Aa

Kỳ 2: Những tấm bình phong kỳ ảo!

Thứ Ba, 19/11/2019 - 13:25

Cùng mang danh là nước sạch, cùng theo một tiêu chuẩn của quốc gia, cùng chung trên địa bàn thành phố, vậy tại sao giá nước sạch Sông Đuống lại “vượt mặt” nước sạch Sông Đà với khoảng cách khủng khiếp như vậy?

Để có thể mường tượng ra quy mô thị trường nước sạch của Hà Nội lớn bằng ngần nào, ta có thể lấy con số này trong quy hoach đã được phê duyệt: “Phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản tất cả hộ dân được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó bình quân cấp nước đô thị đạt 150 - 180 lít/người/ngày đêm”.

Vậy mỗi tháng mỗi người khoảng 4 - 5m3 nước sạch (mức vùng đô thị bù nông thôn), giá bình quân 8.000 đồng/m3 trong một thị trường 8 triệu người dùng (không kể vài triệu khách vãng lai, chưa kể nước dịch vụ kinh doanh) thì sẽ tạo ra một nguồn doanh thu khá hấp dẫn, khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng một năm.

Với nhà đầu tư, doanh số cũng chỉ để “làm đẹp sổ sách” mà thôi, vấn đề quan trọng là lời lỗ thế nào? Ta hãy tạm tham khảo con số của Công ty Nước mặt Sông Đà. Các nguồn thông tin cho hay, trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Công ty Sông Đà đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đều trên 100 tỷ đồng: 147 tỷ đồng (năm 2015), 167 tỷ đồng (năm 2016), 169 tỷ đồng (năm 2017), 218 tỷ đồng (năm 2018).

Doanh thu như thế, tỷ suất lợi nhuận như thế, ai chả “phê”! Mà điều hấp dẫn đặc biệt nữa là thị trường cực kỳ ổn định, chỉ ngày càng tăng chứ không giảm, tiền về “đều như vắt chanh”. Nếu nói các nhà đầu tư khai thác nước mặt sông Đuống, sông Hồng không nhìn ra “chiếc bánh ngọt” này, quả là không ai tin.

Nước là nhu cầu thiết yếu không thay đổi của con người. (Ảnh minh họa)

Kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1081/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hạ tầng cấp nước cho Hà Nội, trong đó xác định “Từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm. Triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: Nhà máy nước mặt Sông Đà, Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Nhà máy nước mặt Sông Hồng”, nhiều nhà đầu tư rất muốn đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng không phải cứ ai muốn là được.

Từ đó đến nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng cấp nước của Hà Nội diễn ra đằng sau tấm bình phong kỳ ảo ấy. Lần lượt các nhà máy nước mặt Sông Đà, Sông Đuống, Sông Hồng ra đời.

Rồi cho đến những hôm gần đây, dư luận ồn ào bởi thông tin TP. Hà Nội mỗi tháng sẽ phải cấp hàng chục tỷ đồng bù lỗ cho... doanh nghiệp nước ngoài bởi việc mua nước sạch của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.

Nhà máy nước mặt sông Đuống nằm tại huyện Gia Lâm với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngày đêm sau năm 2030. Giai đoạn 1 đã được khánh thành vào ngày 5/9/2019 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Cách đây ít ngày, một công ty của Thái Lan đã nắm trọn 34% cổ phần của công ty nước mặt này.

Việc chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp là rất bình thường, mà việc bù lỗ cho các doanh nghiệp công ích cũng là việc rất bình thường nếu như thành phố quyết định mua với giá thấp hơn giá bán đầu ra của doanh nghiệp. Thế nhưng riêng với nước mặt Sông Đuống lại có vấn đề cần phải bàn.

Đó là việc thành phố chấp nhận giá đầu ra của nước sạch Sông Đuống đang quá cao so với nước sạch Sông Đà, cụ thể là trong khi Sông Đà bán giao với giá 5.069,76 đồng/m3, thì Sông Đuống có giá bán tạm tính gấp đôi, tới 10.246 đồng/m3. Mà giá mua đầu vào cao, giá bán đầu ra thấp thì đương nhiên ngân sách phải bù lỗ.

Nỗi băn khoăn của nhiều người nằm ở chỗ, mặc dù nước sạch Sông Đà chỉ bán với giá 5.069,76 đồng/m3 nhưng tính từ những năm đầu đến nay, lợi nhuận sau thuế của công ty này tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng, đến năm 2018 đã lên tới hơn 218 tỷ đồng).

Cùng mang danh là nước sạch, cùng theo một tiêu chuẩn của quốc gia, cùng chung trên địa bàn thành phố, vậy tại sao giá nước sạch Sông Đuống lại “vượt mặt” nước sạch Sông Đà với khoảng cách khủng khiếp như vậy?

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Internet

Đó là chưa kể thị trường được phân chia của nước sạch Sông Đuống “độc quyền” lớn gấp 3 lần so với nước sạch Sông Đà, khoảng 3 triệu dân so với khoảng 1 triệu dân.

Tuy biết rằng quy trình thẩm định và phê duyệt giá nước sạch tối đa cho các nhà máy nước của Hà Nội được tiến hành khá chặt chẽ, có đủ các thành phần của Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, rồi lại phải được phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố, nhưng thực tiễn nhiều lần đã chứng minh rằng, chỉ lơi mắt ra một tý là “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.

Thì ra, tất cả những vấn đề khúc mắc đối với dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống chỉ xung quanh vấn đề, tại sao một dự án lớn như thế, liên quan đến túi tiền và cuộc sống thường ngày của hàng triệu người dân như thế lại không được minh bạch trong việc mời gọi nhà đầu tư, công khai đấu thầu?

Chính vì không công khai đấu thầu nên mới nảy sinh ra nhiều câu hỏi, vì sao thành phố “mời” nhà đầu tư này chứ không phải nhà đầu tư khác?

Chính vì không công khai đấu thầu nên hàng triệu người dân trong vùng thị trường đã được định sẵn kia có cảm giác như chính mình bị bắt làm “con tin” cho một thế lực độc quyền. Bởi lẽ như TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhận xét trong một hội thảo mới đây, rằng thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở, bởi nếu như cafe có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không, nhưng nước hay điện thì nhu cầu gần như không thay đổi. Và ông đặt câu hỏi: "Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu lớn và ổn định thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh là vô cùng. Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không?".

Chính vì không công khai đấu thầu nên không ít người coi đây là biểu hiện của “lợi ích nhóm”, là “doanh nghiệp sân sau” của ai đó trong bộ máy công quyền. Mọi mức giá được đặt ra hiện nay đều thiếu tính thuyết phục. Chẳng thế, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã nêu ý kiến của mình trên báo Tiền Phong: “Theo tôi biết, không phải chỉ có công ty đầu tư dự án nước mặt Sông Đuống, rất nhiều doanh nghiệp khác muốn tham gia vào việc kinh doanh, cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô. Vậy tại sao không đấu thầu? Tại sao giá nước đơn vị này cung cấp lại cao hơn những nơi khác? Tôi chưa nói đây có phải thương vụ "hớ" hay không mà Hà Nội phải giải thích tại sao giá nước Sông Đuống cao hơn, và tại sao lại không qua đấu thầu để chọn nhà đầu tư có giá thành phù hợp hơn? Hà Nội cần phải xem lại cách kêu gọi đầu tư, làm sao cho đảm bảo hợp lý, công bằng”.

Kỳ sau: Có thể xóa bỏ độc quyền cung ứng nước sạch?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top