Aa

Kiếm tìm giá trị cốt lõi trong kiến trúc nhà ở hiện đại

Thứ Hai, 10/02/2020 - 06:15

Những giá trị “nếp nhà”, cung cách ứng xử trong kiến trúc nhà ở truyền thống liệu có còn được lưu giữ trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại?

Đối với người Việt xưa, nhà ở không chỉ là thứ che mưa, che nắng, mà còn là biểu trưng của tinh thần gia tộc, là câu chuyện nếp sống, là đời sống nội tâm và là văn hóa ứng xử của những con người cùng máu mủ ruột thịt. Nhưng cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế, sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, kiến trúc nhà ở gắn liền với nếp nhà cũng đang dần có sự biến thiên, thay đổi lớn. Vậy giữa cái cũ và cái mới, không gian kiến trúc nhà ở cần có sự hài hòa và phát triển như thế nào để những nét đặc trưng trong văn hóa ở vẫn được tôn trọng và gìn giữ?

Nếp nhà: Giá trị cốt lõi trong kiến trúc nhà ở truyền thống

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, giữa không gian ở và nếp nhà của người Việt đã từng thể hiện những giá trị văn hóa về lối sống, về cách ứng xử giữa những con người trong gia đình với nhau, hoặc giữa các gia đình trong cộng đồng với nhau. 

Theo vị chuyên gia này, câu chuyện nhà ở, trên thực tế là câu chuyện ứng xử, thiên về phản ánh lối sống nhiều hơn là phục vụ sự sống. Theo đó, nhà ở không đơn thuần chỉ để ở mà còn phản chiếu nếp nghĩ, cách sống của chủ nhân, là nơi gắn kết tình cảm, là ký ức của mỗi người. Cũng vì thế mà việc xây cất nhà cửa – nơi trú ngụ của tiểu gia đình, đại gia đình luôn được người Việt xem là việc quan trọng, việc lớn của đời người, gia tộc. Nên luôn phải chọn ngày lành tháng tốt, hợp tuổi với người đứng ra chủ lễ; tránh làm các việc hệ lụy hay chọn nhầm ngày xấu; luôn cầu mong điềm lành cho từng công đoạn, kích thước, vật liệu, màu sắc… để xây cất.

Theo KTS Trương Văn Quảng, kiến trúc nhà ở của người Việt xưa luôn gắn với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng và gắn với vấn đề kinh tế xã hội của từng thời kỳ một, từ đó hình thành nên kiến trúc bản địa. Trong một ngôi nhà thường có vài ba thế hệ. Có nếp nhà trên, nếp nhà dưới, nhà trước, nhà sau. Bố mẹ, ông bà ở trước, con cái ở xung quanh quây quần. Những ngôi nhà truyền thống ở miền Bắc có thể chỉ lợp lá, vách đất; khá giả hơn thì làm nhà bằng gỗ xoan, mái lợp rạ; giàu có thì lợp ngói, nền gạch, tường gạch, xây dựng thành 3 gian, hai chái.

Xuất phát từ việc coi trọng ứng xử, kể cả ứng xử với không gian ngôi nhà, nên trong cách bài trí, cha ông đã phân chia thành “chính” và “phụ” khá rõ rệt: nhà chính - nhà phụ; nhà trên - nhà dưới, gian chính - gian phụ. 

Nhà chính thường có bố cục 3 gian và 2 chái, nhà phụ bố cục đơn giản, chỉ thuận theo sinh hoạt và kinh tế mà xây dựng. Gian chính luôn dùng để thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Để tôn lên vẻ đẹp của gian chính, chủ nhân thường thiết kế, bài trí công phu, trên các cột, kèo đều có chạm trổ hoa văn tinh tế, cửa chính thường được thiết kế rất rộng. 

Nhà gỗ mái ngói truyền thống.

