Aa

Kỳ 1: Giới thương nhân Việt bắt đầu hình thành từ khi nào?

Thứ Năm, 03/10/2019 - 09:15

Câu thành ngữ “Phi thương bất phú” đã có từ xa xưa. Chữ “thương” ở câu thành ngữ này là nói về nghề buôn bán, thương mại, là để chỉ thương nhân.

Lời tòa soạn

Cách đây 15 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Sự kiện này có khởi nguồn từ rất sớm, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập nước Việt Nam mới (2/9/1945), vào ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương. Trong thư, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Lịch sử nhiều quốc gia đã khẳng định: Muốn phát triển thịnh vượng thì đông đảo người dân phải có khát vọng làm giàu và phải hình thành được một đội ngũ doanh nhân mạnh mẽ để sáng nghiệp và dẫn dắt. Giới doanh nhân được tôn vinh, tập trung nhiều phẩm chất tinh hoa, được hội tụ các điều kiện để sáng tạo và sẽ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Một đội ngũ doanh nhân dân tộc Việt Nam của thời kỳ mới, với thời cơ và vận hội mới, đã hình thành ở đất nước ta, đang trên con đường đồng hành với những mục tiêu cao cả chung của dân tộc ta.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Thủ tướng quyết định về “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công thương Việt Nam (13/10/1945 - 2020), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes.vn thực hiện Dự án truyền thông “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”

Dự án bắt đầu từ tháng 10/2019, xuyên suốt tới tháng 10/2020 và sẽ còn tiếp tục, với nhiều hoạt động truyền thông như: Đăng tải các khảo luận, nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt; Tọa đàm, giao lưu trực tuyến, hội thảo khoa học, triển lãm và trưng bày ảnh, tư liệu với các chủ đề thiết thực về doanh nhân, doanh nghiệp; Tổ chức sản xuất series phim tài liệu nhiều tập và xuất bản sách chủ đề “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”…

Để mở đầu Dự án truyền thông này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu khảo luận đăng nhiều kỳ “Lược sử về thời vận doanh nhân Việt” của nhà văn Nguyễn Thành Phong, thành viên của Hội đồng biên tập Tạp chí Reatimes. Khảo luận này như một tiếp cận bước đầu, có tính chất sơ khởi và gợi ý cho việc nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt từ xa xưa tới hiện nay.

Do những yếu tố về địa chính trị, lịch sử Việt Nam phần lớn là những trang giữ nước, là các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Nhưng khát vọng canh tân kiến quốc, dù lúc thăng lúc trầm, vẫn luôn luôn là nguồn mạch bền bỉ trong hành trình lịch sử. Người dân Việt nhiều đời chăm chỉ làm ăn, toan lo cày cấy, vẫn mơ giấc mơ thịnh vượng.

Câu thành ngữ “Phi thương bất phú” đã có từ xa xưa. Chữ “thương” ở câu thành ngữ này là nói về nghề buôn bán, thương mại, là để chỉ thương nhân. Theo dòng lịch sử, qua nhiều thời kỳ, các thương nhân làm ăn phát đạt, giàu có thì được gọi là phú hộ, đại phú hộ, rồi là doanh gia, nhà tư sản, hay ngày nay chúng ta gọi là doanh nhân. Đọc trong những trang lịch sử của đất nước, thấy một điều, là chúng ta chưa có nhiều cơ hội ở tầm quốc gia để hình thành nên giới thương nhân…

Từ cuộc cải cách đầu tiên thời Bắc thuộc

Lịch sử Việt Nam, sau thời kỳ tiền sử, là thời kỳ cổ đại (2879 - 111TCN), với dấu mốc cuối là nhà Triệu (204 - 111 TCN). Tiếp theo, là thời kỳ Bắc thuộc, kéo dài hơn 1000 năm, từ năm 111 TCN đến năm 938 SCN. Trong 1000 năm Bắc thuộc đó, lịch sử đã ghi dấu các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, sự xuất hiện và độc lập tương đối của nhà Tiền Lý (Lý Bí, tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân), thời kỳ Triệu Việt Vương, các cuộc nổi dậy của Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ… Tiếp theo nữa là thời kỳ quân chủ (938 - 1858) và thời kỳ cận đại (1858 - 1945), rồi hiện đại (1945 đến nay).

Trong thời kỳ Bắc thuộc, nước ta hoàn toàn là nước nông nghiệp trong tình trạng canh tác lạc hậu. Những người được gọi là giàu có thời ấy chỉ là điền chủ, hào tộc, chưa có việc buôn bán, thông thương gì đáng kể.

Đến cuối thời Bắc thuộc, đã xuất hiện một giai đoạn tự chủ với phương Bắc và ngay trong thời này đã có một cuộc canh tân, cải cách có dấu ấn đầu tiên trong lịch sử nước ta. Đó là cuộc cải cách của cha con Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo.

Khúc Thừa Dụ (830 - 907), được suy tôn là Khúc Tiên Chủ, là người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ. Ông là người quê vùng Ninh Giang, Hải Dương, thuộc một dòng họ mấy đời là hào tộc nổi tiếng trong vùng. Nhân lúc nhà Đường bên Trung Hoa suy vong, Khúc Thừa Dụ đã nhân danh hào trưởng một xứ, đứng lên tập hợp lực lượng, đánh đuổi quan lại và binh lính nhà Đường đang đô hộ, rồi tự xưng là Tiết độ sứ để chống lại ngoại bang cai trị. Ông dựng đô ở La Thành (Hà Nội), lập kế sách làm cho dân yên, nước trị.

