Aa

Bất chấp hàng loạt dự án "nằm im", lượng giao dịch BĐS vẫn tăng mạnh

Thứ Sáu, 16/06/2017 - 06:00

Thời gian gần đây, thị trường BĐS Việt Nam đã ghi nhận mức tăng mạnh mẽ số lượng các giao dịch BĐS, bất chấp bối cảnh hàng trăm hecta đất rơi vào tình trạng “có đất mà không được sử dụng” hay hàng loạt dự án “nằm đắp chiếu”.

 

Theo thống kê của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng, trong tháng 5/2017, tại Hà Nội đã có 1.200 giao dịch mua bán BĐS thành công, tăng 14% so với tháng trước, trong khi đó, tại TP.HCM, con số này là 1.300 giao dịch, tăng 12%. Hầu hết các giao dịch được hoàn thành trong tháng 5 đều tập trung vào thị trường nhà ở với phân khúc tầm trung và cao cấp.

Mức tăng nhanh chóng này đã giúp tổng số giao dịch thành công của Hà Nội từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5 đạt 5.400 giao dịch, và TP.HCM là 5.870 giao dịch.

Tại Hà Nội, khu vực Tây Nam của thành phố là nơi diễn ra hoạt động giao dịch sôi động nhất, đặc biệt là tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai và Hà Đông. Các dự án ghi nhận số lượng giao dịch thành công nhiều nhất gồm The Golden Palm, Gelexia Riverside, và Gemek Premium... 

Còn tại TP.HCM, Quận 1 và Quận 10 là hai thị trường đã đạt được mức doanh thu cao nhất với đa số các dự án cao cấp. Tại Quận 2 thì các dự án nhà ở thấp tầng lại thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của khách hàng.

Dự án Spring Hill City giờ đây trở thành nơi chăn thả gia súc, lối vào các khu biệt thự, cỏ hoang phủ kín đường đi (Ảnh: Tiền Phong)

Dự án Spring Hill City giờ đây trở thành nơi chăn thả gia súc, lối vào các khu biệt thự, cỏ hoang phủ kín đường đi (Ảnh: Tiền Phong)

Tuy nhiên, trái ngược với những chỉ số giao dịch khả quan, nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một thực trạng đó là hàng trăm héc ta đất rơi vào tình trạng “có đất mà không được sử dụng” hay hàng loạt dự án chậm tiến độ, thậm chí “nằm đắp chiếu”. Trong đó, Hà Nội được coi là thành phố có số dự án đình trệ lớn nhất cả nước.

Chỉ tính riêng ở huyện Mê Linh, một huyện ngoại thành thuộc Thủ đô Hà Nội, có khoảng 47 dự án nhà ở và phát triển khu đô thị mới với diện tích lên tới 1.800 héc ta đất, đã được cấp phép thực hiện. Tuy nhiên sau gần 10 năm đi vào thi công, rất nhiều trong số 47 dự án này mới chỉ hoàn thành được một nửa.

Lấy ví dụ một dự án nằm cách trụ sở cơ quan quản lý của huyện không xa, đó là dự án khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2. Được khởi công khoảng gần 10 năm trước đây, nhưng hiện nay, những gì mà người ta nhìn thấy ở dự án này chỉ là những khu nhà dành cho ban quản lý dự án cùng một số con đường chưa hoàn thành, ngổn ngang gạch đá.

Cách “khu đô thị mới” này không xa, dự án Spring Hill City cũng đang “nằm đắp chiếu”. Dù đã được đầu tư hạ tầng nhưng hiện nay, khu đất vốn sẽ được dùng để xây những tòa nhà cao tầng lại trở thành nơi chăn thả gia súc của những hộ dân quanh đó, lối vào các khu biệt thự bị cỏ hoang phủ kín. 

Không riêng gì Mê Linh, rất nhiều dự án ở các quận, huyện khác của Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng hay Thạch Thất, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch thuộc huyện Hoài Đức, nhiều năm qua nằm im lìm, cỏ dại mọc um tùm, thưa thớt người qua lại. Chẳng thế mà người ta gọi khu vực này là “khu đô thị ma”.

Khung cảnh hoang tàn của “khu độ thị ma” Kim Chungp/- Di Trạch

Khung cảnh hoang tàn của “khu độ thị ma” Kim Chung - Di Trạch

Trước thực trạng đáng buồn trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng cú sốc từ "bong bóng" BĐS từ vài năm trước cũng như những khó khăn trong huy động vốn và giải phóng mặt bằng, bất cập về cơ sở hạ tầng xung quanh dự án... là những nguyên nhân chính dẫn đến việc các dự án rơi vào đình trệ.

Một số dự án nhà ở, biệt thự tuy đã hoàn thành nhưng vẫn chưa có đủ hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường xá, trường học, bệnh viện khiến khách hàng không thể chuyển đến ở. Trong khi đó, một số dự án khác, tuy  đã có cơ sở vật chất đầy đủ nhưng lại thiếu vắng đi những trung tâm giải trí, khu vui chơi, khu mua sắm... 

Giải thích cho vấn đề này, đại diện Công ty BĐS Hải Phát lại đưa ra một lý do khác đó là có những khách hàng mua biệt thự, nhà ở nhưng thực chất đó chỉ là nhà ở thứ hai của họ, họ chỉ đến đó vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, hay có một số người, họ mua với mục đích đợi giá lên cao và bán đi kiếm lời. 

Nhưng dù là bất cứ lý do nào, thì thực tế không thể phủ nhận là những dự án "bỏ hoang" này vẫn là nhức nhối không chỉ của các chủ đầu tư dự án hay chính quyền địa phương mà còn là "nỗi ám ảnh" của toàn thị trường địa ốc Việt. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top