Aa

Kinh tế ban đêm đánh thức “nàng công chúa ngủ quên” mang tên Vân Đồn

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Năm, 04/06/2020 - 06:00

Định hướng phát triển kinh tế ban đêm đang dần khai mở những tiềm năng “vàng” của các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai. Và ngược lại, những tiềm năng này cũng là ngọn đuốc “thắp sáng” kinh tế ban đêm tại Việt Nam.

Lời tòa soạn:

Đại dịch Covid-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Nội dung: Phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...

Thành phần tham dự: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.

Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

“Mỏ vàng” kinh tế ban đêm

Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng, các nước đang vận dụng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, diễn ra cuối năm 2019.

Thủ tướng chỉ rõ, kinh tế ban đêm là sự năng động trong hội nhập, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Do vậy, Thủ tướng mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dựa trên những lợi thế mà Việt Nam đang có.

 “Làm gì để du khách đến đông hơn, làm gì để du khách ở lại lâu hơn, làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn, làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Hoạt động thương mại xuyên suốt đêm tại Nhật Bản.

"Kinh tế ban đêm" được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17 giờ cho đến 6 giơ sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Tại Việt Nam, khái niệm này bắt đầu được chú ý khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế ban đêm của Trung Quốc

 Nền kinh tế ban đêm đang đóng góp 66 tỷ bảng cho Anh, 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm. Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã không ngừng đưa ra chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên suốt. Giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện đã không ngừng tăng trưởng các năm qua khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách mở cửa mạnh mẽ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thành công với mô hình kinh tế ban đêm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch và đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP thì việc cởi trói tư duy, kịp thời có những chính sách, khai mở pháp lý để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ban đêm, biến kinh tế ban đêm thành một “mỏ vàng” tiềm năng để đưa du lịch Việt Nam “cất cánh” là yêu cầu tất yếu ở thời điểm hiện tại. Bởi với những tiềm năng phát triển du lịch tại Việt Nam, nếu để khách du lịch đi ngủ sớm là rất phí.

Theo số liệu thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đã lên đến 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018, trở thành 1 trong 10 quốc gia có độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng. Ngoài những lợi thế về cảnh quan văn hóa, lượng khách du lịch tiềm năng này là cơ hội để Việt Nam “thắp sáng” nền kinh tế ban đêm.

“Với lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, chúng ta không thể thiếu các không gian khám phá, tham quan, mua sắm và giải trí về đêm. Việc tăng cường du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng vào ban đêm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng, khách du lịch nội địa hiện nay, luôn coi các hoạt động chi tiêu vào ban đêm, như một xu hướng đậm gu thời thượng, thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ hưởng ứng tham gia”, một chuyên gia cho hay.

Việc “mở cửa” cho nền kinh tế đêm được đánh giá là “mỏ vàng” của ngành du lịch, có thể “giữ chân” du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế về đêm ở Việt Nam còn khá manh mún, chưa có quy hoạch một cách bài bản từ góc độ quản lý Nhà nước đến dân sinh. Nhiều nơi, dịch vụ về đêm chỉ tự phát theo yêu cầu của người dân và du khách.

Đa phần các khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đều có nhu cầu vui chơi, giải trí ban đêm. 

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết: 

“Tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ tập trung 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng, thì đã thu được. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn chưa được phát triển. Nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên không mang lại hiệu quả như mong muốn. 

"Chúng ta phải hiểu khách du lịch đi tour ban ngày có thể trả tiền tour 150 USD, thì ban đêm họ cũng có thể trả con số tương tự, hoặc hơn. Chúng ta phải thay đổi quan điểm làm du lịch, phải hướng tới nhu cầu của họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cái gọi là ‘du lịch lòng máng’, tức là vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu vào nền kinh tế và người dân địa phương", vị này nhấn mạnh. 

