Aa

Khi hoa cải trong vườn đã nở

Thứ Bảy, 02/02/2019 - 06:00

Trước kia, khi những luống cải để làm giống cho mùa sau ở trong vườn bắt bầu lác đác hoa vàng là mẹ tôi lại nói “Tết sắp đến rồi”. Đó là thời gian của những ngày cuối tháng 11 âm lịch, đó cũng là thời gian các gia đình đã chuẩn bị cho một cái Tết.

Người làng quê thường chuẩn bị Tết sớm hơn người thành thị. Ngày đó, người thành thị có tem phiếu để mua thịt, gạo, nước mắm, mì chính, mứt, bánh kẹo, rượu mùi... còn người ở quê thì phải tự chuẩn bị mọi thứ. Cho dù cả năm đói kém, thất bát thì người thôn quê cũng không bao giờ để cho ba ngày Tết thiếu thốn. Bởi đó là những ngày đoàn tụ thiêng liêng và chuẩn bị đón chào một năm mới với bao hy vọng tốt đẹp. Thường vào giữa năm hoặc sớm hơn, họ chọn những con gà trống tơ đẹp nhất để thiến. Trong suốt thời gian từ lúc đó, họ chăm chút những con gà trống thiến để ăn Tết. Cũng vào thời gian đó, ba bốn gia đình thường thỏa thuận với nhau mổ chung một con lợn ăn Tết. Một trong những gia đình đó sẽ nhận nuôi lợn Tết. Đến ngày 29 hoặc 30 mươi tháng Chạp thì các gia đình đó quyết định mổ lợn và chia nhau ăn Tết. Họ cũng chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, măng khô, đặt mua cá của những gia đình có ao hồ nuôi cá để làm món cá nướng truyền thống mà gia đình nào cũng có. Và khi tháng Mười âm lịch đi qua, gặt hái đã xong, họ bắt đầu chuẩn bị cho cái Tết.

Công việc chuẩn bị Tết đầu tiên mà tôi thấy là việc người ở quê quét vôi lại ngôi nhà của mình. Hồi đó chủ yếu người ta quét vôi trắng với chút ve vàng dọc chân tường. Những ngày còn đi học hoặc đi công tác xa, mỗi khi về quê ăn Tết, hình ảnh đầu tiên làm lòng tôi náo nức và xúc động là hình ảnh những ngôi nhà được quét vôi trắng ẩn hiện sau những vòm cây, những rặng tre, những hàng rào dâm bụt, hàng rào cây duối... Những ngôi nhà màu trắng làm cho thôn xóm ấm lên trong gió lạnh cuối năm. Những ngày đó, người làng thường đang làm việc trên cánh đồng đầu làng hay dưới cánh bãi ven sông đều ngừng tay khi thấy có người về quê ăn Tết và hỏi vọng lên. Cái xôn xao của làng quê những ngày ấy là cái xôn xao đón những người làng đi làm ăn, học hành xa về quê ăn Tết. Đó là sự xôn xao của đoàn tụ sau những xa cách. Điều đó làm cho những ngôi nhà trong làng ấm áp hơn, náo nức hơn cho dù trong suốt một năm họ có phải gặp những chuyện phiền muộn trong cuộc sống hay gặp những năm thiên tai làm mùa màng tổn thất.

Từ trước Tết ông Công, ông Táo, người thôn quê bắt đầu dựng cổng làng làm cây đèn. Cho đến bây giờ, làng tôi vẫn giữ phong tục đó. Mỗi xóm làm một hoặc hai cây đèn tùy theo số lượng các hộ gia đình có trong xóm nhiều hay ít. Họ tuốt những sợ rơm vàng óng kết thành những bầu quả dọc một cây tre trẳng tắp, họ cắm những lá cờ ngũ sắc vào bầu quả cùng những cây bông nhỏ. Những cây bông này được vót bằng tre rồi nhuộm phẩm màu các loại. Cùng với dựng cổng làng, làm cây đèn, những người thôn quê dọn dẹp sạch sẽ con đường từ nghĩa trang về đến cuối làng. Trong lòng người thôn quê có hai con đường cho những người thân trở về đoàn tụ gia đình đón Tết. Con đường từ xa về đến đầu làng là con đường cho những người sống đi học hành, công tác, làm ăn trở về với gia đình, làng xóm của mình.

Con đường thứ hai từ nghĩa trang về đến cuối làng là con đường cho những người làng đã khuất trở về ăn Tết với người thân của họ. Cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi gia đình trong làng đều chuẩn bị hương hoa và ra nghĩa trang của làng. Họ đặt hoa, thắp hương và mời những người thân yêu trong gia đình họ đã khuất trở về nhà văn Tết cùng con cháu. Đó là một buổi chiều thiêng liêng và ấm áp lạ thường. Và với tôi, lúc nào tôi cũng thấy nườm nượp linh hồn những người đã khuất dọc con đường từ nghĩa địa về làng. Đó là một ngày đoàn tụ kỳ vỹ nhất mà tôi từng thấy trên thế gian. Ngày ấy, cái làng quê bé nhỏ của tôi như một thiên đường. Ở đó chỉ có tình yêu thương vô tận và sự thanh bình bao phủ lên tất cả cánh đồng, những con đường, những sông hồ, những vòm cây, những ngôi nhà, những mặt người.

