Aa

“Không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0”

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Tư, 18/07/2018 - 20:31

Đó là khẳng định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc Gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi nói về câu chuyện công nghiệp 4.0 – nắm bắt đột phá cho sự phát triển của Việt Nam.

 PV: Cách mạng công nghiệp 4.0 là từ khóa xuất hiện ở khá nhiều nơi hiện nay và được coi như cơ hội đem đến những bước tiến nhảy vọt cho nhân loại. Ông nhận định gì về điều này?

Ông Ousmane Dione: Tôi xin phép bắt đầu về một công nghệ đã có mặt ở khắp mọi nơi, và dường như chúng ta không thể tách rời sự chú ý của mình khỏi nó. Tôi đang nói đến chiếc điện thoại thông minh.

Ngược dòng thời gian trở lại năm 1983, chúng ta chỉ có thể thực hiện cuộc gọi bằng chiếc Motorola DynaTAC 8000x, có chiều dài 33cm và trọng lượng 0,8kg. Giờ đây, chiếc iPhone6 chỉ nặng bằng khoảng 16% người anh em họ xa của nó từ 35 năm trước, nhưng lại có mức độ hữu ích lớn hơn gấp bội lần.

Sự hội tụ của nhiều công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tiêu dùng. Đôi khi sự thay đổi này diễn ra từ từ, nhưng nó cũng có thể mang tính đột phá và trở thành thách thức thực sự. Nếu chúng ta có thể dự đoán điều gì trong thời đại thay đổi công nghệ nhanh chóng theo cấp số nhân này thì đó là: sự phát triển đột phá sẽ còn tiếp diễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc Gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc Gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Trên thị trường lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị thay thế bằng công nghệ trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, trong những năm tới, các công nghệ đột phá sẽ mang đến cả những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam để tiếp bước trên con đường thành công này.

PV: Theo một thống kê, tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam là 54% và đến 40% dân số sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Theo ông, đây có phải là lợi thế để Việt Nam bước vào cuộc chơi mang tên 4.0?

Ông Ousmane Dione: Liệu Việt Nam đã sẵn sàng trước công nghiệp 4.0 chưa. Tôi xin trao đổi nhanh về mức độ tiến bộ của Việt Nam dựa trên một số bảng xếp hạng quốc tế.

Về mặt áp dụng kỹ thuật số, Việt Nam có điểm mạnh nhưng cũng còn nhiều thách thức. Báo cáo Phát triển của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về Lợi ích số xếp hạng Chỉ số Áp dụng Kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 0,46 trên thang điểm 1. Mặc dù xếp cao hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên toàn cầu, chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực.

Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam là 54%, và có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy những con số này rất ấn tượng nhưng xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực theo các thước đo về kỹ thuật số khác dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Alphabeta.

Để tiến lên phía trước, hoặc thậm chí có bước tiến nhảy vọt, Việt Nam phải nâng cấp cách thức chính phủ vận hành. Có ba mối quan hệ với chính phủ mang ý nghĩa quan trọng, đó là giữa các cơ quan của chính phủ (G2G), giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), và giữa chính phủ với người dân (G2C). Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nếu chúng ta có thể nắm bắt công nghệ một cách chiến lược để đảo ngược những thách thức tiềm ẩn đối với các mối quan hệ này.

Nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0.

PV: Như vậy rõ ràng, không phải cứ chi thật nhiều tiền để đầu tư công nghệ là có thể tiến đến 4.0?

 Ông Ousmane Dione: Tôi tin rằng một công thức với ba yếu tố, tương tự như chiếc kiềng ba chân, có tầm quan trọng mật thiết với công nghiệp 4.0 để thực sự giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, đó là công nghệ, thể chế và con người.

PV: Để hình dung rõ hơn về tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến phát triển kinh tế, ông có thể đưa ra phân tích và ví dụ cụ thể?    

Ông Ousmane Dione: Trước hết, về công nghệ, Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp kỹ thuật số tích hợp.

Tôi xin lấy Estonia làm ví dụ. Quốc gia này đã khởi đầu như vậy khi bắt đầu hành trình kỹ thuật số của mình được gọi là e-Estonia. Kết quả đạt được là tăng GDP thêm 2%. Hệ thống này cho phép người dân Estonia thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 18 phút. Với hơn 99% các dịch vụ công thực hiện trực tuyến, Estonia tự hào tiết kiệm được 800 giờ làm việc mỗi năm nhờ có e-Estonia. Một hiệu quả phụ đáng khâm phục khác là số sinh viên theo học nghề công nghệ thông tin ở Estonia tăng gấp đôi, cao hơn mức trung bình ở các nước OECD khác.

Một yếu tố quan trọng khác là dữ liệu mở. Dữ liệu được công khai và kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và giữa chính phủ với doanh nghiệp và người dân sẽ cho phép chúng được sử dụng tối ưu để đem lại nhiều lợi ích to lớn trong tương lai.

Không quá khi nói rằng: Đất đai là nguồn lực của thời kỳ nông nghiệp; Sắt thép là nguồn lực của thời kỳ công nghiệp; Dữ liệu là nguồn lực của thời kỳ thông tin.

Sáng kiến thành phố thông minh cho thấy sự công khai dữ liệu ở mức độ lớn hơn có thể nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ trong việc tạo ra và duy trì cung cấp dịch vụ công. Tại Hà Nội, dữ liệu thời gian thực về giao thông công cộng và tình hình giao thông sẽ giúp tháo gỡ nhiều vấn đề đi lại làm đau đầu người dân. Dữ liệu mở cũng có ý nghĩa về kinh tế. Dữ liệu công khai tại EU đã tạo ra một thị trường về dữ liệu trị giá 55,3 tỷ Euro trong năm 2016, với mức tăng dự kiến là 37% trong giai đoạn 2016 - 2020.