“Điểm đặc biệt đó là ông cha ta sử dụng vật liệu truyền thống, có trong tự nhiên như đá, ngói, gỗ, lạt, tre nứa... Nên phải khẳng định đây là một sản phẩm sinh thái lịch sử. Cha ông chúng ta đã biết sống cộng sinh với thiên nhiên, gắn liền với nếp sống sinh hoạt của gia đình, hình thành nên một giá trị cốt lõi trong kiến trúc nhà ở. Kể cả khu vực miền núi cũng vậy. Nhà sàn của người Thái, người Mường hay nhà dài của dân tộc vùng Tây Nguyên, hoặc ở đồng bằng sông Cửu Long đều có những nét đặc trưng riêng”, vị KTS cho biết thêm.

Câu chuyện văn hóa trong kiến trúc nhà hiện nay

TS.KTS Trương Văn Quảng nhìn nhận, theo dòng chảy của thời gian, nếp nhà xưa đến chuyện nhà nay đã có nhiều những biến chuyển, đổi thay. Tuy nhiên quan niệm sống về nếp nhà vẫn còn được lưu giữ. Dù ở thời đại nào, sự đan chặt giữa “phần cứng” kiến trúc và “phần mềm” cuộc sống cũng cần được đề cao, gắn liền với bản sắc văn hóa người Việt.

“Cấu trúc không gian nơi ở của người Việt đã thay đổi qua rất nhiều thời kỳ, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ đổi mới và đến hiện đại, khi Việt Nam từ một nước nông nghiệp (làng xóm thưa thớt ở nông thôn, đô thị nhỏ bé). Sau khi có du nhập về các lối sống của phương Tây thì cấu trúc nhà ở của khu vực đô thị đã bắt đầu có sự thay đổi, còn ở nông thôn do vấn đề kinh tế tác động chưa nhiều nên những nét đặc trưng của không gian làng quê vẫn còn. Nhưng đến hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa tăng lên, các đô thị của chúng ta mở rộng phát triển, lan ra cả các vùng làng quê, tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với hội nhập quốc tế đã thay đổi cơ bản không gian kiến trúc nơi ở của người dân ở cả đô thị và nông thôn.

Khu vực đô thị phát triển vươn lên về chiều cao, chiều rộng và xuống cả không gian ngầm. Khu vực nông thôn đã bắt đầu có sự biến chuyển, thay đổi về cấu trúc làng xã. Ở những khu vực cận đô thị, mô hình nhà ở có phần giống với nhà ở thành phố.

Khu vực đô thị phát triển vươn lên về chiều cao, chiều rộng và xuống cả không gian ngầm.

Sự thay đổi về cấu trúc không gian đô thị cũng như hình thức bài trí nhà ở là tất yếu nhằm tiếp nhận những tiến bộ của khoa học công nghệ, trang thiết bị để đảm bảo những tiện ích phục vụ cho nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao của mỗi người. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong mỗi căn hộ đó, trong tư tưởng thiết kế của người Việt hiện đại, nếu để ý kỹ thì vẫn có những giá trị rất riêng của người Việt truyền thống. Điển hình nhất là bao giờ cũng tìm ra một không gian trang trọng nhất để thờ cúng tổ tiên, bất kể diện tích căn hộ, ngôi nhà đó to hay bé”, KTS Trương Văn Quảng phân tích.

Theo vị chuyên gia này, khi thói quen và thị hiếu của con người thay đổi, tất yếu sẽ hình thành nên những loại hình nhà ở phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trong không gian hạn hẹp của đô thị , loại hình nhà phố đang chiếm ưu thế nhưng nhà ở dạng căn hộ chung cư sẽ là xu hướng phát triển tất yếu.

“Trong tất cả cái xô bồ của cuộc sống hiện đại thì người Việt vẫn giữ lại cho mình những nét đặc trưng thuần Việt mà chúng ta, nếu có dịp đi so sánh với các không gian khác ở nước ngoài, sẽ thấy không gian sống thể hiện văn hóa nếp nhà của người Việt vẫn rất hiện hữu.

