Aa

Kịch bản nào cho thương vụ 4/5 “miếng bánh" Vinaconex?

Thứ Năm, 01/11/2018 - 14:00

Không phải ngẫu nhiên hai nhà đầu tư lớn cùng lúc bán toàn bộ 4/5 vốn tại Tổng công ty Vinaconex với mức giá khởi điểm bằng nhau. Ngược lại, nếu chưa nhìn ra cơ hội lớn nào đó từ Vinaconex, chắc hẳn khó có nhà đầu tư nào chịu bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một doanh nghiệp mà nội lực kinh doanh đang yếu dần.

Ngày 22/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức 2 phiên đấu giá cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn cổ phần tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã cổ phiếu VCG). Theo hình thức đấu giá trọn lô, Viettel bán 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex. Mức giá khởi điểm 2.002,4 tỷ đồng, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Trong khi đó, SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 5.429.394.558.900 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần, bằng với giá mà Viettel rao bán.

Nhìn từ việc mở bán này, dễ nhận thấy đã có rất nhiều vấn đề được đặt lên bàn cân. Bởi không phải ngẫu nhiên hai nhà đầu tư lớn cùng lúc bán toàn bộ 4/5 vốn tại tổng công ty Vinaconex với mức giá khởi điểm bằng nhau. 

Vì sao cổ phiếu VCG không hấp dẫn cổ đông hồi cuối tháng 12/2017?

Trước đó, hồi cuối năm 2017, SCIC đã có lần chào bán cổ phần Vinaconex. Tuy nhiên, lần chào bán này thất bại và SCIC cũng không bán khi nhà đầu tư chỉ đăng ký mua một phần nhỏ cổ phần của Vinaconex. Thời điểm đó, các chỉ tiêu kinh doanh của Vinaconex đang đi xuống mạnh, trong khi giá chào mà SCIC đưa ra cao hơn giá thị trường 10%. Chưa kể, số lượng cổ phần SCIC chào bán khá "dở dang" vì SCIC chỉ chào bán 96.235.310 (tương đương 21,79% vốn điều lệ) tại VCG, tức một nửa số cổ phần tại Vinaconex mà tổ chức này đang nắm giữ. 

Trao đổi với báo chí về lần chào bán thất bại đó, lãnh đạo SCIC cho hay phiên đấu giá này đúng là không diễn ra như mong đợi. Cổ phiếu VCG không đủ hấp dẫn để "kéo" khối ngoại tham dự vào trong khi nhà đầu tư trong nước lại không đủ tiềm năng. Đại diện SCIC cũng cho biết sẽ phải tính phương án từ từ vì đợt này có quá nhiều doanh nghiệp thoái vốn, nên không thể đòi hỏi hấp thụ ngay hết được.

Thời điểm đấu giá có hợp lý?

Thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex là việc phải làm theo lộ trình đã được đặt ra. Nhưng chọn thời điểm nào để chào bán toàn bộ 4/5 cổ phần tại tổng công ty lớn chắc chắn phải được cân đo đong đếm kỹ lưỡng. Thực tế, giá cổ phiếu VCG đã giảm 15% so với thời điểm đầu năm 2018 và thời điểm SCIC chào bán Vinaconex lần một thất bại.

Với diễn biến kết quả kinh doanh của Vinaconex thời gian gần đây thì khả năng giá cổ phiếu VCG sẽ tiếp tục lao dốc là điều có thể nhìn thấy. Do đó, hai nhà đầu tư lớn chọn thời điểm nay để bán dứt điểm toàn bộ lô lớn cổ phần VCG theo giới phân tích là thời điểm hợp lý.

Ai sẽ là "cá kình"?

Rao bán là một chuyện, còn bán được hay không lại là chuyện khác. Điều thứ hai này phụ thuộc vào khách hàng. Để trúng thầu, những điều kiện cơ bản sẽ được đưa ra nhưng nhà đầu tư phải có cam kết có đủ nguồn vốn để thực hiện mua trọn lô cổ phiếu, phải thực hiện đặt cọc và phải "qua cửa" của hội đồng thẩm định. Nhà đầu tư cũng phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo điều kiện ban đầu mà SCIC và Viettel đưa ra đấu giá, nhà đầu tư phải mua toàn bộ lô cổ phiếu trong một lần. Có nghĩa là trong đợt chào bán này sẽ chỉ có một hoặc nhiều nhất là 2 nhà đầu tư trúng thầu.

