Aa

Kỳ 3: …Đến vụ án hình sự ly kỳ và rối rắm

Thứ Sáu, 27/09/2019 - 06:00

Ngày 16/9/2019, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên xử theo trình tự sơ thẩm vụ án này. Tại đây, ông Bang đã cung cấp 6 đoạn video thể hiện nội dung điều tra viên tạo dựng chứng cứ để làm oan sai cho ông...

Sự xuất hiện của nhà đầu tư lớp C, tức ông Thái Khắc Toàn, đã khiến nhà đầu tư lớp A là ông Nguyễn Đình Bang bị lôi vào cuộc bởi nhân vật đứng giữa, nhà đầu tư lớp B là ông Nguyễn Huy Khang, trong khi ông Bang không hề quen biết ông Toàn.

Tháng 6/2010, ông Toàn có đơn tố cáo với Công an quận Đống Đa (Hà Nội) rằng mình bị lừa đảo 22 tỷ đồng và 17.000USD. Người bị tố cáo là ông Nguyễn Huy Khang và ông Nguyễn Đình Bang.

Sau một thời gian thụ lý hồ sơ, Công an quận Đống Đa cho rằng đây là quan hệ dân sự nên không giải quyết. Ông Toàn không chấp nhận và tiếp tục gửi đơn tố cáo lên cấp cao hơn, đó là Công an thành phố.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án từ ngày 12/8/2010. Bị cáo Nguyễn Huy Khang và Nguyễn Đình Bang bị bắt giam ngày 22/12/2010. Riêng ông Bang đến ngày 1/6/2016 thì được tạm tha.

Tháng 11/2016, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù, Nguyễn Đình Bang 16 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến tháng 10/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm , trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 16/9/2019, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên xử theo trình tự sơ thẩm vụ án này. Tại đây, ông Bang cung cấp cho HĐXX 6 đoạn video và bản dịch là các cuộc trao đổi giữa bị cáo và điều tra viên.

Theo lời khai của ông Bang trước tòa, những đoạn video này nói lên bản chất của vụ án, trong đó thể hiện nội dung điều tra viên đã hướng dẫn những người khác khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm oan sai cho ông.

Trước những chứng cứ mới mà bị cáo Bang cung cấp, HĐXX tạm dừng phiên xử để hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX TAND TP. Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ các đoạn video mà ông Bang cung cấp.

Bản cáo trạng về vụ án xảy ra tại Công ty Trường Sinh

Đó là tóm lược diễn biến của vụ án cho đến nay.

Đọc kỹ bản cáo trạng mới nhất về vụ án này số 133/CT-VKS-P5 ngày 14/5/2019 của Viện KSND thành phố Hà Nội, tôi nhận thấy rằng, có nhiều dấu hiệu nguyên tắc suy đoán vộ tội đã bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trường hợp của ông Nguyễn Đình Bang.

Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đây chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng: Nguyên tắc suy đoán vô tội.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 13 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Riêng trường hợp của ông Nguyễn Huy Khang, tôi không phân tích, vì bằng chứng giả mạo và động cơ giả mạo để huy động vốn trong vụ việc này mà bản cáo trạng nêu đã khá rõ ràng.

Còn riêng với ông Nguyễn Đình Bang, mọi chứng cứ và lập luận của bản cáo trạng buộc ông Bang có hành vi tiếp tay cho ông Khang lừa đảo lại luôn luôn có xu hướng “suy đoán có tội”. Tôi xin nêu một vài ví dụ.

Ví dụ thứ nhất, cáo trạng buộc tội, trong cùng một ngày 23/10/2009, ông Bang cố tình lưu hành hai bản Hợp đồng chuyển nhượng tài sản (HĐCNTS) khác nhau, số 01 và số 09, trong đó có một bản đã để trống nội dung. Lợi dụng việc để trống này, ông Khang đã tự ghi số tiền đặt cọc không phải là 300 triệu đồng mà là 18 tỷ đồng, số tiền thanh toán các lần tiếp theo không phải là 4 tỷ đồng mà là 40 tỷ và 60 tỷ đồng với động cơ huy động được càng nhiều vốn càng tốt. Tại cơ quan điều tra, ông Khang đã thừa nhận hành vi và xác nhận rằng, ông Bang không hề biết việc này.

Nếu theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì cần lập luận theo hướng: Với động cơ nào để ông Nguyễn Đình Bang giúp ông Khang huy động một khối lượng vốn cao ngất ngưởng như vậy? Ông Bang có lợi gì trong việc này?

Trong hồ sơ vụ án, hoàn toàn không có một bằng chứng và lời khai nào chứng minh về sự “thông mưu” này.

Một lập luận khác, trong vụ mua bán này, ông Bang chỉ có 30% cổ phần, ông Nguyễn Kim Hải có tới 50% cổ phần. Mọi giấy tờ liên quan thì cả 2 ông đều nắm giữ. Vậy cái văn bản để trống kia đến tay ông Khang tại sao lại chỉ suy đoán cho một người là ông Bang?