Nhiều người ở nhà Tây, theo thiết kế của phương Tây, nhưng trong cách bài trí sắp xếp của ngôi nhà vẫn có cái gì đó mang hơi hướng của quê hương. Tất cả những cái đó tạo nên giá trị cốt lõi mang tính biểu tượng trong văn hóa truyền thống của mình.

Phụ thuộc vào nhận thức về văn hóa, về lối sống nên mỗi người sẽ có những ý tưởng bài trí nhà ở khác nhau nhưng bao giờ không gian về tâm linh vẫn tồn tại, thứ hai là yếu tố cây xanh cũng được quan tâm, chú trọng cho thấy truyền thống cộng sinh với thiên nhiên vẫn còn vẹn nguyên giá trị”, ông Quảng nói thêm.

Dẫu vậy, vị chuyên gia này nhận định, khi giá trị vật chất lên ngôi ít nhiều sẽ lấn át nhu cầu văn hóa. Dẫn đến có không ít sự tùy tiện trong thiết kế nhà ở, những ngôi nhà thiết kế lạ lẫm được xây dựng. “Ở những con đường mới mở, không khó để bắt gặp những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, rất mất thẩm mỹ. Không ít kiến trúc nhà ở thiếu hợp lý, không đồng bộ về hạ tầng như giao thông, hệ thống thoát nước, khoảng không gian ngăn cách giữa các ngôi nhà... Thực tế, nhiều người dân đang quá dễ dãi với chỗ ở của mình, xem nhà chỉ như chỗ “chui ra chui vào” mà quên lãng đi những giá trị tinh thần”.

Nhà phố với kiến trúc muôn hình vạn trạng.

Ông Quảng cho rằng, khi cuộc sống đô thị càng xô bồ, ngột ngạt, nhà ở hiện đại càng phải tìm về mô hình kiến trúc xanh truyền thống. "Định hướng kiến trúc xanh Việt Nam rất đúng. Chúng tôi rất hy vọng sẽ có một kiến trúc vừa hiện đại,vừa đậm đà bản sắc nhưng đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của người dân trong đời sống hiện nay”, KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

Muốn vậy, theo vị KTS, vai trò định hướng và kiểm soát của chính quyền đô thị phải được thể hiện rõ để người dân đô thị dần hình thành lối sống, nếp nhà, quan niệm thẩm mỹ về kiến trúc nhà ở phù hợp với truyền thống, thích ứng với hiện đại:

“Có một đội ngũ kiến trúc sư rất trăn trở về vấn đề làm sao để giữ gìn những hồn cốt của kiến trúc truyền thống trong quá trình hội nhập. Không gian cho từng căn hộ của các chung cư cao tầng phải thiết kế như thế nào cho phù hợp để đảm bảo rằng chúng ta đang hướng tới một nền kiến trúc nhiệt đới, kiến trúc xanh, trong đó đảm bảo những giá trị cốt lõi mang tính biểu tượng của nếp nhà truyền thống trong cấu trúc của căn hộ. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc tạo ra công cụ để các kiến trúc sư căn cứ để định hình tư duy thiết kế được tốt hơn”.

Vị KTS cũng cho rằng, người dân hiện nay cũng rất thông minh trong vấn đề chọn khu vực nào đó để đảm bảo được cuộc sống của họ có chất lượng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với đầy đủ tiện ích để có thể có không gian sống tốt hơn. Các doanh nghiệp nên đi theo hướng thiết kế những khu đô thị chuẩn mực hơn.

"Các kiến trúc sư, các doanh nghiệp cần thấm nhuần văn hóa tiểu gia đình của người Việt từ cách ăn, ở, ứng xử kết hợp cùng với nhu cầu của người sử dụng để có thể đưa ra những ý tưởng thiết kế đáp ứng được những giá trị vừa phù hợp với lối sống hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa rất đẹp của người Việt trong không gian căn hộ nói riêng và không gian đô thị nói chung”, KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top