Aa

Kỳ 2: Một trung đoàn móc túi dưới tàu điện ngầm ở Paris

Thứ Năm, 16/11/2017 - 06:01

Hóa ra, mất cắp ở Copenhagen chỉ là “muỗi” so với các nơi khác ở châu Âu. Copenhagen chưa lọt vào top những thành phố bị “móc túi”. Xin bạn đọc lưu ý, top 5 thành phố có tệ nạn móc túi ghê gớm nhất ở châu Âu là: Paris (Pháp), Roma (Italia), Barcelona, Madrid (Tây Ban Nha) và Prague (Czech). Bị “móc túi” ở các thành phố thuộc top này mới vào loại “đẳng cấp”. Tôi đã vinh dự “được” là nạn nhân trong vụ móc túi dưới tầu điện ngầm ở Paris, theo đúng “quy trình” như ở Copenhagen, nhưng cảm xúc thì “dữ dội” hơn rất nhiều…

Xem loạt bài: "Chạm trán thợ “móc” siêu đẳng châu Âu"

Kỳ 1: Dàn thợ “móc” đẹp trai, đầy vẻ hào hoa ở Copenhagen

Tôi mang nguyên cái cảm giác yên bình và sự phấn khích sau khi dạo chơi ở Stockhom, thủ đô của Thụy Điển, về Paris (Pháp). Mấy ngày ở Stockholm như là ở thiên đường. Đấy là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, là thành phố của mọi cảm giác, là thế giới của nước và cây. Stockholm còn được mệnh danh là “Venice” của Bắc Âu. Venice (Italia) là thành phố trên mặt biển, Stockholm là thành phố trên các hòn đảo… Chúng tôi đi mênh mang trên các tuyến tàu điện ngầm, đến các viện bảo tàng, phi thang máy lên cái quán bia cao nhất thành phố, thư thả nhấm nháp vại bia tươi, để đôi mắt tha hồ ngắm nhìn toàn cảnh. Stockholm gồm 14 đảo nối với nhau bằng 50 cây cầu, giữa một quần đảo gồm 24.000 hòn đảo trong vùng hồ Malaren và biển Baltic. Một phần ba diện tích thành phố là kênh đào và non nửa diện tích nữa là không gian xanh với công viên và cây cỏ…

Chúng tôi ra tận các bờ hồ nước ven những rừng cây để ngắm thiên nga, ngắm chim và vịt trời, ngắm mặt trời và mặt nước. Nước hồ ở đây trong xanh, đều đạt tiêu chuẩn là có thể uống trực tiếp được. Stockholm còn là thủ đô của nước sạch. Mọi vòi nước đều tinh khiết, đều ghé môi uống luôn và ngay được. Sau chuyến đi này, đi đến nơi khác hay khi đã về nước, tôi bị “nhiễm” một thói quen là cứ gặp vòi nước máy khi đang khát, là uống. Chưa thấy bị làm sao cả. Có lẽ cũng vì do cả tuổi thơ tôi đã quen bụng dạ uống nước suối chảy trên rừng, uống nước ruộng chân núi đá, nước trong thân cây, mạch rễ…

Tháp Eiffel

Tháp Eiffel

Sau Stockholm, chúng tôi có mấy ngày dừng chơi ở Paris. Do đã quen đi lại thoải mái bằng hệ thống tàu điện ngầm ở Stockholm nên chúng tôi “làm chủ” được ngay hệ thống tàu điện ngầm ở Paris. Chỉ với tấm bản đồ, vài chục Euro trong túi là chúng tôi thoải mái thăm thú các nơi: Dạo bảo tàng Louvre, ăn kem dưới chân tháp Eiffel, uống café dưới tán cây vườn Lucxembourg, ngắm hoàng hôn bên bờ sông Seine, thả bộ ở Khải Hoàn Môn trên quảng trường Charle de Gaule xem diễu hành diễu binh, tới nhà thờ Đức Bà, leo đồi Montmartre, thậm chí còn ra tận rừng Bologne vãn cảnh, thấy cả gái Tây đứng chờ khách…

Cao hứng lên, bọn tôi tự trào: “Ép Phen, Mông Mác rong chơi/Ga lên tàu xuống đã đời… trai quê” (Nhại thơ Bùi Giáng: Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/Đi lên đi xuống đã đời du côn).

