Aa

Không dùng tiền mặt mua bán BĐS: Bớt cửa hoạt động của "mafia" rửa tiền

Thứ Hai, 09/01/2017 - 06:00

Kiểm soát được dòng tiền trong giao dịch BĐS cũng có nghĩa giảm bớt cơ hội hoạt động của các lực lượng “mafia” - những thành phần này hiện nay vẫn đang dùng tiền ảo gây nhiễu sóng trên thị trường BĐS.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

"Giao dịch mua bán BĐS và các tài sản có giá trị như là ô tô, xe máy, tàu thuyền... sẽ không dùng tiền mặt trong thanh toán" - đó là một trong những nội dung, giải pháp được đề cập trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ, phấn đấu đến năm 2020 toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt và khối lượng giao dịch đạt 200 triệu giao dịch/năm.

Đề án yêu cầu nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích thanh toán điện tử trong việc: thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.

 

Khi thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ giúp cho thị trường minh bạch, hạn chế nhiều rủi ro trong mua bán nhà đất (ảnh minh họa)

Khi thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ giúp cho thị trường minh bạch, hạn chế nhiều rủi ro trong mua bán nhà đất (ảnh minh họa)

Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cụ thể, hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Nội dung Đề án cũng chỉ rõ việc xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán; ban hành quy định giao dịch mua bán BĐS và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền,…) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Không thanh toán tiền mặt trong giao dịch BĐS là quy định tiến bộ

Liên quan đến lĩnh vực BĐS, khi đề án được công bố, giới kinh doanh BĐS cho rằng, trước mắt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp loại bỏ các dạng rửa tiền trên thị trường BĐS. Nhưng quy định của đề án sẽ tác động không nhỏ đến giao dịch và sức mua nhà đất do tâm lý e ngại chuyển tiền qua ngân hàng của nhiều người dân. Do vậy người mua nhà sẽ tìm những phương thức chuyển đổi thích hợp. Mặt khác, đề xuất mua bán BĐS phải giao dịch qua ngân hàng sẽ khiến người mua nhà mất thêm khoản phí giao dịch do ngân hàng quy định còn doanh nghiệp phải đợi 2 - 3 ngày mới nhận được tiền. Điều này có lợi cho ngân hàng nhưng lại gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Đem thắc mắc của doanh nghiệp chia sẻ với chuyên gia kinh tế, ông Lê Đăng Doanh khẳng định với Reatimes rằng, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã đưa ra những quy định tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới. Khi các giao dịch kinh tế trong đó có giao dịch BĐS được thanh toán bằng tài khoản ngân hàng thì Nhà nước sẽ kiểm tra được nguồn gốc của nguồn tiền này.

Bằng cách đó mà Chính phủ có thể thực hiện việc giám sát hiệu quả nguồn thu bất chính và nguồn thu tham nhũng trong xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc thanh lọc để thị trường BĐS lành mạnh hơn. Kiểm soát được nguồn tiền cũng có nghĩa giảm bớt cửa hoạt động của lực lượng “Mafia”. Những thành phần này hiện nay vẫn đang dùng tiền ảo gây nhiễu sóng trên thị trường BĐS. Khi thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ giúp cho thị trường minh bạch, hạn chế nhiều rủi ro trong mua bán nhà đất. Việc thực hiện giao dịch BĐS phi tiền mặt theo đó sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế cũng như thị trường BĐS.

Không chỉ ông Doanh, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng quan điểm rằng, đề án đưa ra những quy định tiến bộ cho nền kinh tế. Giao dịch BĐS thuộc loại giao dịch lớn, liên quan đến pháp lý. Do đó, khi thanh toán qua ngân hàng sẽ đảm bảo tính an toàn cho cả người bán và người mua.

 

Giải đáp việc doanh nghiệp BĐS băn khoăn về mức phí chi trả khi thực hiện giao dịch BĐS qua ngân hàng, ông Doanh cho rằng, mức phí này không đáng ngại vì Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quy định thích hợp để làm rõ những khúc mắc của doanh nghiệp. Trên thực tế, quy định giao dịch phi tiền mặt đã được nhiều nước phát triển trên thế giới thực hiện. Thứ nữa, trong đề án cũng có phần nội dung về việc Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề án quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top