Aa

Kỳ 1: Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản

Thứ Bảy, 22/06/2019 - 06:01

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đất nước, đô thị mở rộng, nông thôn mới được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao cũng đã cuốn đi nhiều giá trị di sản văn hóa vô giá mà cha ông để lại.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong sự lúng túng, chậm chễ, hoạt động chưa hiệu quả của công tác bảo tồn có một phần lỗi từ sự thiếu vắng các cơ sở lý luận, mà trong đó lý luận về nhận diện giá trị di sản tại Việt Nam là một trong những lý luận quan trọng, là cơ sở để có các giải pháp bảo tồn đúng đắn, thực sự chưa được quan tâm nghiên cứu và xây dựng một cách có bài bản.

Trước hết phải khẳng định nhận diện giá trị là công việc khó khăn, phức tạp. Nếu nói về niên đại, không hẳn cứ công trình cũ hơn thì giá trị hơn công trình mới. Di sản kiến trúc, đô thị, cảnh quan không phải là đồ cổ. Một cái bát cổ sứt sẹo với người buôn đồ cổ thì quý, với người thường thì nó không bằng cái bát lành lặn có thể dùng ăn cơm hàng ngày.

Nói về thẩm mỹ khiến trúc hay nghệ thuật, cũng chưa hẳn những công trình cũ đã đẹp hơn những công trình mới. Nói về công năng, một ngôi nhà sắp đổ, dù có niên đại vài trăm tuổi, phải đóng cửa, xiêu vẹo rêu phong cũng đâu có giá trị bằng ngôi nhà mái bằng mới xây có đủ tiện nghi.

Trong công trình tưởng niệm, có những miếu cổ đổ nát bên gốc Đa già luôn có người đi qua khấn vái, hương hoa mùng một, ngày rằm, còn nhiều tượng đài nguy nga lại vắng vẻ. Giá trị tinh thần, tâm linh không hẳn đo đếm bằng khối tích và tiền bạc xây dựng.

Rồi ngay trong một chiếc cổng làng có rễ cây xù xì bám xung quanh, cũng cần bàn luận xem cái cổng cũ sắp đổ quý hơn hay cái cây cổ với rễ cây xù xì đó, nguyên nhân làm cái cổng bị đổ quý hơn, dù cái cây hình thành sau cái cổng cả trăm năm.

Phức tạp hơn nữa là sự chồng lớp nhiều dấu ấn kiến trúc, lịch sử qua thời gian. Công trình kiến trúc ở nước ta thường làm bằng gỗ, nhiều lắm sau 50 năm cũng phải thay thế, trùng tu. Có khi móng nhà Lý, cột thời Trần, Lê, mái thời Nguyễn, thật khó biết đâu gọi là di tích gốc trùng tu, sửa chữa.

Hơn thế nữa, với từng nhóm người tham gia công tác bảo tồn, nhận diện giá trị di sản khác nhau thì cũng dễ có quan điểm khác nhau.

Với các nhà chuyên môn, mặc dù đã được đào tạo tuân thủ một số nguyên tắc trong bảo tồn như Hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931), Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích, di chỉ (Hiến chương Venice - 1964), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972), Hiến chương của ICOMOS Australia về bảo vệ các địa điểm di sản có giá trị văn hóa (Hiến chương BURRA - 1979, sửa đổi 1981, 1988, 1999), Hiến chương Florence (1981) về bảo tồn các hoa viên lịch sử, Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học (1990), Văn kiện Nara về tính xác thực (1994), Công ước quốc tế về du lịch văn hóa (1999), Hiến chương về di sản xây cất bản xứ (1999)… Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Bộ Văn hóa - Thông tin 2003). Tuy nhiên trong quá trình áp dụng vẫn có những cách hiểu khác nhau gây tranh cãi, bởi những văn kiện bối cảnh của mỗi nước, mỗi trường hợp cần có sự vận dụng cho phù hợp.

Khó hơn nữa đó là cộng đồng xã hội, những người không có chuyên môn, không được học về bảo tồn, nhưng có quyền bàn luận, có quyền đưa ra quan điểm về nhận diện giá trị. Vì giá trị văn hóa cũng chính là giá trị được cộng đồng công nhận qua thời gian. Tiếng nói của số đông, nói nhiều trở thành chân lý, đúng đắn, đặc biệt trong thời đại truyền thông kỹ thuật số phát triển.

Thường có ý kiến không đồng tình, thậm chí bất bình với những nhận diện giá trị khác với mình chính là những người đang sở hữu di sản đó. Có một cái giếng cổ trong một ngôi nhà ở tại một làng chúng tôi nghiên cứu, hàng ngày lác đác lại có người đến xem, quấy rầy gia chủ, người chủ nói đùa rằng, “thôi tôi cho các anh cái giếng, mang nó đi đâu cũng được”, vì giếng này gia đình cũng đâu có cần nữa, họ dùng nước máy từ lâu rồi, xét về sử dụng nó cũng chẳng còn giá trị.

Những lập luận trên đây đưa ra để thấy vai trò quan trọng của lý luận nhận diện giá trị. Cần đưa ra được những nguyên tắc, cách làm sao cho những quan điểm, cách đánh giá đưa ra được nhiều người đồng thuận nhất rồi mới bàn đến cách làm, phương pháp để nhận diện giá trị đó. Nếu nhận diện giá trị không đúng, không thống nhất thì các giải pháp bảo tồn đưa ra lại còn tranh cãi theo cấp số nhân, phức tạp gấp bội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top