Đi chơi chán chê, ăn đủ đồ Tây, bỗng lên cơn thèm phở bò tái, liền phóng tới quận 13 làm một tô vừa vừa ở quán Phở Mùi, cả TAX và puor boir hết 10 euro. Có anh thèm cơm, thì làm đĩa cơm sườn tấm cùng cốc trà đá, cũng từng ấy tiền. Đúng là đã đời chứ còn gì hơn nữa…

Sau mấy ngày no nê cảm xúc, đến lúc phải tính nước mã hồi. Mọi người bàn phải thuê taxi ra sân bay vì ai cũng có đồ khá lỉnh kỉnh. Tôi gạt đi, bảo ta đã “chơi” tàu điện ngầm mấy hôm nay, vừa thoải mái, lại rẻ tiền. Thôi, cứ đi tàu, tiết kiệm tiền, ra sân say mua lọ nước hoa xịn về tặng bu nó, có phải là “nhã” hơn không?

Thế là chia hai phe. Phe nhút nhát thì tốn tiền đi taxi. Phe mạnh bạo, do tôi dẫn đầu, thì đi tàu điện ngầm. Và, chính tôi, thủ lĩnh phe mạnh bạo, đã bị… “trừng trị một cách thích đáng”.

Tàu điện ngầm Paris

Tàu điện ngầm Paris

Chúng tôi lên tàu, ngồi ngon lành, đồ đạc được xếp gọn ghẽ, máy lạnh mát rượi, thư thái… Giữa đường có một chỗ phải đổi sang tàu khác. Chúng tôi xuống tàu. Tàu tuyến tiếp cũng vừa đến bến.

Chúng tôi vội vã xuống tàu cũ để leo lên tuyến tàu mới. Gặp đúng lúc cửa toa ùn lại vì có một thanh niên đang hốt hoảng, mồm kêu ú ớ, người cúi gập xuống để khua khoắng tay trên sàn tàu như tìm một cái gì đó quý lắm vừa rơi. Anh ta nắm chặt một cổ chân tôi như sợ tôi giẫm phải đồ của anh ta. Tôi thành ra một kẻ lò cò, vai đeo ba lô, tay bám mép cửa, tay xách va ly, chung cha chung chiêng, chân không tới đất, cật không tới giời. Đã thế, mọi người lên tàu phía sau tôi, cứ gắt gỏng đầy tức giận và đẩy ép chặt vào lưng tôi và mấy người cùng đoàn. Rồi thanh niên kia tỏ vẻ thất vọng lắc đầu, kéo theo cả mấy thằng cùng đi, nhảy xuống tàu. Chúng tôi len được vào, ngồi xuống ghế. Cửa toa đóng lại. Tôi vừa dợm ngồi, bỗng đứng bật dậy vì linh cảm sau hông mình không còn cộm lên cái ví…

Cảm giác lạnh toát chạy khắp sống lưng. Trong ví là hộ chiếu và vé máy bay cho chuyến bay về nhà, gần hai tiếng nữa là phải khởi hành. Chiếc ví ấy đã, nhanh như một tia chớp, về trong tay đội thanh niên đóng kịch làm ùn tắc cửa toa vừa rồi…

Các nhà báo Việt trong chuyến đi châu Âu

Các nhà báo Việt trong chuyến đi châu Âu

Sau này, nghĩ về vụ này, tìm hiểu thêm, thì tôi mới thấy, ở Paris, mình mới thực sự là tay Dum ngố thứ thiệt của “Thiên hạ vô tặc”. Mình là đỉnh cao chói lọi của bệnh ngố Tầu. Mấy ngày trước, mình đã đi như không giữa một thế giới móc túi mà không hề hấn gì, là bởi vì lúc đó trong người mình có gì đâu mà hề hấn? Chỉ mấy chục euro tiền lẻ, đút sâu trong túi quần, hộ chiếu để trên túi ngực, như thế thì bọn móc túi nó đâu có thèm để mắt tới!

Hóa ra dưới hệ thống tàu điện ngầm ở Paris, đội quân móc túi có số lượng tới cả một… trung đoàn. Ở Paris, có thời điểm, có tới 26.000 cảnh sát được huy động tập trung tại các khu du lịch nổi tiếng, để đảm bảo an ninh, đặc biệt là để ngăn chặn nạn móc túi và cướp giật.

Hóa ra tất cả các nơi tôi đến, đều là những địa chỉ đã lừng danh bởi nạn móc túi. Khu vực tháp Eiffel dày đặc các bẫy của bon đạo chích. Thậm chí nhân viên ở đây đã có lần đình công để phản đối chính quyền không đưa đủ lực lượng cảnh sát đến để phòng ngừa và hỗ trợ cho du khách khỏi bị móc túi. Thậm chí ở dưới chân tháp, người ta đã dựng cả một tấm biển lớn nhắc nhở du khách về tệ nạn này và các cách phòng tránh.