PV: Như ông nói, muốn hòa vào cuộc chơi 4.0, cần phải có thế kiềng 3 chân là công nghệ - thể chế - con người. Vậy theo ông, thế chế 4.0 cần phải như thế nào?

Ông Ousmane Dione: Về thể chế, chính phủ cần đưa các thể chế vào hoạt động và tinh giản quy trình hoạt động của mình để tạo điều kiện đổi mới.

Tất cả các chức năng của điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác chỉ có thể hoạt động khi có nền tảng tổ chức và quy trình phù hợp. Các điều kiện này bao gồm khung tương tác số hoá, quy trình quản lý tài sản kỹ thuật số, và bảo vệ quyền riêng tư.

Cách đây không lâu, các thuê bao của Vinaphone, Mobifone và Viettel chỉ có thể kết nối với nhau với chi phí rất cao. Và đó chính là cách mà hiện nay các cơ quan chính phủ đang cùng nhau chia sẻ dữ liệu!

Một ví dụ điển hình là sự phân tán trong các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, trong đó cơ sở dữ liệu của các cơ quan và thậm chí trong một cơ quan chính phủ không thể kết nối được với nhau. Thách thức này đã được Chính phủ Việt Nam thừa nhận, và gần đây Chính phủ đã đề xuất xây dựng và kết nối 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Rào cản hiện nay chính là thiếu hệ thống mã số định danh quốc gia đủ mạnh và chúng tôi hoan nghênh những giải pháp gần đây của chính phủ để đẩy nhanh việc thực hiện cải cách mã số định danh quốc gia.

Nhận dạng và dữ liệu số cũng làm phát sinh những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của nhà nước và cá nhân. Các tổ chức có thể thực hiện bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu, thúc đẩy giao dịch điện tử và phân tích dữ liệu đối với hàng hóa công cộng sẽ là chìa khóa để Việt Nam thu được nhiều lợi ích nhất.

Các tổ chức hoặc quy trình thể chế không tạo ra và cũng không lường trước được những công nghệ có tính đột phá, nhưng chúng là công cụ hữu hiệu để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như giảm nhẹ những thách thức đến từ công nghệ đột phá.

Để công nghiệp 4.0 mang lại lại lợi ích cho Việt Nam, trước tiên chính phủ phải đảm bảo một môi trường quản lý thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Điều này bao gồm duy trì ổn định vĩ mô, tăng cường khả năng thích ứng, tính bền vững, tận dụng một cách hiệu quả những công nghệ cơ bản đã tồn tại từ Công nghiệp 3.0.

Tôi xin gói gọn trong 3 vấn đề: Thúc đẩy công nghệ (Technologies) để tận dụng đổi mới sáng tạo; Đưa vào hoạt động và củng cố nền tảng thể chế (Institutions); Đầu tư vào con người (People) của ngày hôm nay và tương lai.

Và cuối cùng, chúng ta có một câu nói tiếng Việt rất hay “hãy xắn tay áo và LÀM NGAY – “mần ngay”.

Rào cản từ con người

Về con người – Việt Nam phải đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động trong tương lai.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có vị thế rất tốt. Việt Nam đã đạt được kết quả tốt về giáo dục phổ thông, phản ánh qua những kết quả cao trong các đánh giá quốc tế như PISA và Young Lives, và có một thế hệ trẻ năng động, có thể nắm bắt và thích nghi với thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 7 về cải thiện chỉ số Bảo hiểm y tế toàn dân.

Nhưng dân số của Việt Nam đang già đi. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đạt mức cao nhất vào năm ngoái và hiện đang giảm xuống. Đến năm 2050, dự kiến cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người ở độ tuổi trên 65.

Một thách thức quan trọng đối với Việt Nam là chỉ có 8% lực lượng lao động có giáo dục đại học, và tỷ lệ này không đủ để thực hiện bước nhảy vọt trong Công nghiệp 4.0. Người lao động cần được trang bị đúng các kỹ năng cần thiết để vượt lên trên làn sóng công nghệ này.

Để tiếp tục đi trước và nắm bắt những dịch chuyển trong đổi mới sáng tạo, việc quảng bá hiểu biết về kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng, đến cả lực lượng lao động trong khu vực công hiện nay, để có thể đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật số mới phát sinh.

Trong nhiều trường hợp, để làm được điều này cần thay đổi về tư duy và bước ra khỏi lối mòn. Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và người dân để thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo và đổi mới của họ trong các dịch vụ công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho lực lượng lao động trong khu vực nhà nước để theo kịp tốc độ số. Cũng cần một khuôn khổ xã hội để đảm bảo những người mất việc vẫn có thể tồn tại và bước vào nền công nghiệp tương lai của cách mạng 4.0.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền công nghiệp 4.0. Nhãn mác “Sản xuất tại Việt Nam” phải nhanh được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa là Việt Nam không chỉ tạo ra lao động chi phí rẻ, mà cũng đầu tư vào công nghiệp của tương lai. Cũng rõ ràng rằng lợi ích lớn nhất từ công nghệ mới sẽ đến với những xã hội và công ty không khăng khăng tiếp tục xu hướng quá khứ mà có thể thích nghi và hướng công dân của mình tới những ngành công nghiệp đang lên, như rô bốt chẳng hạn.

 Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top