Aa

Kỳ 2: Ga ngầm C9 tác động như thế nào đến di tích?

Thứ Tư, 16/01/2019 - 06:00

Trước những phản ứng về sự tác động của ga C9 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đối với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc xây dựng nhà ga ngầm C9.

Phối cảnh nhà ga C9 dự kiến đặt cạnh Hồ Gươm.

Phối cảnh nhà ga C9 dự kiến đặt cạnh Hồ Gươm.

Hà Nội khẳng định tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa

Theo UBND TP, quá trình lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 đã được UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô, bảo đảm hài hòa giữa phát triển đô thị, kinh tế, xã hội và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm đã tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Các nguy cơ tác động tiêu cực tiềm ẩn đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, đề xuất biện pháp thi công tiên tiến, phù hợp để giảm thiểu tối đa, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực.

Ga ngầm C9 có 4 cửa lên xuống. Ga số 1 được bố trí trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Ga ngầm C9 có 4 cửa lên xuống. Ga số 1 được bố trí trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2, nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút một mét, nhưng là đi ngầm. Đỉnh hầm cách mặt đất 12,3m, đáy hầm cách mặt đất 18,8m, không xâm phạm vùng bảo vệ 1, tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định, tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ và vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ (Hồ Gươm) phía trước Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội là "hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đã được hình thành, phát triển nghiên cứu trong giai đoạn dài từ 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyên suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch".

Do vậy, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được triển khai theo cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bảo vệ quan điểm quy hoạch xây dựng nhà ga C9 tại vị trí đề xuất, Trưởng BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh phân tích: So với các phương án khác, hướng tuyến đề xuất có nhiều ưu điểm và có tính khả thi hơn nên được UBND TP. Hà Nội đề xuất, được các Bộ, ngành liên quan chấp thuận.

Cửa số 2 ga ngầm C9 bố trí trong đất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Cửa số 2 ga ngầm C9 bố trí trong đất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Theo ông Minh, vị trí ga ngầm C9 và 4 cửa lên xuống đã được các cơ quan liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội đồng Kiến trúc, quy hoạch TP. Hà Nội… cơ bản thống nhất. Đặc biệt, trong lần trưng bày giới thiệu lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 hồi tháng 3/2018, BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội đã nhận được hơn 1.700 phiếu đóng góp, trong đó 90,3% đồng ý với phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 dự kiến.

Kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực

Đề cập đến sự tác động của ga ngầm C9 trong quá trình thi công, ông Noburu Nakagawa, chuyên gia của dự án cho biết: Dự án áp dụng các phương án thi công ga ngầm và tuyến hầm tiên tiến nhất, nhằm giảm thiểu tối đa, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu tực đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích.

Cụ thể, tuyến hầm được thi công bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ. Tại vị trí Tháp Bút, khả năng lún bề mặt chỉ từ 2-4mm, không ảnh hướng đến an toàn của tháp. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dày 0,3m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gât ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực.

Cửa số 3 ga ngầm C9 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm.

Cửa số 3 ga ngầm C9 đặt bên cạnh thân ga, trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm.

Ga ngầm được thi công theo phương pháp đào từ trên xuống (top – down), kết hợp tường vây chống thấm nước, do vậy sẽ không có sự giảm sụt mực nước ngầm, làm ảnh hưởng đến hồ Hoàn Kiếm.

Vùng ảnh hướng lún khi thi công giới hạn trong khoảng 34m, với độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ, trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép để không ảnh hướng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu và các công trình lân cận khác.

Đồng thời, thiết kế yêu cầu nhà thầu thi công phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, an toàn thi công theo chuẩn mực quốc tế và quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.

Sau khi thi công ga xong, đường, hè phố Đinh Tiên Hoàng và công viên Bờ Hồ sẽ được hoàn trả nguyên trạng; sẽ thay thế hoàn toàn cửa hàng, nhà vệ sinh hiện tại bằng cửa lên xuống số 3 không mái che, cải thiện rõ nét cảnh quan, môi trường khu di tích. Nhà vệ sinh sẽ được đưa xuống khu vực ga ngầm…

Cũng theo ông Noburu Nakagawa, dự án được thiết kế lắp đặt hệ thống kết cấu đường sắt chạy tàu chống rung, sẽ giảm tối đa tiếng ồn và rung động. Trong giai đoạn vận hành tàu, mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65dB, dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Thậm chí, giá trị đó còn giảm đo nhiều (bị triệt tiêu) trên bề mặt nền đất do có vỏ hầm và lớp đất dày bao phủ bên trên, bảo đảm không ảnh hưởng tới các công trình di tích và các công trình lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, đền Bà Kiệu.

Cửa số 4 ga ngầm C9 được bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, dưới phố Hàng Dầu

Cửa số 4 ga ngầm C9 được bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, dưới phố Hàng Dầu

Trước lo ngại, ga C9 sẽ góp phần tạo xung đột giao thông trong khu vực, Trưởng BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết: Ga C9 chỉ có vai trò trung gian, đáp ứng như cầu của hành khách là dân địa phương, nhân viên đến làm việc tại các cơ quan trong khu vực, du khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ga C9 không phải là ga đầu mối, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác, nên theo tính toán lưu lượng khách thấp hơn so với các ga khác.

Vào các ngày lễ, cuối tuần, khách đến trung tâm Hà Nội sẽ tăng nhưng hệ thống tàu điện ngầm cùng hệ thống giao thông mặt đất sẽ bảo đảm lưu thoát nhanh cho người dân ra khỏi khu vực.

Với phương án đề xuất, cùng những giải pháp kỹ thuật tiên tiến nói trên, BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định: Việc xây dựng ga C9 và tuyến hầm tại khu vực không phải là phá hỏng cảnh cảnh quan môi trường khu di tích, không phải là đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn, góp phần giảm ách tắc, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh làm thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top