Aa

"Không gian dù chỉ 50m2 hay rộng hơn đều cần thông minh, chất lượng"

Thứ Tư, 27/05/2020 - 06:00

Đó là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi nhìn nhận về quá trình thay đổi của nhu cầu sống và chốn an cư với mỗi con người, đặc biệt là các cư dân đô thị.

Chốn an cư không còn là... một “cái hang” chỉ để chui ra, chui vào

Tại Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức với số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại” diễn ra sáng nay 26/5, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, chúng ta trải qua 3 thời kỳ phát triển về nhu cầu của con người. Thời kỳ thứ nhất là kiếm được cái gì để ăn, để che thân. Bước sang giai đoạn thứ hai là làm thế nào để ăn đủ no, mặc đủ ấm. Thời kỳ thứ ba là một cuộc cách mạng về nhu cầu sống.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đô thị hiện đại trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh.

“Chung cư hiện nay không phải là một "cái hang" chỉ để… chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ở đơn thuần sau khi người dân đi làm về thì nay, chung cư phải là nơi sống có chất lượng.

Kiến trúc không gian hiện nay dù chỉ 50m2, 100m2 hay rộng hơn đều cần thông minh và có sự giao lưu đáp ứng chất lượng sống cao nhất của người dân. Đó sẽ là nơi phải có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình”, nhà văn nói.

Đồng quan điểm, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: “Ngay cả người nghèo, khi chưa có ngôi nhà họ đã nghĩ đến kiến trúc. Chúng ta mới hình dung xây dựng một không gian sống đáp ứng nhu cầu của con người nhưng nhu cầu đích thực của mọi người là gì thì chưa rõ. Việc xây dựng không gian sống đáp ứng nhu cầu như thế nào là câu chuyện cực kỳ khó. Đầy đủ các tiện ích nhưng không đáp ứng được các yếu tố văn hoá, tinh thần thì cũng không thoả mãn người dân.”

Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Thành Phong.

Do đó, theo nhà thơ Nguyễn Thành Phong, cần phải có nhiều hơn những giải pháp để ngày càng tiệm cận sâu hơn đến tinh thần kiến trúc không gian sống của người Việt với những phương án tiến bộ, áp dụng kiến trúc thiết kế của nhân loại để tạo ra không gian ưu việt cho người Việt.

“Chúng ta phải “chui ra khỏi hang”, chúng ta phải chủ động trong không gian sống, tìm ra nguồn cảm hứng kết nối với cộng đồng”, nhà thơ Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Phân định rõ nhu cầu sống để hình thành những chốn an cư chất lượng

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, nhu cầu sống của người dân hiện được phân định thành 5 loại. Đó là nhu cầu có nhà ở, nhu cầu nhà ở đảm bảo sinh hoạt đủ tiện ích, nhu cầu nhà ở phải có tiện ích dịch vụ - xã hội, nhu cầu nhà ở tiện ích dịch vụ - xã hội chất lượng và nhu cầu nhà ở đẳng cấp, khác biệt.

“Chúng tôi liên kết 5 nhóm nhu cầu này theo những dạng phân khúc nhà ở hiện nay với 3 nhóm: Bình dân, trung cấp, cao cấp và siêu cao cấp.

Bộ Xây dựng đã có Thông tư 31 về phân hạng chung cư, đề ra 20 nhóm tiêu chí để phân hạng nhà chung cư, chia thành 4 nhóm trong đó có: Nhóm tiêu chí về quy hoạch – kiến trúc, nhóm tiêu chí về hệ thống thiết bị - kỹ thuật, nhóm tiêu chí về dịch vụ - hạ tầng xã hội, nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý vận hành. Từ đó phân 3 hạng A, B, C (theo Thông tư 31/2016/TTBXD). 

Nếu hạng A, ít nhất phải có 18/20 tiêu chí đáp ứng về tiêu chí phân hạng trong đó quan tâm nhất là quy hoạch, yếu tố hạ tầng xã hội, kiến trúc, tỷ lệ cây xanh, mặt nước… Đó là những tiêu chuẩn bắt buộc đơn vị phát triển dự án phải tuân theo và đó cũng là những yếu tố khách hàng rất quan tâm để lựa chọn khi tìm hiểu các dự án để mua”, ông Đính cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Theo vị chuyên gia, các sản phẩm siêu cao cấp tại Việt Nam đang được đón nhận và các sản phẩm có không gian sống xanh được ưu tiên lựa chọn.

“Năm 2019, nhiều sản phẩm cao cấp đã xuất hiện với mức giá giật mình đối với Việt Nam, như tại TP.HCM, một dự án với 200 căn hộ ở mức giá khoảng 300 triệu/m2/căn, nhưng chủ đầu tư vẫn bán thành công và từ mở bán, hết hàng chỉ trong hơn 1 tháng. Từ đó có thể thấy nhu cầu về sự đẳng cấp, công trình có chất lượng siêu cao cấp tại Việt Nam đang tăng dần. Trước đây, có thể những loại hình sản phẩm này rất khó đưa ra thị trường để tiếp cận. Nhưng nay thì đã khác, điều này thể hiện rằng chúng ta bắt đầu có nhu cầu lớn hơn, cao cấp hơn”, ông Đính nói.

