Aa

Kim tiêm “bủa vây” ký túc xá được đề xuất chuyển thành nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 24/02/2017 - 06:16

Bị bỏ hoang nhiều năm, 2 khối tòa nhà A2, A3 thuộc Dự án Nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) đang trở thành nơi tập kết rác thải và điểm đến của các con nghiện.

Như thông tin Reatimes đã đưa, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có đề xuất chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 thuộc dự án Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.

Trên cơ sở thống nhất với liên danh tổng thầu với mục tiêu hoàn thành dự án, tránh nợ đọng, Sở Xây dựng Hà Nội đã cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để xuất bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.

Doanh nghiệp được giao có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục nhà A2, A3, khoảng 340 tỷ đồng, để có nguồn trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5, A6 (khoảng 233,8 tỷ đồng).

Ủng hộ đề xuất chuyển đổi này, nhiều người dân nơi đây mong muốn các tòa nhà bỏ hoang thuộc dự án sớm được đưa vào sử dụng: “Khoảng 6 năm nay, các tòa nhà cao tầng mới chỉ xây dựng xong phần thô và không được đưa vào sử dụng. Không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người nhìn thấy điều này đều thấy lãng phí”, ông Đoàn Đình Bê (68 tuổi, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) chia sẻ.

Cũng theo ông Bê, việc chuyển đổi này là hợp lý và giải quyết được nhu cầu nhà cho nhiều người có thu nhập thấp. “Hiện nay, các tòa đang hoạt động với mục đích cho sinh viên thuê chưa đạt được hiệu quả. Các tòa bỏ hoang thì nhếch nhác, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu hút chích…”. 

Phóng viên Reatimes ghi nhận một số hình ảnh tại dự án Khu nhà ở cho sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp: 

 Dự án Nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp bao gồm 6 đơn nguyên cao 19 tầng, một tầng hầm, dự kiến bố trí chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam thành phố. 

Dự án Nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. 

Được khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng hiện nay các tòa đơn nguyên A2, A3 mới chỉ xong phần thô và bỏ hoang nhiều năm. 

Lối đi quanh những đơn nguyên bỏ hoang này ngập rác thải và hoang vắng.  

 Các công trình được rào chắn và cảnh báo cấm vào sơ sài. 

Bên trong các công trình bỏ hoang, vật liệu và hàng ráo đang hoen gỉ từng ngày.  

Rác thải ngập lối đi... 

 Đặc biệt, chính sự hoang vắng tại đây đã tạo điều kiện cho các con nghiện tập trung tiêm chích. 

 Bà Nguyễn Thị Phượng (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) bức xúc: "Tôi cảm thấy rất lãng phí khi bỏ không những công trình xây dựng cao tầng. Việc bỏ hoang các tòa nhà này còn khiến cho an ninh khu vực này trở nên mất an toàn hơn".  

Khu đất xây dựng tòa A4 thuộc dự án nhiều năm là bãi đất trống.  

 Trong số 6 tòa nhà cao tầng (từ A1 đến A6) trong khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chỉ có 3 tòa A1, A5 và A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

 Tỷ lệ lấp đầy của 3 tòa nhà này chỉ đạt khoảng 15% tổng số phòng được xây dựng. 

Số phòng ở còn lại dù đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị nhưng vẫn đang để hoang trong nhiều năm qua.  

Thực tế hiện nay, còn hàng nghìn công nhân, người lao động thu nhập thấp đang sống và làm việc quanh khu vực này cần một căn hộ để an cư lập nghiệp. Nếu phần diện tích đang bỏ không tại dự án này được chuyển đổi mục đích sử dụng sang căn hộ cho người thu nhập thấp sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở của nhân dân và hơn cả là tránh được tính trạng nguồn vốn vốn nhà nước bị lãng phí. 

Theo Sở Xây dựng thì khi chuyển đổi hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng. Những động thái trên cho thấy việc sớm chuyển đổi mục địch sử dụng, cũng như công năng của các dự án nhà ở sinh viên kém hiệu quả như dự án Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là cần thiết. Bởi nếu không được đưa vào sử dụng thì các khu nhà ở này sẽ ngày càng xuống cấp và sẽ phải bỏ thêm tiền để cải tạo nếu muốn tái sử dụng lại. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top