Aa

Kiến trúc đô thị Việt Nam: Những bài học đắt giá

Thứ Tư, 12/12/2018 - 06:01

Hai khu đô thị Linh Đàm và Phú Mỹ Hưng từng được bình chọn là 2/20 kiến trúc tiêu biểu thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, sau gần 20 năm ra đời đã phát triển theo hai hướng đối nghịch.

Khu đô thị mới Linh Đàm xây nhà cao tầng vô tội vạ để bán kéo theo hệ lụy tăng dân số chóng mặt

Khu đô thị mới Linh Đàm xây nhà cao tầng vô tội vạ để bán kéo theo hệ lụy tăng dân số chóng mặt

KĐTM Linh Đàm với khu trung tâm là Bán đảo Linh. Từ quy hoạch chung của Viện Quy hoạch Hà Nội, thực sự khu ĐTM Linh Đàm rất khó trở nên an bình giữa thiên nhiên như bây giờ nếu không có sự gặp nhau của hai tư tưởng: Đô thị cần thích ứng với đại bộ phận dân cư (tiện ích cho sinh hoạt đời sống và văn hoá của bộ phận dân cư thu nhập trung bình) và Thiết kế kiến trúc phải tuân thủ nguyên tắc của thích ứng khí hậu, tôn trọng cảnh quan sinh thái.

Những công trình kiến trúc tiêu biểu

Rất may mắn được sự ủng hộ của chủ đầu tư, sự cộng hưởng giữa kiến trúc và người dân đã tạo cảnh quan đặc thù cho khu đô thị này. Công cụ tổng hợp của “Thiết kế kiến trúc”,“Thiết kế đô thị” (urban design) và “Thiết kế cảnh quan” (land scape) thông qua không gian cảnh quan hài hoà toàn khu vực được biểu hiện rất rõ. Các tuyến chính tạo thành các trục Đông – Tây, dọc theo chiều dài của hồ Linh Đàm hình vành khăn, được nhấn bởi các khối nhà chạy dài, quay mặt đứng theo hướng Bắc – Nam. Trung tâm là trục đường Nguyễn Duy Trinh tạo không gian dạng tuyến với điểm khởi đầu và kết thúc là các công viên lớn.

Cấu trúc trung tâm - tuyến với sự hỗ trợ của các tuyến thành phần chạy song song đã tạo tính chiều hướng rõ rệt làm nên sắc thái của đô thị nhiệt đới. Các tuyến này còn được tổ chức thành tuyến thương mại dịch vụ nhỏ kiểu cửa hàng - phố, phù hợp tập quán sinh sống của dân cư gần gũi phố thị dân truyền thống.

Đặc biệt hơn, cứ 3 khối nhà có một sân cộng đồng đầm ấm, khép kín sinh hoạt láng giềng trong cụm. Chính các không gian cộng đồng cũng tham gia làm thành đặc điểm riêng của Linh Đàm. Sự san xẻ hài hoà giữa thiên nhiên và con người chứ không phải kiến trúc (có suất đầu tư trung bình) làm nên sự đặc sắc đô thị chính là kinh nghiệm đáng xem xét để chúng ta có thể xây dựng tính đặc trưng đô thị...

Còn Đô thị Phú Mỹ Hưng có vẻ toàn diện hơn bởi quy mô lớn, sự đồng bộ trong tổ chức chức năng và không gian. Mặc dù có nhiều thắc mắc về sự lựa chọn vị trí xây dựng đô thị, nhưng điều đáng nói nhất là sau các thành công tầm mức quốc tế của “Phong cách Hiện đại - Nhiệt đới” ở miền Nam Việt Nam thập niên 60, thế kỷ 20 (các KTS. Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Hữu Thiện...), kiến trúc của Phú Mỹ Hưng đã góp phần kế thừa và phát triển ngôn ngữ kiến trúc nhiệt đới đặc sắc ở VN thời mở cửa khi xây dựng đô thị hiện đại. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều đòi hỏi rất cao về tính thích ứng kiến trúc để tránh cho người sử dụng cảm thấy khó chịu.