TS. KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú – Invest cho biết, yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Đối tượng sử dụng là ai. Chính là các cư dân. Họ sống chính ở trong các không gian sống tại các đô thị đó. Để kiến tạo không gian sống thật sự chất lương  cần có sự hỗ trợ của Nhà nước,  các doanh nghiệp và sự chung tay của cư dân.

Việc xác định cách thức triển khai các dự án, sản phẩm nhà ở trong giai đoạn hiện tại cũng rất quan trọng. Bởi “trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến một ngôi nhà để ở. Tiền sử ngôi nhà xưa chỉ là một viên đá, rồi từ đó xây dựng lên nơi để ở. Còn nay, nhu cầu ở dần dần phát triển thành nhu cầu ở một ngôi nhà lớn hơn, ở biệt thự cao cấp, ở resort, đó là nhu cầu của con người, của cư dân".

TS.KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest.

Do vậy, theo TS. KTS. Tô Như Toàn, các chủ đầu tư, nhà nghiên cứu, KTS cần đưa ra những cách thức để tạo được môi trường sống xung quanh tốt nhất ngoài mục đích làm sao để bán được nhà.

“Nếu làm được điều đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản nói chung và đặc biệt là việc kinh doanh loại hình nhà ở nói riêng sẽ phát triển bền vững hơn. Đó cũng chính là tư duy mà chúng tôi - những người gắn bó trực tiếp với cư dân, với người tiêu dùng - cho rằng bản thân doanh nghiệp  mình cần phải đáp ứng được. Hiểu được đây chính là tâm lý, mong muốn của khách hàng.

Với tâm lý nhà đầu tư, toà nhà là con đẻ của mình nên cần trân trọng, có sự quan tâm về thiết kế và quản lý cảnh quan các toà nhà.

Doanh nghiệp sẽ tạo lập được thương hiệu bền vững khi tạo ra một không gian sống chất lượng cho từng dự án của mình, cứ như vậy thì dự án sau khách hàng sẽ tìm đến. Ngoài ra, phong thuỷ cũng là yếu tố quan trọng trong các dự án. Tuy nhiên, không gian tâm linh mỗi vùng miền lại khác nhau nên cần có sự chọn lọc kiến trúc và ứng dụng khác nhau trong mỗi dự án”, TS.KTS. Tô Như Toàn nhấn mạnh.

"Với tâm lý nhà đầu tư, toà nhà là con đẻ của mình nên họ trân trọng, nếu có sự quản lý, chuyên môn rõ ràng về cảnh quan họ sẽ quan tâm hết sức tới các toà nhà".

Về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc xác định xu hướng sống mới của cư dân, nhu cầu về nhà ở của người dân có thay đổi không, thay đổi thế nào, làm sao nhận điện đủ và đúng để từ đó đưa ra chiến lược phù hợp nhất cho người ở, người sử dụng đã làm đau đầu không ít các nhà quản trị, nhà đầu tư.

“Chúng tôi cũng có cơ hội được tiếp cận nhiều dự án, một số sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín như Văn Phú - Invets có thể đảm bảo tính chất lượng ở phân khúc trung cấp trở lên nhưng giá bán lại chỉ ở mức khoảng 24 triệu đồng/m2. Tôi rất bất ngờ với mức giá này vì theo tôi mức giá này lại thuộc phân khúc bình dân. Một sản phẩm có giá đáp ứng nhóm dối tượng khách hàng ở mức bình dân nhưng chất lượng dự án với các tiêu chí đặt ra phải ở tầm hạng B trở lên. 

Giá bình dân nhưng chất lượng cao cấp được xem là một thành công của đơn vị phát triển bất động sản. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã hướng đến những lợi ích thiết thực nhất cho người tiêu dùng. Chúng ta có sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đô thị hiện đại lại phù hợp với thu nhập của người dân, tôi cho đó là một thành công của doanh nghiệp”.

Chia sẻ thêm về vai trò chủ đầu tư trong việc kiến tạo những không gian sống xanh, chất lượng, TS.KTS. Tô Như Toàn cho hay: “Chúng tôi đã nghiên cứu tâm sinh lý giới trẻ, để từ đó xây dựng các khu vực để đáp ứng nhu cầu đó. Người trẻ muốn ngày nghỉ giao lưu, gặp gỡ... bởi đó, tại các khu chung cư, chúng tôi đã tạo ra các không gian riêng, để họ tụ tập gặp gỡ và rồi cả không gian riêng để trẻ em vui chơi. Chủ đầu tư đã tự nguyện bỏ các chi phí ra để tạo lập nên các không gian riêng tư đáp ứng nhu cầu này của người trẻ hiện đại.

Những đầu tư đó không phải là lãng phí, theo tôi nghĩ, đó là một cách để nâng cao chất lượng sống cho cư dân cũng như là cách xây dựng thương hiệu cho tương lai, xây dựng yếu tố bền vững, thân thiện với thiên nhiên, môi trường”.

Cũng theo ông Toàn, khi nghiên cứu về không gian sống trong đô thị hiện đại buộc phải nghiên cứu về nhu cầu con người và phải nghiên cứu rất kỹ yếu tố con người. Đó là nền tảng để tạo nên những không gian sống chất lượng và bền vững nhất. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top