Aa

Khuyến khích người dân tự lo tái định cư bằng tiền: Lợi cả đôi đường

Thứ Năm, 27/04/2017 - 12:20

Về chất lượng, nhiều khu nhà tái định cư (TĐC) đã là nỗi ám ảnh của hàng nghìn hộ dân.

Với vấn đề mưu sinh, rất nhiều hộ bị thu hồi đất băn khoăn nếu về nơi ở mới sẽ có nguy cơ thất nghiệp do không còn “bám” đất kinh doanh. Từ đây, kéo theo nhiều nút thắt về tiến độ các dự án trọng điểm và gánh nặng xây dựng nhà TĐC.

Giảm áp lực xây nhà tái định cư

Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án (trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm) với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí TĐC cho khoảng 19.000 hộ dân. Điều này đang đặt ra áp lực giải phóng mặt bằng (GPMB) không hề nhỏ. Và nếu khâu then chốt này còn “nhùng nhằng” thì nhiều dự án trọng điểm khó bảo đảm tiến độ.

Nhà tái định cư Khu đô thị Nam Trung Yên. Ảnh: Chiến Công

Nhà tái định cư Khu đô thị Nam Trung Yên. Ảnh: Chiến Công

Trước đây, đầu tư các dự án nhà TĐC thường do cơ quan nhà nước hoặc một số DN nhà nước thực hiện theo mô hình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình theo quy mô khu đô thị như Nam Trung Yên, Phú Diễn, Trần Phú…

Để đầu tư cho nhà TĐC, nhu cầu vốn đến năm 2020 của Hà Nội ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng. Con số này vượt ngưỡng ngân sách của TP nên tốc độ xây dựng quỹ nhà TĐC chậm vì không bố trí kịp vốn dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Cơ chế đặt hàng nhà ở thương mại để bán cho các hộ dân dù được ưu tiên theo hướng tăng chất lượng nhưng cũng chưa hiệu quả.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, dù theo hình thức đầu tư nào thì chất lượng các công trình TĐC hầu như vẫn kém, năng lực quản lý yếu, thời gian thực hiện kéo dài… vận hành quản lý sau đầu tư còn bất cập.

Nếu không bố trí xây dựng các khu TĐC thì người dân không chịu bàn giao mặt bằng do chưa có nơi ở mới. Thế nhưng khi đã hoàn thành xong, dân cũng lần lữa vì sợ chất lượng nhà, lo lên cao tầng không còn mặt bằng kinh doanh. Nghịch lý cũng từ đây mà xuất hiện, trong khi quỹ nhà TĐC cho nhiều hộ dân bị giải tỏa còn thiếu thì không ít khu TĐC xây dựng xong lại… bỏ hoang.

Thực tế, TP muốn bố trí và bán nhà TĐC cho người dân phải triển khai các quy trình đặt hàng, xây dựng nhà nên mất nhiều thời gian. Thậm chí, ngay với quỹ nhà TĐC do TP bố trí cũng có tình trạng người dân không bằng lòng. Do đó phương án hỗ trợ tiền để người dân tự lo nhà ở sẽ là “lối ra” đẩy nhanh tiến độ GPMB và giảm áp lực xây dựng nhà TĐC.

“Hướng đi này không chỉ tháo gỡ cho người dân mà còn cả chính quyền TP. Lợi cả đôi đường: dân đồng thuận hài lòng về nơi ở mới do chính họ được lựa chọn. TP “trút” được gánh nặng bài toán TĐC do không phải bỏ tiền đầu tư xây dựng, duy trì, duy tu hàng năm…

Nếu khu đất đó để xây nhà thương mại thay vì xây TĐC, nhà nước sẽ thu được tiền đất, khơi thông nguồn vốn, có kinh phí đầu tư các mục đích khác, bộ máy đỡ cồng kềnh. Trong công tác GPMB ở cơ sở, các quận cũng sẽ thuận lợi hơn do dân chịu hợp tác” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm đánh giá.

50% chưa phải là tất cả

Câu trả lời của tuyệt đại đa số người dân là có nhưng phải đảm bảo nguyên lý công bằng. Thực tế giải pháp hỗ trợ bằng tiền để dân tự lo nhà ở là nguyện vọng của nhiều hộ gia đình.

