Aa

Khu vực Bắc sông Hồng: Rất có thể quy hoạch một đằng, xây dựng một nẻo

Thứ Năm, 28/12/2017 - 21:21

Lo ngại này được TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam đề cập tại Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc – quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng” ngày 27/12.

Theo định hướng quy hoạch chung đến năm 2030, khu vực Bắc Sông Hồng có quy mô dân số khoảng 1,7 triệu dân, được chia thành 4 khu vực gồm: Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh; Khu đô thị Đông Anh; Khu đô thị Đông Anh - Yên Viên; Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm. Riêng huyện Đông Anh hiện nay có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai, được chấp thuận chủ trương. 

Quá trình phát triển đô thị vẫn còn chậm

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Đông Anh là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đồng thời giữ vai trò thu hút dân cư và giảm áp lực dân số cho khu vực nội đô Hà Nội hiện hữu. Đông Anh hoàn toàn có thể phát triển thành một khu vực nội đô mới hiện đại, tạo cực hút mạnh mẽ của đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, ở thời điểm này, Đông Anh cấp thiết cần được vạch rõ một hướng đi, một chủ thuyết phát triển tối ưu, hiệu quả nhất cho mình.

Nhận định về sự phát triển của Đông Anh thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Đông Anh là một huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và TP phê duyệt, là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ Đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, trong những năm qua, việc định hướng, quy hoạch, phát triển huyện Đông Anh luôn là vấn đề được lãnh đạo các cấp quan tâm.

Đông Anh là khu vực được nhận định có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Đông Anh là khu vực được nhận định có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Theo Thứ trưởng, Đông Anh được hoạch định phát triển là khu vực nội đô mới với quỹ đất phát triển rộng rãi, địa hình thuận lợi. Trong đồ án quy hoạch giãn dân, Hà Nội dự kiến sẽ giảm từ 1,2 triệu người xuống còn 800 nghìn người trong nội đô và khu vực ngoại thành, trong đó huyện Đông Anh đóng vai trò quan trọng trong công tác giãn dân, tái định cư.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Hà Nội có các cây cầu bắc qua sông Hồng sang khu vực Đông Anh, Cầu Nhật Tân nối với sân Bay Nội bài và tới đây có thêm Cầu Tứ Liên. Sự kết nối Đông Anh – Hồ Tây – Khu vực trung tâm Hà Nội trở nên gần gũi, không còn xa lạ. Do vậy, việc giãn dân sang phía Đông Anh là hoàn toàn khả thi.

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, khu vực Bắc Sông Hồng bước đầu đã được kiểm soát bằng quy hoạch với một số dự án đang được triển khai. Ông dẫn chứng các dự án lớn ở khu vực này của các tập đoàn lớn, trong đó, không ít dự án dựa vào vốn FDI.

Tuy nhiên, TS. Liêm nhấn mạnh, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch mới có tính quyết định. Với việc quy tụ nhiều "đại gia" bất động sản đầu tư ở khu vực này, ông Liêm lưu ý vấn đề quy hoạch một đằng nhưng xây dựng một nẻo. Trên thực tế phát triển vừa qua đã cho thấy việc quy hoạch một đằng nhưng làm một nẻo tại không ít khu vực ở Hà Nội.

“Sự chênh lệch giữa quy hoạch và thực tế phát triển bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như quy hoạch không sát với nhu cầu hoặc các biến động bất ngờ của thị trường (ví dụ như khủng hoảng tài chính...) cũng như với biến đổi khí hậu, hay có thể là do tình trạng yếu kém của công tác quản lý nhà nước và sự thao túng của các nhóm lợi ích”, ông Liêm phân tích.

Nhìn nhận về quá trình phát triển đô thị tại huyện Đông Anh hiện nay, KTS. Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, quá trình phát triển đô thị vẫn diễn ra tương đối chậm. Ngoài một số tuyến giao thông chính đã hình thành, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch chung chưa được đầu tư xây dựng. Các dự án lớn hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được triển khai xây dựng…

Cần mở rộng cửa cho các nhà đầu tư

theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đông Anh muốn phát triển không chỉ công khai quy hoạch, công khai giá đất mà còn phải mở rộng cửa cho các nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đông Anh muốn phát triển không chỉ cần công khai quy hoạch, công khai giá đất mà còn phải mở rộng cửa cho các nhà đầu tư.

Theo KTS. Đỗ Thanh Tùng, trên cơ sở quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và các dự án đầu tư xây dựng đô thị tại phía Bắc Sông Hồng được duyệt cần đề xuất giải pháp tập trung đầu tư xây dựng “khung” giao thông và “khung”hạ tầng kỹ thuật, cùng với vấn đề thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài làm hạt nhân kích thích, lan tỏa sự phát triển khu vực. Cũng như đề xuất khai thác lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến giao thông đối ngoại, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng – nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định khu vực hai bên sông Hồng hiện nay phát triển đô thị thiếu kiểm soát, các đô thị mọc lên rất lộn xộn, dân cư nằm trong hành lang thoát lũ không an toàn, không đáp ứng vai trò trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Do đó, theo ông Quảng, về lâu dài không thể tồn tại trong thủ đô một tuyến dân cư đô thị phát triển gần như tự phát. Dự án quy hoạch cơ bản hai bên sông Hồng cần phải được điều chỉnh về không gian, sử dụng đất… Khu vực Tứ Liên kết nối không gian Hồ Tây với khu vực Cổ Loa cần phải giảm thiểu mật độ và tầng cao xây dựng để hình thành các công viên đô thị, hạn chế chất tải thêm dân số, tăng cường không gian xanh, công trình văn hóa... Ở các khu vực khác, ưu tiên quỹ đất tái định cư tại chỗ, kết hợp xây dựng các tổ hợp công trình công cộng và nhà ở đô thị.

Đặc biệt, ông Quảng nhấn mạnh cần nghiên cứu đề xuất giải quyết các vấn đề về trị thủy sông Hồng, đề xuất hành lang thoát lũ, cải tạo các tuyến đê, tổ chức không gian đô thị và phương án huy động nguồn lực đầu tư.

Trong khi đó, theo ông Phạm Sỹ Liêm, từ thực tế trong công tác quy hoạch đô thị tại Hà Nội thời gian qua, phát triển khu vực Bắc Sông Hồng cần quan tâm nhiều vấn đề trong công tác quản lý của Hà Nội.

"Khu đô thị mới cửa ngõ Bắc Sông Hồng sẽ góp phần tạo nên bộ mặt hiện đại của Thủ đô Hà Nội trong thế kỷ 21, vì vậy quá trình đô thị hóa phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu, và hàng năm cần được tổng kết đánh giá. Đây là trách nhiệm không dễ dàng của chính quyền thủ đô", ông Liêm nói. 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đông Anh muốn phát triển không chỉ cần công khai quy hoạch, công khai giá đất mà còn phải mở rộng cửa cho các nhà đầu tư. Singapore có cục quản lý đất đai và cục phụ trách công tác bán đất đai cho doanh nghiệp và người dân, có cơ chế đấu giá đất rõ ràng và hiệu quả. Đông Anh cũng cần tham khảo kinh nghiệm này.

Quỹ đất của Đông Anh hiện nay là quỹ đất vàng, là nguồn lực để xây dựng hạ tầng, nếu không có chiến lược và quản lý hiệu quả đất đai sẽ gây lãng phí lớn. Mọi thông tin về giá đất, dự án… cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đông Anh nếu không có một hoạch định và chiến lược phát triển tốt, nếu cấp đất manh mún, cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ để mất cơ hội phát triển cho Hà Nội trong nay mai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top