Aa

Kỳ 1: Văn hóa quảng cáo hay rác đô thị?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 29/11/2017 - 06:00

Ở mỗi thành phố, quảng cáo chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống đô thị nói chung và trong diện mạo kiến trúc nói riêng. Có thể nói quảng cáo là một sản phẩm văn hóa chứa nhiều hàm lượng thông tin cần cho cuộc sống. Song việc quảng cáo bừa bãi trên đường phố đã góp phần làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, gây bức xúc cho một bộ phận không nhỏ dân cư đô thị.

Quảng cáo bủa vây đô thị

Hiện nay, không gian của các đô thị đang bị bủa vây bởi rác quảng cáo từ cột điện, tường nhà, trên dây điện, đầu ngõ,… Ở bất cứ đâu, người ta cũng dễ dàng nhìn thấy, từ các ấn phẩm quảng cáo quy mô lớn đến rao vặt manh mún và nhỏ lẻ.

Ðáng buồn hơn, những bức tường nhà, tường rào được tạo dáng và sơn sửa đẹp mắt hài hòa với kiến trúc công trình và cảnh quan đã bị những dòng chữ sơn đen, tờ giấy dán thông báo địa chỉ khoan cắt bê tông, chống thấm dột, thông tắc cống rãnh, hố vệ sinh... bôi đen. Khiến cho bộ mặt thầm mỹ kiến trúc đô thị lem nhem nhiễm bẩn.

Những bức tường trên đường phố lem nhem bởi quảng cáo tờ rơi (Ảnh: Hồng Vũ)

Những bức tường trên đường phố lem nhem bởi quảng cáo, tờ rơi (Ảnh: Hồng Vũ)

Với nỗ lực chỉnh trang mỹ quan đô thị, chính quyền Hà Nội từng ra tay dẹp loạn quảng cáo kiểu này nhưng cũng chỉ mang tính “chiến dịch”, "đánh trống bỏ dùi". Sau những đợt ra quân rầm rộ suốt thời gian dài để cạo bóc những mẩu tin quảng cáo, còn lại là những bức tường loang lổ, nhếch nhác. 

Không chỉ dán, sơn, đóng dấu, một hình thức quảng cáo được cho là khó tháo dỡ đó là treo lủng lẳng các tấm bạt lên đường dây điện. Những quảng cáo dự án, chung cư, đất nền biệt thự cứ thế đong đưa giữa không gian với chiều cao được tính toán sao cho vừa đủ tầm nhìn và khó lòng giật xuống được nếu không có thang và sự trợ giúp từ phía điện lực. 

Không chỉ vậy, hiện nay trên nhiều tuyến phố, các trục đường cửa ngõ vào ra thành phố đều nhan nhản những biển quảng cáo tấm lớn và siêu lớn. Có không ít những tấm biển quảng cáo chẳng hiểu vô tình hay cố ý đã che khuất tầm nhìn, che lấp diện mạo kiến trúc thẩm mỹ của các công trình, các tòa nhà. Do thiếu đồng bộ đã tạo nên một bộ mặt đô thị chắp vá.

Thay vì dán, nhiều quảng cáo đóng dấu trên tường để khó tháo gỡ (Ảnh: Hồng Vũ)

Thay vì dán, nhiều quảng cáo đóng dấu trên tường để khó tháo gỡ (Ảnh: Hồng Vũ)

Quảng cáo là lời chào của thương hiệu, là tín hiệu của một đô thị phát triển, là nét chấm phá góp phần làm nên bản sắc văn hóa một cộng đồng dân cư mở. Việc tiếp thị, mở rộng không gian cho thông tin về sản phẩm kinh doanh là quan trọng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về hiệu quả mà các hoạt động đó mang lại. Bởi dù bất cứ hình thức quảng cáo nào thì trước hết vẫn phải tôn trọng không gian sinh thái, văn hóa của đô thị và thành phố.

