Aa

Khích lệ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế

Thứ Tư, 28/03/2018 - 06:00

Đánh giá về tác động của “Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ và định hướng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thị trường bất động sản năm 2018 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng và phát triển ổn định. Tuy nhiên, mức độ rủi ro ở lĩnh vực này đang ngày một tăng dựa vào những thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2017, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là 471.022 tỷ đồng (hơn 21 tỷ USD).  Trong đó, 3 lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất là cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng, cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng. cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu 

Năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng cao và chiếm khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 12,3%), cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở là chủ yếu, chiếm 52,9% (năm 2016 là 49,5%).

Tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%).

TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước gần đây liên tục có các văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt dòng vốn vào kinh doanh bất động sản là hành động rất hợp lý và kịp thời, làm giảm rủi ro về thanh khoản, hạn chế nợ xấu.

Ông Hiếu phân tích: “Rủi ro của nó là khi thị trường đi vào suy thoái, dư nợ bất động sản dễ dàng trở thành nợ xấu vì dư nợ lớn nên khi thị trường bất động sản suy thoái, giá của bất động sản giảm xuống, làm giảm giá trị của tài sản bảo đảm và tài sản thế chấp. Và khi thị trường bất động sản suy giảm cũng kéo theo sự suy giảm của các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Do đó khả năng trả nợ của khách hàng vay bất động sản sẽ suy giảm. Việc Ngân hàng Nhà nước tìm cách siết chặt lại dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản là rất hợp lý”.

Để ứng phó với những biến động về vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyên các doanh nghiệp nên thận trọng, tính toán kỹ lưỡng mọi bước đi, tránh những động thái phản ứng theo thị trường. Ông chia sẻ: “Các nhà kinh doanh nên có một phương án để hiểu được dòng vốn vào và ra, rủi ro khi thiếu vốn, dư vốn. Với các nhà kinh doanh bất động sản, vốn đổ vào quá ít cũng nguy hiểm như tình trạng vốn đổ vào quá nhiều. Những nhà kinh doanh bất động sản rất mạo hiểm, thấy có cơ hội trên thị trường là họ nhao vào để kiếm lời. Tình trạng đó đã diễn ra trong quá khứ những năm trước, tạo nguồn cung quá lớn cho thị trường, dẫn đến bong bóng và suy thoái”.

Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, kinh doanh bất động sản tiếp tục là ngành có tốc độ gia tăng doanh nghiệp nhanh nhất và có số vốn lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực. Bình quân, mỗi ngày có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời với số vốn đăng ký trung bình là 77 tỷ đồng. Sự bùng nổ của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, "Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kết hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức phát động từ tháng 12/2017 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp hoặc dự án, công trình tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển nhanh, bền vững và minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập…

Đánh giá về Giải thưởng, TS. Nguyễn Trí Hiếu hy vọng đây sẽ sân chơi thực sự khách quan và chuyên nghiệp để khích lệ các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phát triển theo những tiêu chí đề ra, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

8 hạng mục của "Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018" được đưa ra để các doanh nghiệp bất động sản “tranh tài” là: Nhà đầu tư phát triển bất động sản uy tín nhất; Dự án khu đô thị tốt nhất; Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất; Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất; Dự án khu nhà ở đáng sống nhất; Dự án Công trình Xanh tốt nhất; Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất.

Theo đó, thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương… Hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn ra các đơn vị/dự án tiêu biểu nhất để trao các giải thưởng cụ thể. Trong mỗi hạng mục, Hội đồng Giám khảo sẽ xét trao tối đa 3 giải chính thức (Top 3) và các giải khuyến khích. Đồng thời, trên cơ sở các giải thưởng đã được bình chọn, Hội đồng có thể xét trao tặng danh hiệu TOP TEN thương hiệu Bất động sản Việt Nam cho 10 thương hiệu tiêu biểu nhất.

Dự kiến, Lễ trao “Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) vào trung tuần tháng 4 năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top