Aa

Không hỗ trợ cho bất động sản, nền kinh tế có thể tê liệt

Thứ Hai, 30/03/2020 - 06:10

Giới chuyên gia cho rằng, nếu giữ quan điểm không hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, kịch bản 2011-2013 sẽ lặp lại với mức độ kép thiệt hại nặng nề hơn.

“Khi bất động sản tăng trưởng trở lại sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế”

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản đang bước vào một kịch bản chạm ngưỡng “đóng băng” khi các doanh nghiệp địa ốc khó chồng khó. Vốn là ngành kinh tế có giá trị vốn hóa, đảm đương vai trò trong kiến tạo cơ sở hạ tầng và làm thay đổi bộ mặt của xã hội, bất động sản đang thực sự rơi vào tình trạng khó khăn khi các dự án bị đình trệ, ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và dịch vụ liên quan bị tê liệt, nhân công cắt giảm. Bất động sản cũng là lĩnh vực có đóng góp không hề nhỏ trong GDP.

Sự can thiệp của Chính phủ được đánh giá hết sức cần thiết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua cơn bão khó khăn, tạo đà bật cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, thị trường bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành, nghề khác phát triển, tác động tích cực đến nền kinh tế. Đó là chưa kể tiền thuế thu được từ doanh nghiệp, từ chuyển nhượng bất động sản… chắc chắn sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu không được hỗ trợ, thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng…

"Khi thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến thân thiện, an toàn. Cùng với chi phí sinh hoạt thấp, điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn du khách và người nước ngoài đến sinh sống, kéo theo nhu cầu về nhà ở. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực cũng sẽ dành lợi thế cho Việt Nam. Tâm lý muốn “sở hữu nhà ở” của người Việt; giá bán nhà cạnh tranh so với các nước trong khu vực; thủ tục cấp sổ đỏ cho người nước ngoài được nới lỏng... là những yếu tố giúp bất động sản nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến hành động “giải cứu” lĩnh vực bất động sản, một số quan điểm cho rằng, bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất nên không cần hỗ trợ. Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia bất động sản, “nếu nói bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất là điều hoàn toàn không đúng”.

Vị chuyên gia bất động sản này lý giải: “Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam từng đưa ra nghiên cứu, nhận định, 1 đồng vốn vào bất động sản sẽ tạo ra 3 đồng vốn trong lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ, vật liệu, tạo ra công ăn việc làm…”. Dẫn luận này cho thấy, bản chất, bất động sản vẫn là ngành tạo ra giá trị rất cao.

Thị trường bất động sản đang được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19.

Về vấn đề cứu trợ cho doanh nghiệp bất động sản, TS. Hiển nhấn mạnh: “Nói không hỗ trợ lĩnh vực bất động sản là không được. Bởi đây là lĩnh vực có liên quan mật thiết đến hệ thống ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản phải được quan tâm. Bất động sản và ngân hàng là 2 lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhau. Nguồn vốn vay cho các dự án bất động sản nằm phần lớn tại các ngân hàng. Nếu bất động sản sụp đổ thì hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng đổ vỡ khi nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực bất động sản trở thành nợ xấu. Theo dây chuyền, khi hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì nền kinh tế sẽ bị tê liệt”.

Một kịch bản khủng hoảng sẽ lặp lại với thiệt hại kép

Kịch bản đóng băng của thị trường bất động sản có thể xảy ra do tác động của dịch Covid-19 đã khiến ám ảnh về cuộc khủng hoảng chạm đáy của thị trường bất động sản năm 2011 - 2013 xuất hiện. Sự đổ vỡ domino của thị trường bất động sản đã kéo theo sự tê liệt của nền kinh tế trong giai đoạn cách đây gần một thập kỷ. Kịch bản hoàn toàn có thể lặp lại ở thời điểm hiện nay với thị trường bất động sản khi bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước và toàn cầu đang bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, gần đây, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều yếu tố không thuận lợi, đặc biệt là dịch Covid-19 lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. 

"Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ tổ chức sự kiện quan trọng trong hoạt động kinh doanh như khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án… Khách hàng cũng không đến các sàn giao dịch bất động sản nữa. Với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh thì tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (chiếm đa số hiện nay), nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Nam phân tích.

TS. Đinh Thế Hiển

Theo TS. Đinh Thế Hiển, những khoản nợ xấu của lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng giai đoạn khủng hoảng trước vẫn còn di chứng đến thời điểm hiện tại. Di chứng tồn đọng này cho thấy cần phải giải quyết, hỗ trợ lĩnh vực bất động sản theo hướng tích cực. Bởi nếu không có giải pháp đưa ra ở thời điểm hiện tại, thiếu quan tâm doanh nghiệp bất động sản như giãn nợ… thì khoản vay sẽ chuyển nhanh thành nợ xấu. “Cục máu đông” đó sẽ kéo theo sự khó khăn của các lĩnh vực liên quan và nền kinh tế cũng khó vượt qua.

Đồng quan điểm đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bất động sản phải được cứu trợ để tránh kết cục đóng băng của giai đoạn 2011 - 2012. “Sự đi xuống của bất động sản sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực. Nên hỗ trợ bất động sản không phải chỉ vì là "giải cứu" các doanh nghiệp trong ngành mà là cả hệ sinh thái đi kèm. Tất nhiên, cũng cần lưu ý kiểm soát việc hỗ trợ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và cả sự phát triển bền vững chung”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam cũng đặt ra lo ngại về sự lặp lại của cuộc khủng hoảng bất động sản 2011 - 2013 nếu như không có sự can thiệp kịp thời. Ông Nam cho rằng, ở giai đoạn khủng hoảng trước, hàng hóa nhiều nhưng không bán được. Hiện tại thì ngược lại, nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế. Hơn nữa, thời kỳ khủng hoảng vừa qua cũng đã góp phần sàng lọc thị trường. Các chủ đầu tư yếu kém cùng cách thức làm ăn chụp giật gần như không còn tồn tại. Đến nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã hướng tới môi trường hoạt động chuyên nghiệp, lâu dài.

Ông Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cũng phải đề phòng trường hợp này bởi trong hoàn cảnh “khó khăn chồng khó khăn” hiện nay, nếu không được hỗ trợ về cơ chế chính sách, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng, cơ bản là do giảm sút nguồn cung mới”.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản để tránh hiệu ứng domino cho nền kinh tế

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Gần đây, nhiều mặt bằng thương mại đã bị khách thuê trả lại do nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không có khách hàng. Các căn hộ dịch vụ cho đối tượng là khách cư trú ngắn hạn, khách nước ngoài thuê để ở cũng bị trả lại do không còn khách du lịch, khách đi công tác...

Ảnh minh họa.

"Dịch bệnh tác động trực tiếp, làm giảm sút thu nhập của đại bộ phận nhân dân. Do đó người dân có xu hướng chỉ tập trung chi tiêu cho nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống và tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc đầu tư. Doanh nghiệp hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới. Trong khi họ đang phải chịu rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay. Tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động… Thế nên, không thể nói rằng các doanh nghiệp bất động sản làm nhà ở không khó khăn", Chủ tịch VNREA phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, với 1 dự án bất động sản, nếu thực hiện theo đúng quy trình thủ tục thì doanh nghiệp phải mất khoảng 5 năm. Thời gian bắt đầu triển khai xây dựng dự án đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần 1 năm nữa nên thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất như đề xuất trong dự thảo là rất ngắn. Bởi vậy, Hiệp hội cũng đã kiến nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng.

"Thị trường bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành, nghề khác phát triển, tác động tích cực đến nền kinh tế. Đó là chưa kể tiền thuế thu được từ doanh nghiệp, từ chuyển nhượng bất động sản… chắc chắn sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu không được hỗ trợ, thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng…", Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kiến nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top