Aa

“Khủng hoảng" nước sạch sông Đà: Vì chưa định giá thương quyền?

Thứ Ba, 22/10/2019 - 06:56

Theo TS.Nguyễn Sĩ Dũng, cung cấp nước sạch là một trong những dịch vụ công hiện nay song lại đang bộc lộ nhiều bất cập và không loại trừ việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trước một thương quyền đầy béo bở.

Nước sạch: Miếng mồi ngon béo bở

Tại Tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công: Nhìn từ nước sông Đà, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, cung cấp nước sạch đang là một trong những dịch vụ công hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thị trường hóa của dịch vụ này đang gặp nhiều bất cập mà điển hình là “khủng hoảng nước sạch sông Đà”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: “Sự vụ của nước sạch sông Đà đang cho thấy phản ứng của Công ty nước sạch sông Đà với sức khỏe của người dân rất chậm. Có việc giấu giếm, thiếu đạo đức trong vấn đề cung cấp dịch vụ công hay không? Đó là câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho công ty cung cấp. Trong khi đó, chính quyền lại đang đi theo một nguyên tắc “im lặng là vàng”. Chính quyền tuân thủ nguyên tắc này khá kiên trì khi phản ứng chậm hơn”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng.

Ông cho rằng, dù nước sạch đang là một dịch vụ công do tư nhân đảm nhiệm song vai trò của chính quyền vẫn rất quan trọng, phải đảm bảo để không tạo ra những vi phạm trong quá trình cung cấp, đặc biệt là trách nhiệm với chất lượng của loại hàng hóa này.

Ông cũng đặt ra quan ngại rằng: “Liệu có câu chuyện cạnh tranh giữa các công ty với nhau bằng việc đổ dầu vào nước khi đây là một thị trường đầy béo bở? Bởi làm kinh doanh có một nguồn cầu ổn định thì đó là cơ hội vàng. Không thể loại bỏ trường hợp sự cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần? Đó là những vấn đề đặt ra rất nhiều dị nghị liên quan. Đó là chứng cứ mà ai cũng có thể dị nghị ở đây”.

Sự bất cập trong dịch vụ công của Việt Nam mà điển hình là vụ nước sạch sông Đà, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên nhân đến từ việc quá trình thực hiện đang xa rời so với các nguyên tắc. Ông nhấn mạnh, đối với các dịch vụ công, Nhà nước cần phải định giá được thương quyền của mình để đưa ra sự “mặc cả” hợp lý với doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo một mức giá phù hợp cho người tiêu dùng. “Cần phải có Luật Dịch vụ công, hình thành cơ quan đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để giám sát chất lượng” – ông nói.

Người dân khó khởi kiện

Trên góc độ về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia luật của Hội đồng khoa học Viện IPS phân tích, dù Việt Nam đã có hệ thống hành lang pháp lý chặt chẽ, song người dân vẫn đang phải chịu hậu quả từ nguồn nước bẩn sông Đà. Đáng tiếc, việc khởi kiện để giành quyền lợi là điều khó xảy ra.

Ông phân tích, hiện tại, hợp đồng của người tiêu dùng đang ký với đơn vị phân phối nước mà không phải đơn vị sản xuất nước là Công ty nước sạch sông Đà. Kịch bản có thể xảy ra, hình phạt đối với những người có hành vi đổ dầu vào nước sông Đà sẽ thực hiện.

“Còn trong trường hợp đối với người dân, cơ sở pháp lý để khởi kiện chỉ dựa trên luật hợp đồng dân sự, đây là căn cứ rất khó. Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng không cần có hợp đồng, miễn là tôi tiêu dùng cái gì có hại cho tôi là tôi có quyền kiện. Khung pháp lý thứ 3 là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chúng ta có thể quy trách nhiệm cho Nhà nước”.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại tọa đàm.

Tuy nhiên, luật sư Lập chỉ ra rằng: “Bất cập đang xảy ra đó là muốn khởi kiện vi phạm, phải tìm ra điều khoản trong hợp đồng thế nào? Có điều khoản nào là cắt nước? Có điều nào mùi khét? Thứ hai, có thiệt hại hay không? Thiệt hại bằng tiền đi mua nước nhưng anh cần chứng minh được tại sao phải mua nước. Nếu họ cho rằng tôi vẫn cung cấp mà anh lại từ chối dùng. Có nghĩa rằng, anh phải chứng minh nước đó không thể dùng được và đó là điều khó thực hiện. Còn thiệt hại về sức khỏe thì hiện tại cũng không chứng minh được”.

Trong khi đó, một bất cập khác của luật pháp Việt Nam đó là chưa cho phép quyền khiếu kiện tập thể, tức phải thông qua đơn vị, tổ chức như Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Song thực tế cho thấy, vai trò của những hội này vẫn còn đang “thờ ơ” với tôn chỉ, mục đích lập ra.

Luật sư Lập cho rằng, nếu trên góc độ về pháp luật, người dân không thể khởi kiện và đòi bồi thường nhưng có thể cùng nhau tẩy chay dùng nước sạch. Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, ông e ngại, một bất cập khác xảy ra, nếu không có nước sạch của Công ty sông Đà thì người dân lại phải đối mặt với tình trạng chờ đợi rất lâu một đơn vị cung cấp nước khác.

Để giải quyết vấn đề này, luật sư Lập nhấn mạnh sự cần thiết ra đời của một Luật Dịch vụ công cũng như vai trò của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top