Khúc Thừa Dụ trị vì trong hai năm (905 - 907) thì mất, con trai ông là Khúc Hạo (860 - 917) kế vị. Trong 10 năm trị vì (907 - 917), Khúc Hạo tiếp bước cha, đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và kinh tế, thể hiện rõ tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, ý thức dân tộc sâu sắc và quyết tâm lớn của dân tộc Việt, nhằm thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của phong kiến ngoại bang.

Về hành chính, Khúc Hạo đã xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ trung ương đến xã. Về kinh tế thì cải cách tô thuế, thực hiện chính sách "bình quân thuế ruộng", "tha bỏ lực dịch", dung hòa quyền lợi giữa nhà nước tự chủ với các làng xã và dân đinh. Công cuộc cải cách của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo đã tác động tích cực tới chính trị, văn hóa, xã hội thời đó, "cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui" là chính sách “thân dân, cố kết toàn dân”.

Rất tiếc, sau khi Khúc Hạo mất (917), Khúc Thừa Mỹ kế vị, tài trí và phẩm hạnh của ông vua này đều không đủ tầm nên cuộc cải cách canh tân đất nước đã dừng lại. Dương Đình Nghệ rồi Kiều Công Tiễn trị vì thời kỳ tiếp theo, cũng không tạo nên được những dấu ấn lớn.

… Đến việc đúc tiền và cơ hội xuất hiện thương nhân

Thời kỳ quân chủ được mở ra với sự lên ngôi của Ngô Quyền (938 - 967), sau đó là “Loạn 12 sứ quân”, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, thống nhất, lên ngôi Đinh Tiên Hoàng Đế, trị vì được hơn mười năm (968 - 980), rồi đến nhà Tiền Lê (Lê Hoàn, tức Lê Đại Hành), trong thời gian từ 980 - 1009.

Mở đầu thời kỳ quân chủ, ba triều đại nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền Lê nối tiếp nhau, nhưng đều không trị vì được lâu vì luôn phải đối phó với loạn trong, giặc ngoài. Tuy vậy, chính trong thời này, đã xuất hiện đồng tiền Việt đầu tiên trong lịch sử: Hai năm sau khi lên làm vua, vào năm 970, Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng hợp kim đồng, mang tên Thái Bình hưng bảo. Tiếp đó, nhà Lê trị vì, 4 năm đầu tiếp tục sử dụng tiền của thời nhà Đinh, đến mùa xuân năm 984, Lê Hoàn đã cho đúc tiền mới mang tên Thiên Phúc trấn bảo.

Đồng tiền Thái Bình hưng bảo

Theo nhiều sử liệu, kinh tế đất nước ta thời nhà Đinh và nhà Ngô đang mới manh nha, trao đổi hàng hóa kiểu ngang giá trị là chính, lương bổng và thuế má đều thực hiện bằng hiện vật. Tuy vậy, việc đúc tiền và phát hành tiền bằng kim loại để làm phương tiện thay thế cho việc hàng đổi hàng hoặc phải dùng vàng và bạc nén đã cho thấy những dấu hiệu của buôn bán, thương mại, là nền tảng ban đầu của việc xuất hiện những thương nhân.

Cơ hội xuất hiện những thương nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có lẽ rõ nhất chính là dưới thời nhà Lý (1009 - 1225), bắt đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nơi trung tâm đất trời có thế “rồng phục, hổ chầu”. Nhà Lý xây Văn Miếu, Quốc Tử Giám, mở khoa thi quốc gia để chọn hiền tài trong thiên hạ, không phân biệt xuất thân. Nhà Lý đề ra “ngụ binh ư nông” và nhiều chính sách lớn làm cơ sở cho một triều đại kéo dài nhất trong lịch sử nước ta, tới 216 năm.

Chính là vào thời kỳ này, với việc lập nên thương cảng Vân Đồn, nước ta bắt đầu có giao lưu thương mại, buôn bán với các nước. Vân Đồn ở phía Bắc cùng với cảng Diễn Châu ở phía Nam, cùng có vị trí quan trọng, thuận lợi cho các tàu biển cập bến. Thương nhân từ Trung Quốc, Chiêm Thành, Trảo Oa (đảo Java), Lộ Lạc (Lavo), Xiêm La, đảo Sumatra… nhộn nhịp qua lại buôn bán.

Thương cảng Vân Đồn xưa

Hàng hóa xuất khẩu của Đại Việt chủ yếu là lâm thổ sản, ngà voi, da thú; hàng nhập khẩu là giấy, bút, tơ, vải, gấm vóc… Việc quản lý và làm đầu mối xuất nhập khẩu này do triều đình nhà Lý nắm giữ, nhưng đã xuất hiện nhiều người dân làm công việc thu mua hàng hóa trong nước, thậm chí xuống cả nước Chiêm Thành ở phía Nam thu mua hương liệu và các hàng hóa quý hiếm, tổ chức vận chuyển ngược lên phía Bắc để bán thông qua các đầu mối của triều đình. 

Ngoài con đường qua thương cảng Vân Đồn, nhiều người dân còn thu mua, buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa qua những con đường bộ xuyên biên giới. Đồng tiền của nhà Lý phát hành được sử dụng phổ biến, song song với tiền ấy, các loại tiền của Trung Quốc và các nước cũng được sử dụng…

Đây chính là dấu mốc đầu tiên ghi dấu việc hình thành một lớp người được gọi là thương nhân Đại Việt, những doanh nhân đầu tiên ở nước ta.

Kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 2: Rực rỡ Vân Đồn và danh tướng, doanh nhân Trần Khánh Dư trên Reatimes.vn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top