phạm trong việc định giá và giao 62ha đất sân bay khi thực hiện các dự án BT trước đây đã gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, dẫn đến việc hàng loạt cán bộ đầu tỉnh bị kỷ luật.

Phối cảnh dự án mà Tập đoàn Phúc Sơn triển khai trên 62ha đất sân bay Nha Trang được giao.

Không ít người xót xa và ao ước rằng, nếu như UBND tỉnh lúc ấy tiến hành đấu thầu công trình, đấu giá quyền sử dụng đất thay vì chỉ định thầu và chỉ định luôn giá, thì đã không dẫn đến thất thoát tài sản và ngân sách Nhà nước lớn như vậy, đồng thời hàng loạt cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng đã không bị cách chức, kỷ luật. Nhưng đấy là “nếu”, còn thực tế diễn ra thì cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch đương nhiệm và nguyên Chủ tịch tỉnh đều bị cách chức. Đau xót hơn, vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa lúc đó được cho là "rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục" như Ban Bí thư đã kết luận.

Thực ra thì phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) không có lỗi. Tuy nhiên, BT trong trường hợp này là đổi đất lấy hạ tầng, suy cho cùng là phương thức hàng đổi hàng. Hàng hóa trao đổi thông qua vật ngang giá là tiền tệ đã bị biến dạng một lần khi định giá hàng hóa theo tiền tệ. Đằng này lại là hàng đổi hàng thì nó lại bị biến dạng nhiều lần. 

Trước tiên là dự toán công trình hạ tầng không chuẩn xác, và thường là bị đội giá. Đó là một lần Nhà nước bị thiệt hại. Thứ hai là định giá đất để đổi cho doanh nghiệp thực hiện dự án BT. Lần định giá này còn bị biến dạng lớn hơn nữa theo chiều ngược lại, tức là định giá thấp. Thế là, ngân sách Nhà nước một lần nữa bị thiệt hại, mà thiệt hại gấp nhiều lần khi giá trị quyền sử dụng đất được định giá một cách chủ quan. Đó là chưa kể, doanh nghiệp thực hiện BT lấy đất, phân lô bán nền thì rất nhanh, nhưng thực hiện dự án BT thì chậm như “rùa bò”… Một lần nữa, Nhà nước bị thiệt hại tiếp vì công trình BT chậm ngày nào thì thiệt hại về kinh tế và xã hội lớn thêm ngày ấy.

Như vậy, hình thức BT không có lỗi, nhưng nó đã tạo nhiều kẽ hở cho những cán bộ thực thi lồng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vào để làm méo mó, biến một phương thức trao đổi trong kinh tế thành công cụ, thủ đoạn để đục khoét túi tiền Nhà nước. Hậu quả là ở nhiều dự án, công trình bị mua giá đắt trong khi đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã được đưa ra khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khi được Quốc hội thông qua ngày 18/6 vừa qua.

Thay vào đó, phương thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu công trình được cho là ưu việt, khi nó được tiến hành công khai, tạo ra sự khách quan, công bằng và cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp tham gia. Từ đó, hạn chế được lợi ích nhóm, hạn chế việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi ích cá nhân, ngăn chặn thiệt hại và thất thoát ngân sách Nhà nước. Đồng thời cũng hạn chế được vi phạm, ngăn chặn tổn thất về cán bộ.

Dự án BT do Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện ở Khánh Hoà để đổi "đất vàng" sân bay Nha Trang đều chậm tiến độ. (Ảnh: Vietnamnet)

Vì vậy, việc UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất còn lại ở sân bay Nha Trang là một quyết định hợp lý, tạo ra tiền lệ tốt trong việc sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Đây cũng là bài học cho các địa phương khác khi thực hiện các dự án PPP, huy động được nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển một cách hiệu quả nhất.

Các nơi khác thì sao?

Sở dĩ chúng tôi nói việc đấu giá đất ở Khánh Hòa là một tiền lệ tốt, bởi thời gian vừa qua, việc thất thoát ngân sách qua các dự án BT ở hầu khắp các địa phương là không nhỏ. Có một số vụ đã được làm rõ, còn không ít vụ có những dấu hiệu không bình thường đã được báo chí đề cập nhưng chưa được làm rõ, đã và đang tạo dư luận xấu trong xã hội.

Mặc dù phương thức BT đã bị “khai tử”, nhưng một khi việc giao đất vẫn không công khai, minh bạch, không rõ ràng thông qua đấu giá, thì nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước và “mất cán bộ” vẫn còn đó. Đặc biệt, dư luận đang chú ý đến việc Hà Nội cuối năm ngoái đã thu hồi 28 dự án trong tổng số 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai. Điều mà dư luận quan tâm là số phận hơn 1.700ha đất của 28 dự án đó sẽ thế nào?

Không dừng lại ở 28 dự án đã thu hồi, mới đây nhất, tại ngày làm việc thứ hai (7/7) của kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2020; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020. Trong đó bổ sung danh mục 352 dự án thu hồi đất bổ sung năm 2020, với diện tích 1.359,73ha. Đó sẽ là quỹ đất khổng lồ.

Dự án bị thu hồi, đất đai được thu hồi lại. Nhưng nó không thể là “đất chết”, mà phải được tiếp tục đưa vào khai thác để phát huy nguồn lực, phục vụ cho quốc kế dân sinh, cho sự phát triển của thành phố. Vấn đề là khai thác quỹ đất đó thế nào để phát huy được hiệu quả lớn nhất. Nói thẳng ra, quỹ đất ấy sẽ được định giá thế nào để sát với giá trị thực, giao cho doanh nghiệp thế nào để nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế và pháp luật đều cho rằng, cách tốt nhất để khai thác quỹ đất một cách hiệu quả là thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Như trên đã nói, việc đấu giá một cách công khai và sòng phẳng sẽ định được giá đất gần với giá trị thực nhất, tránh được thất thoát tiền của cho Nhà nước. Đồng thời, nó cũng tạo sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; chọn được doanh nghiệp có năng lực thực hiện, dự án sớm phát huy hiệu quả, phục vụ cho đời sống và phát triển của thành phố.

Thiết nghĩ, những sai phạm trong các dự án BT trước đây, mà điển hình là vụ việc ở Khánh Hòa, đã quá đủ cho các địa phương khác lấy đó làm gương. Đồng thời, việc UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất còn lại ở sân bay Nha Trang cũng là một tiền lệ tốt mà các địa phương khác, trong đó có Hà Nội nên và phải học tập, bởi những dị nghị quanh dự án The Manor Central Park của Bitexco chưa phải đã chấm dứt.

Bài học thất thoát tài sản, thiệt hại ngân sách và mất cán bộ của Khánh Hòa trước đây vẫn còn nóng hổi. Mong sao các địa phương khác đừng đi vào vết xe đổ của Khánh Hòa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top