Lá dong gói bánh chưng

Lá dong gói bánh chưng

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, bến sông làng tôi vào buổi sáng vang tiếng cười của các thôn nữ. Họ mang gạo nếp ra bến sông vo để gói bánh, họ rửa lá dong xanh mua từ trong phiên chợ Tết ven sông. Những thôn nữ vừa vo gạo, rửa lá dong vừa cười đùa làm ấm cả một khúc sông lạnh cuối đông. Ngày ấy, sông Đáy còn trong xanh và hai bên bờ phù trú với những bãi dâu, ngô, khoai, đậu. Bây giờ, sông Đáy đã chết từng khúc bởi sự tàn phá, vô cảm của con người. Bây giờ không còn ai ra sông Đáy ngày cuối năm để vo gạo nếp và rửa lá dong xanh nữa. Hàng năm, tôi vẫn trở về quê ăn Tết và vẫn ra bờ sông đứng lặng im trong gió lạnh. Khúc sông qua làng tôi trở nên hoang vu và mệt mỏi. Những hình ảnh đẹp đẽ và náo nức thuở trước như đã trôi theo dòng sông ra biển và không trở về nữa. Lòng tôi chợt thấy lạnh.

Bây giờ, nhiều người làng đi làm ăn xa cũng ít về quê ăn Tết như thuở ấy. Họ gửi một chút tiền về cho cha mẹ, gọi một cú điện thoại chúc Tết và hỏi thăm người thân đang ở chốn làng quê và thấy như đã xong nghĩa vụ và trách nhiệm. Không phải trở về quê những ngày Tết là nghĩa vụ. Nếu ai nghĩ vậy nghĩa là tâm hồn họ đã chết đi một phần. Hạnh phúc thực sự của họ đã bị trừ đi một phần. Sự trở về ấy khác hoàn toàn và lớn lao vô cùng. Nó là sự trở về nguồn cội, nó là cách để chúng ta phục sinh những vẻ đẹp đã bị mất, nó là cách để chúng ta nhận vào mình một nguồn sống ấm nóng, tinh khiết và linh thiêng.

Trong đêm cuối cùng của năm cũ, những gia đình có người đi xa chưa về ăn Tết vẫn mở cửa ngõ đợi chờ. Đó có lẽ là cuộc đợi chờ đặc biệt nhất trong năm. Và chỉ khi tiếng chuông trong đình làng vang lên báo hiệu năm mới đã đến thì sự đợi chờ ấy mới tạm lắng đi. Khoảnh khắc đó, người ta như nhìn thấy được thời gian trôi đi và những làn gió xuân ấm áp đầu tiên thổi về khu vườn. Hương trầm nghi ngút, mọi ngọn đèn trong ngôi nhà được thắp sáng và không một thành viên nào trong gia đình ngủ lúc đó kể cả một cô bé cậu bé mới sinh được ít ngày cũng được đánh thức dậy để chào đón giây phút đầu tiên của năm mới. Mâm cơm cúng tổ tiên từ tối được bưng xuống giữa nhà cho con cháu quây quần bên nhau hưởng lộc của trời đất tổ tiên.

Cho dù thức muộn, buổi sáng mồng 1 Tết, các gia đình đều tập trung ở nhà thờ họ. Họ dâng lễ lên tổ tiên, báo cáo về công việc của gia đình mình trong một năm, biểu dương những gia đình và những cá nhân tiêu biểu trong năm vì thành tích trong làm ăn kinh tế, giáo dục con cháu, gắn kết cộng đồng, trong học hành và tu dưỡng đạo đức, bàn những việc của dòng họ trong năm mới. Sau đó, một đoàn đại diện đi thăm những người già trong dòng họ. Đến trưa, đoàn sẽ chọn một gia đình tiêu biểu nhất trong năm của dòng họ để ở lại cùng nhau ăn Tết mừng xuân mới. Phong tục này của các dòng họ ở làng tôi như họ Nguyễn, họ Lê, họ Ngô, họ Cao, họ Đinh... vẫn được gìn giữ.

Bây giờ nhiều điều đã khác xưa. Sự náo nức chuẩn bị Tết cũng không còn như trước. Phần vì điều kiện sống đầy đủ hơn, phần vì con người đã tự đánh mất đi sự thiêng liêng của những ngày Tết. Đó là sự thiêng liêng của đoàn tụ, của chia sẻ, của tha thứ và của những hy vọng cho đời người. Bây giờ tôi vẫn về quê ăn Tết. Hồn tôi vẫn ngóng trông trong ngày cuối năm từ phía hai con đường. Một con đường cho những người xa quê và một con đường cho những người thân yêu đã khuất trở về nhà. Và tôi cứ tin rằng: nếu ai đó không còn nhớ được hai con đường đó thì nghĩa là họ không thể nào tìm thấy con đường cho cuộc đời họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top