 "Ngành du lịch phải thay đổi quan điểm nếu thực sự muốn phát triển, muốn đẩy mạnh “kinh tế ban đêm”.
(CEO Vietravel)

Thực tế, nhiều thành phố du lịch ở Việt Nam đều đang chịu cảnh “đìu hiu” vắng khách hoặc không giữ chân được du khách vì thiếu vắng những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Du lịch Việt Nam đang bỏ trống một mảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm, do chưa có nhiều sản phẩm và còn bị hạn chế bởi một số quy định hiện hành. Những chợ đêm, phố đi bộ ban đêm và một vài những hoạt động giải trí về đêm khác là những hình thức khai mở cho một nền kinh tế ban đêm đang bắt đầu manh nha hình thành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để phát triển kinh tế ban đêm cần có quy hoạch cụ thể, ban đầu nên chỉ cho những nhà đầu tư lớn, dịch vụ chất lượng cao hoạt động, không nên phát triển đại trà rộng khắp trong khi chưa có biện pháp quản lý hiệu quả từ phía chính quyền thành phố và cơ quan quản lý du lịch.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, "cởi trói” cho nền kinh tế về đêm không đơn thuần dừng lại ở việc kéo dài thời gian kinh doanh dịch vụ. Quan trọng hơn hết nằm ở chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách.

“Hiện cũng chưa có chính sách cụ thể về phát triển “kinh tế ban đêm” nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về "chủng loại mặt hàng" và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch:

Để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới.

Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý. 

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, nên suy nghĩ đến giải pháp quy hoạch riêng một khu vực tách biệt với dân cư để tạo những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng có các loại hình giải trí quy mô, hấp dẫn du khách về đêm, nhất là tại những khu kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó, cần gắn các yếu tố đặc thù văn hóa địa phương vào việc triển khai các mô hình kinh tế ban đêm để đáp ứng nhu cầu của những du khách quốc tế ưa trải nghiệm và tạo ra sự độc đáo, riêng biệt, gây ấn tượng.

Kinh tế ban đêm rất cần những tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng kết hợp giải trí.  Ảnh: Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. 

Cơ hội “thắp sáng” kinh tế ban đêm tại Vân Đồn

Huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) ôm trọn vịnh Bái Tử Long, một quần thể biển đảo mà vẻ kỳ thú, giá trị địa chất, tính đa dạng sinh học có những yếu tố tương đồng với vịnh Hạ Long. Đây là một vùng đất vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, hệ sinh thái vô cùng đa dạng gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Bái Tử Long, các hang động kỳ thú, những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp trên các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... mang lại tiềm năng du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tại Vân Đồn từ thời xa xưa các thương gia và cư dân còn đóng góp công xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh như: Chùa Quan Lạn, đình Vân Hải, đình Quan Lạn (Quan Lạn)… Các công trình này đều mang đậm bản sắc văn hoá của người Việt, ghi nhớ công ơn những người có công trong lịch sử dân tộc.

Dù sở hữu nhiều tiềm năng có một không hai như vậy và nằm cạnh vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới nhưng du lịch Vân Đồn mới được du khách biết đến vài năm gần đây. Ông Hà Quang Long, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã ví du lịch Vân Đồn như “một nàng công chúa còn ngủ quên”.

Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Zing.vn

Tuy nhiên, với sự đầu tư bứt phá về hạ tầng, những tiềm năng của huyện đảo Vân Đồn đang dần được khai phá. Đi cùng với đó là các cuộc đổ bộ đầu tư những dự án lớn, bài bản của những chủ đầu tư tiềm lực.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn. Rất nhiều nhà đầu tư khác như Sun Group, Hải Đăng, CEO, FLC... đã đổ bộ đầu tư vào các dự án du lịch - nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Vân Đồn với tổng mức đăng ký lên đến hàng tỷ USD, đón đầu lượng khách du lịch theo quy hoạch đến năm 2030 đạt 2,5 triệu lượt khách và đến năm 2040 là 6 - 9,5 triệu lượt khách.