Thiết kế quảng cáo gắn liền với công trình

Theo phân tích của PGS.TS. Phạm Hùng Cường - Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là ở các tuyến phố thương mại, dịch vụ quảng cáo là lớp không gian thứ 2, lớp vỏ của lớp không gian kiến trúc, nó là lớp không gian thực mà chúng ta tiếp cận, quan sát và cảm nhận hàng ngày. Vì vậy không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc tổ chức không gian đô thị, loại bỏ nó trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế công trình. Tuy nhiên đây lại đang là khâu bỏ ngỏ trong quá trình thiết kế, quy hoạch hiện nay.

biển quảng cáo chẳng hiểu vô tình hay cố ý đã che kín tầm nhìn, che lấp diện mạo kiến trúc thẩm mỹ của các công trình

Biển quảng cáo vô tình hoặc cố ý che lấp diện mạo kiến trúc thẩm mỹ của các công trình (Ảnh: Hồng Vũ)

Nếu nhìn ở khía cạnh thẩm mỹ đô thị thì hiện nay quảng cáo tại các thành phố có thể coi là một loại rác đô thị. Trong nền kinh tế thị trường thì đòi hỏi quảng cáo là một phần tất yếu trong chu trình hoạt động của một sản phẩm nên nó không thể vắng mặt trong không gian đô thị hiện nay.

Các biển quảng cáo luôn muốn được đặt ở vị trí có thể quan sát được rõ nhất, nội dung quảng cáo luôn muốn được ấn tượng nhất. Điều này mâu thuẫn với việc tổ chức không gian đô thị, khi mà người thiết kế luôn lấy hình khối, tỷ lệ công trình, phối kết cảnh quan… làm vật liệu chủ đạo để tạo tính thẩm mỹ của không gian. Ví dụ thường thấy là các hướng nhìn ra công viên, hồ nước, không gian mở vốn được quan tâm trong quy hoạch thì lại bị án ngữ bởi các biển quảng cáo khổ lớn.

đã đến lúc phải nhìn nhận lại về hiệu quả mà các hoạt động đó mang lại

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại hiệu quả của các hoạt động quảng cáo (Ảnh: Hồng Vũ)

PGS.TS. Phạm Hùng Cường nhấn mạnh: “Phải hiểu rằng, quảng cáo là một loại hình, một bộ phận của không gian nhưng không phải là yếu tố chủ đạo, làm biến đổi không gian. Theo đó, phải trả lời được câu hỏi quản lý quảng cáo thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Hiện nay công tác quảng cáo tại đô thị đang giao toàn quyền cho các cơ quan văn hoá quản lý, thiếu hẳn bước thiết kế đô thị làm định hướng khung cho quảng cáo, dẫn đến các nhà làm quảng cáo và các nhà quản lý hết sức lúng túng, thực hiện tuỳ tiện.

Đã đến lúc phải có những quy định cụ thể hơn cho việc thiết kế quảng cáo trong đô thị mà nội dung thiết kế đô thị phải có một vai trò quan trọng trong việc đề xuất yêu cầu, nguyên tắc kiểm soát quảng cáo".

Ghế nghỉ, hành lang cầu, trạm điện thoại, thùng rác, chỗ trông xe, chòi nghỉ ...

Ghế nghỉ, hành lang cầu, trạm điện thoại, thùng rác, chỗ trông xe, cột điện...đều là những nơi có thể dán quảng cáo (Ảnh: Hồng Vũ)

Thứ nhất, thiết kế đô thị đề xuất những khu vực được làm quảng cáo, các hướng nhìn không được xâm phạm và các chỉ tiêu cụ thể để kiểm soát như tỷ lệ phần trăm diện tích quảng cáo, vị trí, màu sắc, ánh sáng, vật liệu quảng cáo trên công trình…Chỉ có thông qua thiết kế đô thị các yếu tố kiểm soát đô thị mới được cụ thể hoá để đảm bảo tính thẩm mỹ chung.

Thứ hai, các trường đào tạo mỹ thuật công nghiệp, nghệ thuật cũng cần trang bị các kiến thức về quảng cáo đô thị cho các học viên, có như vậy mới có thể có quan điểm, giải pháp tốt trong quá trình thiết kế.

Thứ ba, về quản lý cần thiết có sự phối hợp giữa Sở văn hoá các tỉnh thành với cơ quan quản lý đô thị để phối hợp kiểm soát về nội dung quảng cáo với vấn đề thẩm mỹ đô thị. Tránh hiện tượng cho phép làm quảng cáo tuỳ tiện như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top