Trước đây, tại dự án Vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), gia đình anh Nguyễn Hữu Lợi thuộc diện phải di dời cũng tính đến lo chỗ ở mới, thay vì nhận nhà TĐC của TP. Bởi, cả gia đình chủ yếu sinh sống nhờ buôn bán, phải có mặt bằng rộng mới có thể duy trì được. Anh Lợi cho hay: “Nếu lên chung cư sẽ vất vả. Về lâu dài, còn khó khăn do không thể duy trì kinh doanh. Chính vì nguyên nhân này, tôi đã quyết dùng số tiền đền bù và khoản hỗ trợ tự lo nhà TĐC của TP mua đất mở cửa hàng”.

Theo nhiều người dân, nguồn sống chính của họ là cửa hàng đang kinh doanh. Bây giờ chờ lấy TĐC xong bán đi rồi mới mua địa điểm kinh doanh sẽ rất lâu. Cho nên, nếu giải quyết được phương án lấy tiền nhanh thì tỷ lệ đồng thuận sẽ rất cao.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội từng chia sẻ, tại dự án đường Vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) có hơn 40% hộ dân đồng tình với giải pháp nhận tiền để tự lo TĐC, do phù hợp với điều kiện sinh hoạt cũng như kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, chỉ có 5% đồng thuận nhận tiền, số còn lại, tuy đồng tình nhưng còn băn khoăn về mức giá hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Trần Đông Dực - Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy cho biết, phương án hỗ trợ bằng tiền để người dân lo nhà ở về tinh thần là tốt đẹp, nhất là trong điều kiện TP đang khó khăn về quỹ nhà TĐC. Mức giá hỗ trợ 6,8 triệu đồng/m2 mặt bằng chung cũng tương đối ổn.

Ở các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân khung giá này còn thấp, chưa đủ bù đắp với mức chênh lệch giá bất động sản ngoài thị trường. Tuy nhiên, với các quận ven như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm thì phù hợp, người dân đồng thuận ngay. Tại dự án Vành đai III (đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long) số lượng được TĐC rất ít, với khoảng 17 trường hợp đủ điều kiện.

Trong số này có gần 50% hộ dân tương ứng với 8/17 hộ đồng ý nhận tiền để tự lo TĐC theo Quyết định 47/QĐ-UBND của TP. Đối với 8 hộ gia đình có diện tích thu hồi nhỏ cỡ 40m2 theo chính sách được nhân đôi TĐC, mua căn hộ không quá 2 lần. Các trường hợp này nếu TĐC sẽ được bố trí căn hộ to nhất với diện tích 79m2. Lấy phần diện tích này nhân với mức hỗ trợ 6,8 triệu đồng/m2 thì các hộ dân đồng ý nhận tiền và trao trả mặt bằng cho dự án.

Thế nhưng, đối với 9 hộ còn lại, họ cho rẳng diện tích thu hồi của gia đình họ rất lớn (trên 90m2) mà chỉ đền bù một căn hộ TĐC 79m2 là không đảm bảo tính công bằng. Chính vì vậy, họ đều lựa chọn phương án nhận nhà để bán lấy tiền chênh lệch. “Theo quan điểm của liên ngành TP, nếu gấp đôi diện tích hai lần như thế thì ngân sách không “cõng” được.

Dù vậy, TP cần nhìn nhận ở góc độ thực tiễn hơn, để mọi hộ dân có sự công bằng như nhau. Không thể có câu chuyện người sở hữu diện tích 90m2 cũng chỉ được đền bù bằng người có diện tích 40m2. Chính sách tinh thần là tốt đẹp nhưng 50% hộ dân đồng thuận không phải là tất cả” - ông Trần Đông Dực đề xuất.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm lưu ý, Nhà nước có chính sách, nhưng thực hiện chính sách giao cho thị trường thực hiện, tức là việc cung ứng nhà thương mại. Còn Nhà nước có chính sách là Nhà nước đền tiền, ủng hộ người dân ra thị trường mua. Điều quan trọng là đền bù bằng cách nào cũng cần tương đương với giá thị trường, đảm bảo mọi người dân phải có quyền lợi công bằng.

Để tháo gỡ, Hà Nội khuyến khích dân lựa chọn phương án nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo TĐC theo phương thức tự nguyện. Mức hỗ trợ tự lo nhà ở 6,8 triệu đồng đối với các hộ dân bị thu hồi đất đủ điều kiện bố trí nhà TĐC về cơ bản là ổn. Tuy nhiên, không nên cào bằng tất thảy mọi trường hợp.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top