Với những lý do trên, Vân Đồn đang hội tụ đầy đủ các tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm và ngược lại, phát triển kinh tế ban đêm cũng sẽ là ngọn đuốc dẫn đường để ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Vân Đồn nói riêng và các khu kinh tế đặc biệt nói chung bứt phá tiềm năng và tăng trưởng nhanh chóng. Vân Đồn cũng là địa phương được tỉnh Quảng Ninh chọn để thí điểm phát triển mô hình kinh tế ban đêm, cùng với TP. Hạ Long và Móng Cái.

Đi đầu trong phát triển dự án thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại Vân Đồn, hiện Tập đoàn CEO đang triển khai tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358,3ha. Tại đây, chủ đầu tư phát triển các sản phẩm lưu trú cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn quốc tế, khu đảo nghỉ dưỡng Sonasea Island Retreat cũng như các sản phẩm du lịch phụ trợ như trung tâm mua sắm, bến du thuyền, CLB du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế… theo mô hình “All in One” - mọi trải nghiệm trong một điểm đến giải trí đẳng cấp.

Phân khu đầu tiên của dự án là Singapore Shoptel giai đoạn 1 với 192 căn đang được chủ đầu tư tích cực hoàn thiện các hạng mục cảnh quan để sớm bàn giao và đưa vào khai thác; kiến tạo một không gian trải nghiệm trẻ trung và năng động chưa từng có tại Vân Đồn. Đây cũng là nơi đầu tiên tại Vân Đồn thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, trở thành điểm đến hàng đầu Vân Đồn, hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm.

Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City là dự án đầu tiên thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại Vân Đồn.

Theo các chuyên gia, thời gian lưu trú của du khách sẽ dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Thay bằng việc lựa chọn điểm đến chỉ để "nghỉ dưỡng" như trước đây, du khách ngày càng mong muốn được tận hưởng một kỳ nghỉ theo hướng kết hợp nghỉ dưỡng - trải nghiệm - khám phá - giải trí - mua sắm ngay tại điểm lưu trú.

“Luồng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bao giờ cũng sẽ yêu cầu tiện nghi, tiện ích nhiều nhất cho mỗi chuyến du lịch. Để đáp ứng nhu cầu đó thì đương nhiên đòi hỏi các dự án phải mang tính tổ hợp.

Tương tự, dòng khách hạng sang trong nước đang tăng cao, nhu cầu của họ về chất lượng nơi cư trú, dịch vụ, du lịch cũng không thể thấp, nhu cầu được hưởng thụ ngày một cao hơn. Như vậy, điểm đến nào đáp ứng được các tiêu chí của khách du lịch thì họ sẽ lựa chọn nghỉ chân lâu dài và có thể quay lại trong lần tiếp theo”, GS.TS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Các chuyên gia cũng đánh giá, những siêu dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gắn liền với chính sách phát triển kinh tế ban đêm sau khi được hoàn thiện sẽ góp phần đưa ngành du lịch Vân Đồn cất cánh, nâng cao chất lượng phục vụ bởi những cơ sở lưu trú xứng tầm.

Trong đó, việc quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng là điều cần thiết và quan trọng, vừa tạo ra sự thuận tiện, an toàn cho du khách, “một hành trình, nhiều điểm đến”, vừa dễ quản lý, hạn chế được những mặt trái của mô hình này.

Đồng thời, việc phát triển và nhân rộng giải pháp kinh tế ban đêm với sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm lực sẽ góp phần nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, đưa du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Sự phát triển của kinh tế ban đêm tại các khu kinh tế đặc biệt cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới. 

"Khi khách du lịch ở lại lâu hơn thì tất yếu giá trị của các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tăng lên. Đặc biệt, ở những tổ hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi, giải trí, trải nghiệm về đêm sẽ càng hút khách du lịch, tăng khả năng lấp đầy phòng lưu trú, tăng khả năng chi trả của khách. Do đó, việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ kéo theo sự tăng trưởng của bất động sản du lịch. Đây là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư khi lựa chọn các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng để xuống tiền", một chuyên gia bất động sản nhận định.  


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top