Phú Mỹ Hưng tạo được vẻ đẹp hiện đại nhưng đậm dấu ấn bản địa châu Á

Phú Mỹ Hưng tạo được vẻ đẹp hiện đại nhưng đậm dấu ấn bản địa châu Á

Nhìn toàn tổng thể, khu Phú Mỹ Hưng có cấu trúc tốt do tạo được các tuyến trung tâm, quảng trường chuyển tiếp hài hoà với các khu ở. Sự lựa chọn chung cư cao tầng xen kẽ khu nhà thấp tầng cũng làm nên đặc tính riêng về hình thái đô thị này. Nó gợi lại nhà vườn truyền thống, nhà phố cũ của người Việt trong đô thị mới. Suất đầu tư chung cư ở đây tương đối cao nên tạo được văn hoá ở - văn minh do nó lưu tâm đến không gian cộng đồng (bể bơi, vườn dạo ở mái hiên tầng 3).

Phú Mỹ Hưng tạo được vẻ đẹp hiện đại nhưng đậm dấu ấn bản địa châu Á, rất khác biệt khi ta nhìn sang các nước lân cận như Singpore, Hồng Kông, Thái Lan – là những nơi dễ liên tưởng với Newyork, Mahattan... thậm chí rất khác với kiến trúc quốc tế ở Việt Nam suốt 40 năm qua tràn ngập các TP.

Bài học đắt giá

Nếu như bài học Linh Đàm là sự thành công của sự cộng sinh giữa thiên nhiên, kiến trúc và cộng đồng cư dân để tạo cảnh quan riêng của nó, thì Phú Mỹ Hưng là bài học về sự khéo léo trong xử lý không gian đô thị để kế thừa và phát triển tư tưởng nhiệt đới hoá các đô thị châu Á có nguồn gốc bản dịa do các KTS trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khởi xướng, thịnh hành vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 ở Sài gòn. Phải chăng đây chính là tia sáng cuối đường hầm (Do thiếu chủ thuyết cho đô thị hiện nay) - Là nền tảng học thuật cho các Kiến trúc sư Việt Nam khi tìm đến tư tưởng Hiện đại - Bản địa?

Hai khu đô thị này sau gần 20 năm ra đời đã phát triển theo hai hướng đối nghịch: Khu Phú Mỹ Hưng có diện tích 500ha đã xây dựng gần 40% với dân số 30.000 người và ngày càng thu hút tầng lớp trung lưu đến ở. Là bài học mẫu mực về cách phát triển đô thị từ Quy hoạch - kiến trúc; Chiến lược phát triển bất động sản; Quản trị và xây dựng chính sách, tín dụng trong đầu tư và bán hàng... Đây là một ví dụ mẫu mực do có tầm nhìn dài hạn và đồng bộ để xây dựng chuẩn mực và chất lượng đô thị đáng sống.

Khu đô thị mới Linh Đàm: Khu này có diện tích gần 300ha với hồ vành khăn tự nhiên lên tới 80ha (Chiếm 25% diện tích), nhưng chạy theo thị trường nhà đất khiến nó phá hỏng quy hoạch ban đầu, xây nhà cao tầng vô tội vạ để bán kéo theo hệ lụy tăng dân số chóng mặt (Quy hoạch ban đầu cho 30.000 dân, nay đã có cả trăm ngàn dân đang ở và sẽ còn tăng nữa).

Điều đáng nói hơn là các dịch vụ đời sống thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ búa, vui chơi, giải trí không được xây dựng như quy định mà sẽ mãi mãi không thể xây được nữa, do các mảnh đất công cộng lớn nhỏ trong quy hoạch đã bị chuyển đổi xây chung cư ở để bán hết rồi.

Dân cư tích tụ quá đông đã làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, dân cư luôn kêu cứu vì tắc đường, kẹt xe, mất nước sinh hoạt, thang máy hư hỏng, cháy nổ... Hiểm họa đô thị chắc chắn đã hiện thực hóa ở Linh Đàm mà những bế tắc đô thị ở đây có thể được xem như bài học đắt giá của phát triển khu đô thị mới của Việt Nam.

GS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top