Các khu vực mà chúng tôi đã dạo chơi như bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà, đồi Montmartre… đều là những khu vực luôn căng thẳng vì tệ nạn này. Và trớ trêu thay, nơi bị móc túi khủng khiếp nhất tại Paris chính là trên tuyến tàu điện ngầm ra sân bay quốc tế, lại cũng là nơi tôi khinh xuất nhất.

Hóa ra dưới hệ thống tàu điện ngầm ở Paris, đội quân móc túi có số lượng tới cả một… trung đoàn. Ở Paris, có thời điểm, có tới 26.000 cảnh sát được huy động tập trung tại các khu du lịch nổi tiếng, để đảm bảo an ninh, đặc biệt là để ngăn chặn nạn móc túi và cướp giật.

Và đã có bao nhiêu là các tình huống bi hài khi bị móc túi. Du khách châu Á là đối tượng dễ bị chú ý nhất và thuộc vào loại “dễ xơi” nhất. Nhiều nhân vật nổi tiếng, văn nghệ sỹ, trong đó có nhiều người Việt Nam ta, đã thành nạn nhân.

Cái mặt tôi thì đã đặc châu Á, da vàng mũi tẹt, đã thế lại có vẻ sang trọng rất dổm, áo va rơi vàng, mũ phớt, khăn phu la khoác hờ trên cổ, ví cồm cộm sau hông… Đúng là hình ảnh điển hình cho một “con mồi ngon” trong mắt bọn “hai ngón” chứ còn gì nữa…

Trở lại vụ tôi bị móc túi. Chỉ có ba mươi giây, đó là khoảng thời gian cửa tàu dóng lại và chuyển bánh. Một loạt ý nghĩ lướt qua trong tôi: Sẽ phải ở lại cỡ chục ngày, đầu tiên là tìm đến để trình báo cảnh sát. Rồi phải lần ra đại sứ quán của ta để xin cấp giấy thông hành tạm thời. Rồi mua lại vé máy bay để bay về quê hương yêu dấu. Tiền đâu, ăn đâu, ở đâu? Chết toi mình rồi!

Nhớ lại những nhiêu khê khi trước đó khá lâu, tôi đã từng chứng kiến cảnh một anh bạn cùng đoàn đi công tác, bị đánh mất chiếc ví vì để quên trên xe taxi ở Bangkok (Thái Lan). Trong ví có cả hộ chiếu và anh đã phải mất gần một tuần đi lại bơ thờ mới có được cái giấy thông hành để về nước, chưa kể các chi phí tiền bạc ăn ở, đi lại, thuê khách sạn.

Bây giờ, chuyện ấy lại rơi trúng đầu tôi, mà lại ở Paris xa xôi và đắt đỏ này. Ngao ngán cực độ. Thôi, hãy ngồi lặng đi thở đã, rồi mọi chuyện sẽ tính sau, ở ga tới, chứ bây giờ thì không thể xuống tàu.

Tàu từ từ chuyển bánh. Rồi, không biết bằng cách nào đó, chiếc ví của tôi lại từ đâu đó bay vèo qua đầu tôi, rơi vào đúng trước mặt tôi. Nó nằm ngay ngắn trong lòng tôi như một phép thần kỳ… Tôi choàng mắt, vồ lấy và mở nhanh ra. Các thứ quan trọng nhất vẫn còn nguyên đây: Hộ chiếu, vé máy bay, chứng minh thư, các loại thẻ. Chỉ mất tiền, khoảng gần 100 euro và mấy trăm ngàn đồng Việt.

Tôi có cảm giác, mình như vừa từ vực sâu đen hút, thoắt cái lại bay lên trên đỉnh cao rực rỡ và ngời sáng tuyệt trần. Không còn gì vướng bận nữa. Ga về nước đã mở toang cánh cửa chờ mình sắp đến kia rồi…

Tôi thốt lên đầy cảm thán: “Mẹ khỉ! Phải công nhận bọn ăn cắp này văn minh thật!”. Chúng chỉ lấy thứ chúng cần và nhanh chóng trả lại cho mình thứ mình đang rất, rất cần.

Đời không nên bị móc túi. Nhưng nếu lỡ có bị thì hãy bị móc túi như kiểu của tôi dưới tàu điện ngầm ở Paris!

Đón đọc Kỳ 3: “Mình vừa vào Vatican với Chúa mà!”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top