Aa

Kỳ 2: Những đồng tiền không sạch sẽ

Thứ Tư, 20/03/2019 - 06:00

Sự chiếm lĩnh thị trường nước mắm công nghiệp của Masan đạt 70 - 80% thị phần khiến nhiều nhà kinh doanh ngưỡng mộ, nếu loại bỏ được ám ảnh về những đòn “chơi bẩn” đầy ác ý đối với 2.800 nhà sản xuất nước mắm truyền thống và đánh lạc hướng người tiêu dùng.

 

Hẳn mọi người còn nhớ cách đây hơn 2 năm, có một “bàn tay bí hiểm” nào đó đã dấy lên cuộc chiến chống lại nghề nước mắm truyền thống và cố tình dập vùi một đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam, khiến không ít người tiêu dùng hoảng sợ.

Khi đó, nước mắm truyền thống bị một thông tin làm thất điên bát đảo, rằng có hàm lượng chất cực độc có tên là asen (thường được gọi là thạch tín) vượt xa so với quy định, trong khi đó, nước mắm công nghiệp lại không có. Cuối cùng, thông tin chính thức từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn”. Nội dung công bố tiếp rằng, 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40g/l trở lên có hàm lượng arsen vượt ngưỡng cho phép.

Phát ngôn từ một tổ chức được sinh ra để bảo vệ người tiêu dùng ấy đã như quả bom tấn trên các phương tiện truyền thông và ngay lập tức, nước mắm truyền thống bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.

Thế rồi Chính phủ phải vào cuộc, và mọi người mới vỡ lẽ ra rằng, có một ý đồ xấu để “đánh lận con đen”, tìm cách vùi dập nước mắm truyền thống. Theo các nhà khoa học, asen có hai loại, đó là asen hữu cơ và asen vô cơ. Trong đó, Asen vô cơ thì rất độc còn asen hữu cơ lại vô hại với cơ thể con người. Mà trong nước mắm truyền thống lại chỉ phát hiện ra asen hữu cơ (!).

Sự ác ý của vụ việc này là do một công ty truyền thông có vốn đầu tư từ nước ngoài điều khiển, và tiếng xì xầm trong dư luận khi ấy cho rằng, đằng sau đó là có bàn tay bí mật của Masan. Rồi câu chuyện cũng qua đi sau những lời xin lỗi không thật lòng và bị phạt hành chính của những “vật tế thần”.

Rồi hôm mới đây, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã soạn thảo Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về “quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" chỉ phân thành 2 loại, là nước mắm nguyên chất và nước mắm, không có “nước mắm công nghiệp”. Trong thành phần thành viên Ban dự thảo có đại diện cao cấp của Masan. Và ai cũng hiều rằng, điều này rất có lợi cho Masan bởi lẽ cụm từ “nước mắm” sẽ trở thành tài sản riêng của họ.

Đấy, lịch sử đã chứng minh rằng, những đồng tiền kiếm được từ những chai nước mắm không nguyên chất cá biển tươi và muối kia không thể là những đồng tiền sạch sẽ.

Tự nhiên cuộc chiến về cụm từ này kéo dài hơn một thế kỷ lại hiện ra. Theo tư liệu lịch sử về nghề nước mắm, vào năm 1914, khi các nhà hàm hộ Hoa kiều dùng hóa phẩm để chế biến nước mắm. Các chủ hàm hộ bản xứ thưa kiện lên chính quyền, và sau một thời gian nghiên cứu của bác sĩ Rosé, ngày 21/12/1916, một nghị định được ban hành để trừng trị bọn mạo hóa, mượn màu nước mắm để bỏ túi hảo ngân lượng. Có lẽ, nghị định nầy lần đầu tiên đã quy định và gần như một định nghĩa thay cho tự điển: Nước mắm phải làm bằng cá biển tươi và muối biển. Thế là các chú Ba chết ngắc vì một số chủ hãng bị truy tố, đóng cửa và phạt vạ.

Tại sao họ phải làm giả? Cũng dễ hiểu thôi, bởi nước mắm là món ăn truyền thống và không thể thiếu trong từng bữa cơm của tuyệt đại đa số người dân; phần khác, sản xuất nước mắm vừa vất vả lại vừa phải có điều kiện đặc thù, đó là cá biển tươi!

Thời gian qua đi, do thấy lợi ích lớn, “con bạch tuộc gian thương” ngành nước mắm pha chế cũng trồi dậy và lập lờ đánh lận con đen. Với mục đích ngăn chặn nước mắm giả xấu, kém đạm chất, pha trộn tràn ngập thị trường, Viện Pasteur đã thành lập một phòng thí nghiệm tại Phan Thiết để kiểm nghiệm 800 mẫu nước mắm của các vùng sản xuất từ bắc đến nam trong khoảng tháng 9 đến tháng 12/ 1929.

Từ kết quả của phòng thí nghiệm , ngày 30/4/1930, Chính phủ ban hành một nghị định bắt buộc nước mắm miền nam phải có ít nhất 15 gram đạm chất và miền bắc (từ Quảng Trị trở ra) 5 gram đạm/lít và nói rõ là nước mắm miền bắc không được lưu thông trong miền nam, trên nhãn dán phải có in chữ là “nước mắm miền bắc” hoặc “nước mắm miền nam” để tiện bề phân định nước mắm vùng miền.

Không riêng vì các chú Ba, một vài công ty ngoại quốc thấy nguồn lợi từ nước mắm quá lớn nên đã nhảy vào rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm bằng cách cấy vi khuẩn vào bụng cá, dùng bột cá pha trộn thêm cho giàu đạm hoặc dùng chất tạo mùi nước mắm.

Để bảo vệ nghề làm nước mắm cổ truyền trước sự tấn công của các loại nước chấm giả nước mắm, ngày 17/11/1943, chính quyền ra nghị định bảo vệ nghề làm nước mắm cổ truyền chiếu theo khoản 1 “Cấm chế tạo, trình bày, bán dưới danh nghĩa từ nước mắm, những sản phẩm nào không phải làm ra theo tục lệ thông thường và chân thật của kỹ thuật cổ truyền người Việt Nam”. Cũng theo nghị định này, bắt buộc nước mắm nhứt phải có 18 độ đạm và nước ngang phải đủ 15 độ đạm/lít trong khắp lãnh thổ Đông Dương. 

Đấy, lịch sử đã chứng minh rằng, những đồng tiền kiếm được từ những chai nước mắm không nguyên chất cá biển tươi và muối kia không thể là những đồng tiền sạch sẽ.

Kỳ sau: Đòn sau cao thủ hơn đòn trước!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top