Trong hồ sơ vụ án, cũng hoàn toàn không có một bằng chứng nào chứng minh văn bản để trống này từ tay ông Bang chuyển vào tay ông Khang.

Còn trường hợp vô ý trong quản lý giấy tờ để người khác lợi dụng thì đây không phải là hành vi đồng phạm

Ví dụ thứ hai, cáo trạng buộc tội rằng, sau khi HĐCNTS ngày 23/10/2009 được các bên thanh lý vì chậm thanh toán, ông Nguyễn Đình Bang đã không thu hồi từ tay ông Khang các giấy tờ đã giao cho ông Nguyễn Huy Khang, gồm Quyết định chuyển nhượng của Hội đồng thành viên, Hợp đồng chuyển nhượng, sổ đỏ, Giấy chứng nhận ĐKKD, Quyết định được giao làm chủ dự án… khiến ông Khang lợi dụng giấy tờ trên để tạo lòng tin, huy động vốn của người khác, trong đó có ông Thái Khắc Toàn.

Thú thật, với lời buộc tội này, tôi cũng không hiểu ông Bang sẽ dùng quyền lực gì để thu hồi những giấy tờ này một khi ông Khang cố tình không giao. Riêng cuốn sổ đỏ, Giấy chứng nhận ĐKKD, Quyết định được giao làm chủ dự án… cũng chỉ là bản photo nên không cần thiết sống chết cũng phải thu hồi.

Tuy nhiên, lời buộc tội này lại mâu thuẫn với một kết luận khác cũng ở trong bản cáo trạng, tức là khi ông Thái Khắc Toàn chuyển 19 tỷ đồng cho ông Bang mà không phải chuyển cho ông Khang. Điều đó hiển nhiên rằng, ông Khang không hề tạo ra lòng tin để huy động vốn từ những văn bản “không thu hồi” kia đối với ông Toàn.

Nhưng vì luôn luôn có xu hướng “suy đoán có tội” nên ông Bang vẫn bị kết tội.

Ví dụ thứ ba, bản cáo trạng nêu: “Sau khi nhận tiền của ông Thái Khắc Toàn, ngày 26/4/2010, Nguyễn Đình Bang tiếp tục ký Biên bản họp hội đồng thành viên Công ty Trường Sinh (Bang đã tự ký vào phần biểu quyết của ông Duy Đức Tuấn)”…

Như trong nội dung kỳ 2 của bài báo này, tôi đã dẫn một văn bản rất đáng lưu ý giữa hai ông Duy Đức Tuấn (bên A) và ông Nguyễn Đình Bang (bên B) là ngày 6/11/2007, một Hợp đồng kinh tế hình thành, mỗi bên góp 4 tỷ đồng trong dự án này. Trong đó có cam kết: “Nếu có rủi ro, bên A phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền mà bên B đã góp là 4 tỷ đồng. Nếu quá 30 ngày thì bên B được quyền phát mãi tài sản để thu hồi vốn mà không cần sự đồng ý của bên A”.

Điều này có nghĩa là, trong quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Đình Bang chỉ cần chứng minh dự án đang gặp phải rủi ro thì có quyền thay mặt ông Tuấn để định đoạt phần tài sản chung này.

Trong hồ sơ vụ án cũng có văn bản này. Vậy tại sao bản cáo trạng lại cứ đưa vào cho thêm rối rắm và coi việc “tự ký” kia là một hành vi cố ý của ông Bang và là chứng cứ phạm tội?...

Còn nhiều ví dụ nữa có thể chứng minh sự “suy đoán có tội” này nhưng trong khuôn khổ một bài báo không thể tải hết. Đến đây, xin có đôi lời nhận xét về vụ án này đối với ông Nguyễn Đình Bang như sau:

Thứ nhất, không tìm thấy động cơ phạm tội của bị cáo;

Thứ hai, bản thân dự án hiện tại có giá trị cao hơn nhiều so với số vốn huy động mà được coi là lừa đảo. Nếu cho phát mãi để khắc phục thiệt hại thì khi ấy, sẽ không còn người bị hại. Đây là yếu tố vật chất rất quan trọng để có thể xác định quan hệ dân sự như kết luận của Công an quận Đống Đa;

Thứ ba, nhiều căn cứ trong vụ án đã dựa vào bản photo copy làm bằng chứng để buộc tội;

Thứ tư, nhiều biểu hiện biến những lỗi hành chính thành hành vi phạm pháp;

Thứ năm, phức tạp hóa những vấn đề thông thường;

Thứ sáu, không chứng minh được nguyên đơn bị hại (Công ty Huy Phát ký hợp đồng góp vốn với Công ty Trường Sinh nhưng không góp tiền; ông Thái Khắc Toàn là người góp tiền nhưng không ký hợp đồng với Công ty Trường Sinh);

Thứ bảy, có dấu hiệu dựng án qua 6 video của ông Bang cung cấp tại Tòa.

Kỳ sau: Trò chuyện với người trong cuộc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top