Vinaconex đang quản lý nhiều đất vàng tại các thành phố lớn

Vinaconex đang quản lý nhiều đất vàng tại các thành phố lớn.

Nhà đầu tư có thể tham gia thầu đợt này phải có ít nhất hơn 2.002 tỷ đồng để mua 21,28% VCG từ Viettel hoặc nếu có tiềm lực tài chính sẽ có 1 nhà đầu tư chi 7.431 tỷ đồng mua đứt 4/5 cổ phần của Vinaconex.

Để có khoản tiền khủng dành mua vốn tại Vinaconex, ắt phải là “đại gia” tầm cỡ hoặc một doanh nghiệp lớn trong nước. Còn với việc áp dụng hình thức đấu giá cả lô, có thể thấy về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tham gia đấu giá lô 94 triệu cổ phần VCG của Viettel; còn lô 255 triệu cổ phần VCG của SCIC sẽ dành riêng cho nhà đầu tư trong nước.

Vinaconex có 7.864 cổ đông, gồm 53 tổ chức và 7.697 cá nhân trong nước; 31 tổ chức và 83 cá nhân nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Vinaconex đạt 10,78%, trong khi “room” ngoại ở tổng công ty này giới hạn ở mức 49%. Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể “lách” giới hạn sở hữu thông qua việc thành lập một công ty tại Việt Nam để đứng ra thâu tóm. Cách mà ThaiBev đã làm trong thương vụ thâm tóm Sabeco có thể là một gợi ý.

Vinaconex có gì hấp dẫn?

Vinaconex có 25 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2018, tổng tài sản Vinaconex đạt 20.170 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm 3.385 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn khách hàng gần 4.000 tỷ. Nợ vay của Vinaconex hiện chiếm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 25% cơ cấu nguồn vốn công ty. Hiện tại cả công ty mẹ Vinaconex và nhiều công ty con đang sản xuất kinh doanh chưa thật sự hiệu quả khi lợi nhuận liên tiếp sụt giảm và lỗ.

Nhưng, Vinaconex lại đang sở hữu và quản lý một quỹ đất vàng không hề nhỏ. Đây chính là giá trị của doanh nghiệp này và là điểm hấp dấn nhà đầu tư khi quỹ đất đẹp tại thành phố không còn nhiều?

Tổng quỹ đất Vinaconex quản lý là 3,2 triệu m2, trong đó đất được giao là 132 nghìn m2 và hơn 3 triệu m2 đất thuê. Diện tích đất được giao của Vinaconex chủ yếu là đất trường học và đất trụ sở tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Có thể kể đến như Tòa nhà văn phòng tại Đà Nẵng 380m2, trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ tại Hà Nội với tổng diện tích 24.000m2, trường kỹ thuật xây dựng Bỉm Sơn, Trường xây dựng Xuân Hòa tại Vĩnh Phúc,...

Tại Hà Nội, Vinaconex quản lý thêm 33.000m2 đất tại trạm bơm tăng áp và gần 500m2 trụ sở làm việc tại đất E10 quận Thanh Xuân. Tại Sóc Sơn, Vinaconex còn đang quản lý gần 8.500m2 đất tại trường đào tạo công nhân xã Phú Cường. 

Trong số hơn 3 triệu m2 đất thuê của Vinaconex, chủ yếu là đất dùng làm trụ sở văn phòng như trụ sở Tổng công ty số 34 Láng Hạ 2.700m2, văn phòng làm việc 47 Điện Biên Phủ (TP.HCM) 456m2, trung tâm thời trang – Khu đô thị THNC với gần 3.500m2 tại Hà Nội.

Ngoài ra Vinaconex còn quản lý gần 3 triệu m2 đất tại hai khu công nghiệp là Khu công nghiệp CNC1 tại Thạch Thất và Khu công nghiệp CNC2 tại Quốc Oai, Hà Nội và lô đất 2B Vinata tại đường Khuất Duy Tiến với tổng diện tích 4.000m2 hiện đang xây dựng chung cư Vinata để bán.

Như vậy, có lẽ sẽ là một nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng đấu thầu thành công đợt bán vốn VCG lần này.

Nội tại Vinaconex hiện như thế nào? Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top