Aa

Kỳ 2: Từ lý tưởng đến khởi nghiệp

Thứ Sáu, 09/03/2018 - 06:00

“Con gái đầu lòng của tôi bị bệnh nhưng tôi không cứu sống được nó, chủ yếu do tôi không có tiền, vì thế, tôi buộc phải đi tìm lối thoát để làm một người cha tử tế. Và tôi phải hy sinh triển vọng khoa học của mình”.

Xem loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt"

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Nguyễn Trần Bạt tâm sự:

- Con người có một đặc tính là dễ an phận và lười biếng. Khi lười biếng và an phận thì con người không xem xét mình xấu hay tốt mà xem xét mình tích cực hay không tích cực, mình thành công hay không thành công. Đôi khi tôi cũng bị giằng xé giữa việc mình thành công hay không thành công, mình có dám làm hay không dám làm, nhưng tôi chưa bao giờ rơi vào trạng thái băn khoăn là mình xấu hay tốt. Tôi thường rơi vào trạng thái giằng xé giữa tốt và tốt hơn. Mỗi bước ngoặt của cuộc đời tôi đều có cân nhắc.
Rồi ông kể:

- Năm 1963, vì nhà nghèo, tôi buộc phải bỏ học để đi làm. Vào những năm đó, người tốt nghiệp cấp III là đã có trình độ kha khá trong xã hội, do đó, một người gần tốt nghiệp phổ thông như tôi, có thể xin việc tại nhiều cơ quan ở Hà Nội. Nếu tôi làm ở Hà Nội thì tôi rơi vào trạng thái công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", cho nên tôi muốn mình đi một con đường khác hơn. Tôi đi thanh niên xung phong, xây dựng kinh tế và văn hoá miền núi. Tôi không chỉ tìm ra được một công việc để có lối thoát về vật chất mà hơn thế, tôi còn tìm ra lối thoát tinh thần khi với công việc đó, tôi có thể có nhiều kinh nghiệm hơn, có nhiều hứng thú hơn, có những mục tiêu lãng mạn hơn và giải thoát mình ra khỏi sự tầm thường. Tôi đã thay thế chỗ làm việc thông thường bằng việc tham gia vào một hoạt động mà tôi nghĩ, lúc ấy, nó là dòng chủ trong đời sống tinh thần của thanh niên. Khi đang là thanh niên xung phong, người ta tuyển quân và tôi hoàn toàn không bắt buộc phải đi bộ đội, nhưng tôi muốn đi và tôi đấu tranh với bản thân mình để trở thành một người lính. Khi tôi ốm, không đủ sức khoẻ để phục vụ quân đội nữa thì người ta yêu cầu tôi giải ngũ. Và tôi đã rất đau khổ khi phải quay lại hậu phương trong hoàn cảnh đó. Phải nói thật là tôi thấy tự hào, bởi vì vào những thời điểm như vậy, tôi vẫn luyến tiếc cái chỗ con người có thể phải hy sinh cả tính mạng của mình cho đời sống. Tôi rất tự hào vì lúc trẻ, tôi có những lúc cân nhắc như vậy và tôi thắng chính mình vào những phút ấy.

Chân dung ông Nguyễn Trần Bạt

Chân dung ông Nguyễn Trần Bạt

Và ông kể tiếp:

- Tất nhiên là tôi nghĩ ngay đến việc học tiếp đại học. Tôi theo học và tốt nghiệp chuyên ngành cầu đường. Kỹ sư xây dựng thì không vất vả bằng kỹ sư cầu đường. Đối với các công trình giao thông vận tải, khối lượng và quy mô của nó rất lớn, bản chất kỹ thuật của quá trình xây dựng cũng rất phức tạp nên đòi hỏi người kỹ sư phải có tinh thần trách nhiệm cao. Tuy vậy, với tôi, công việc đó thực ra rất lãng mạn và tôi yêu nghề của mình. Những người dạy tôi đều giữ những địa vị cao trong xã hội, như Giáo sư Đỗ Quốc Sam đã từng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước; Giáo sư Đặng Hữu, là Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, sau này làm Trưởng ban khoa giáo của Đảng; Giáo sư Lê Văn Thưởng đã từng làm Vụ trưởng Vụ quản lý các trường đại học. Tôi có triển vọng trong nghề ấy, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi không thích hợp để tôi đi tiếp nghề ấy. Con gái đầu lòng của tôi bị bệnh nhưng tôi không cứu sống được nó, chủ yếu do tôi không có tiền, vì thế, tôi buộc phải đi tìm lối thoát để làm một người cha tử tế. Và tôi phải hy sinh triển vọng khoa học của mình. Tình yêu đối với sự nghiệp của một con người cũng lớn lắm, nó chỉ thua kém tình yêu đối với người vợ và tình yêu đối với những đứa con mà thôi. Cho nên có thể nói đấy là một sự hy sinh, đấy là một sự lựa chọn cũng gay gắt.

Những năm trước khi đất nước Đổi mới, nếu là người an phận, Nguyễn Trần Bạt hoàn toàn có thể dựa vào gia đình vợ, thêm một chút kiên trì là chắc chắn trở thành một người có địa vị cao trong xã hội. Nhưng nếu làm vậy, đã không phải là Nguyễn Trần Bạt. Ông hiểu rằng, không phải ai cũng có diễm phúc để hiểu giá trị to lớn của tự do, trong đó có tự do kiếm sống. Và ông quyết định thành lập công ty. Ông tìm hiểu rất kỹ về nghề tư vấn luật. Và ông biết phải đến nơi nào trên thế giới này để tham khảo kinh nghiệm và tìm cảm hứng.

Ông Bạt tiếp tục mạch chuyện mà tôi muốn “thóc mách”:

- Năm 1990, tôi đến New York và được tổ chức nói chuyện tại Đoàn Luật sư New York. Không có đoàn luật sư nào trên thế giới này đem so được với Đoàn Luật sư New York, công ty luật nhỏ nhất ở New York cũng phải có 600 luật sư. Việt Nam còn rất lâu nữa mới có được công ty luật có 600 luật sư. Thế mà tôi đã nói chuyện ở đấy, tôi nói rằng tôi sẽ xây dựng một công ty luật chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nhưng lúc ấy tôi chưa phải là luật sư, tôi chưa học luật. Tôi chưa học luật mà tôi có ý chí phải thành lập một công ty luật, phải trở thành luật sư, phải kiếm tiền. Nếu như người ta không muốn chết trên đường phố New York thì người ta phải trả một ngàn đô la một giờ cho các luật sư New York. Người ta cũng phải trả cho chúng tôi một nửa như thế nếu không muốn mất tiền ở một khu rừng rậm nhiệt đới như Việt Nam. Chúng tôi đã mời được rất nhiều công ty luật ở New York đến Việt Nam như Coudert Brothers, Baker & McKenzie, White & Case... Chúng tôi có mối quan hệ cực kỳ hiệu quả với giới luật sư New York.

Cuộc chuyện của chúng tôi tạm thời dừng lại. Tôi là người chủ động khơi chuyện, nhưng suốt từ đầu đến cuối tôi chỉ ngồi im nghe vì ông Bạt biết là tôi muốn gì ở ông. Làm việc với người thông minh sướng thế đấy bạn ạ. Tôi chỉ có thể nói thêm thế này: Công ty của ông Nguyễn Trần Bạt là công ty tư vấn luật đầu tiên ở Việt Nam. Không có công ty nào cùng loại so được với nó về mặt lịch sử và vị thế. Lúc cao điểm, công ty có số nhân viên lên tới hơn 300 người, với mức thu nhập đủ để tự hào về công việc của mình.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3 loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top