Aa

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm liên doanh đầu tư tại "đất vàng" 152 Thụy Khuê

Thứ Ba, 28/05/2019 - 19:01

Theo Kiểm toán Nhà nước, lô "đất vàng" 152 Thụy Khuê được giao cho Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê quản lý làm trụ sở, nhưng đơn vị này đã dùng để góp vốn liên doanh xây khách sạn sai quy định.

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2017, TP. Hà Nội đã hoàn thành cổ phần hóa 57/60 doanh nghiệp, trong đó đã quyết toán, bàn giao 44 doanh nghiệp sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong quá trình này còn tồn tại hạn chế, để xảy ra nhiều sai sót.

Điển hình như sai phạm tại lô “đất vàng” 152 Thụy Khuê của Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê (nay là Công ty cổ phần Giầy Thụy Khuê). Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê được quyền thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm, nhưng công ty này lại dùng quyền trên để góp vốn liên doanh không đúng quy định.

“Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê sử dụng quyền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định tại Điều 111, Luật Đất đai 2003 tại Khu đất 152 Thụy Khuê”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, UBND TP. Hà Nội cho phép Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê hợp tác, liên doanh trong khi liên doanh đã thành lập và đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa cho việc góp vốn không đúng quy định.

Ki

Kiểm toán Nhà nước “vạch” sai phạm liên doanh giữa giầy Thụy Khuê và Tập đoàn Thái Bình. (Ảnh: Trần Tiến)

Được biết, lô “đất vàng” 152 Thụy Khuê ban đầu được giao cho Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê quản lý, với chức năng làm trụ sở. Thế nhưng, sau đó công ty này đã liều lĩnh đem lô đất trên góp vốn liên doanh cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình, để triển khai dự án “Khách sạn văn phòng giao dịch và cho thuê”.

Sau đó liên doanh này đã lập ra Công ty TNHH liên doanh Thái Bình – Thụy Khuê để thực hiện dự án. Người làm đại diện pháp luật công ty là bà Nguyễn Thị Chi. Theo hồ sơ, công ty này có vốn điều lệ 75 tỷ đồng, trong đó Giày Thụy Khuê góp 15 tỷ đồng (20% cơ cấu vốn góp), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình góp 60 tỷ đồng (80% cơ cấu vốn góp).

Đến tháng 12/2017, Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê bất ngờ có sự thay đổi khi Tập đoàn Thái Bình chuyển nhượng 15% vốn sang Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Thái Bình. Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Thái Bình Tây Đô.

Mới đây, ngày 9/4/2019, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ thu hồi nhà (hiện trạng 6 tầng), đất được giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng dự án Trung tâm giới thiệu sản phầm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã (tại khu đất mặt đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trường Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát, thu hồi diện tích đất khoảng 8.000m2 thuộc dự án trên.

Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước cũng đã “vạch trần” hàng loạt vi phạm trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Liên minh HTX Việt Nam với Công ty CP Hợp tác và đầu tư Thăng Long. Hiện trạng đã xây dựng tòa nhà 6 tầng và Công ty CP Hợp tác và đầu tư Thăng Long đang sử dụng một phần để kinh doanh showroom ô tô Lexus.

Trở lại câu chuyện sai phạm liên quan đến việc góp vốn liên doanh bằng lô "đất vàng" 152 Thụy Khuê, số phận của “Khách sạn văn phòng giao dịch và cho thuê” của liên doanh nhà đầu tư Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình sẽ như thế nào và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm này sẽ được xử lý ra sao, đó là điều dư luận đang quan tâm.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top