Aa

Chưa “động đậy” cơ chế “trong đẩy, ngoài hút”

Thứ Hai, 02/10/2017 - 08:31

Được quy hoạch với kỳ vọng giảm tải áp lực về dân cư và nhà ở, gánh nặng ùn tắc giao thông cho nội đô Hà Nội, nhưng đến nay, các đô thị vệ tinh vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, quy hoạch nội đô đang bị băm nát từng ngày.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị với khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn nhằm góp phần giãn dân nội đô, giảm ùn tắc cho khu vực trung tâm.

Quy hoạch trên giấy

Dự báo dân số ở 5 đô thị vệ tinh đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3-1,4 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 35.200ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm, những đô thị vệ tinh này vẫn chỉ “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục phải gánh áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng…

Cụ thể, tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội, đô thị Hòa Lạc (huyện Thạc Thất) xác định sẽ quy hoạch thành đô thị khoa học công nghệ và đào tạo, mục tiêu chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút di dân. Được tạo điều kiện và thúc giục tiến độ triển khai của Chính phủ, khu công nghệ cao Hòa Lạc đang triển khai khá cấp tập.

Thế nhưng, mục tiêu trên vẫn ở phía rất xa. Bởi, dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội có quy mô 1.000 ha, gồm công trình 13 trường ĐH, bệnh viện, ký túc xá, trung tâm thể thao… được khởi công xây từ năm 2003, dự kiến hoàn thành vào 2015 với tổng vốn dự kiến ban đầu là hơn 7.200 tỷ đồng nhưng tới nay vẫn “mịt mờ”.

Phần lớn diện tích đất Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn đang bị bỏ hoang.  

Hay khu công nghệ cao Hòa Lạc đã triển khai 19 năm nhưng vẫn chưa xong hạ tầng. Sức hút nhà đầu tư vào triển khai tại khu công nghệ cao này còn khó khăn và nhiều hạn chế.

19 năm triển khai, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa triển khai xong hạ tầng, nhà đầu tư vào khu công nghệ còn hạn chế.

Bên cạnh sự ì ạch, chậm chạp của đô thị Hòa Lạc, 4 khu đô thị mang bóng dáng 4 đô thị vệ tinh còn lại của Hà Nội vẫn chưa hình thành và phát triển nhạt nhòa. Trong đó:

Tại cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô, quy hoạch chung đô thị vệ tinh Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) có diện tích đất tự nhiên là hơn 6.537ha. Dự kiến dân số đến năm 2030 là 220.000 người và được xác định là đô thị đại học với trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, là đô thị dịch vụ công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề địa phương...

Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho hay, tính đến nay đô thị sinh thái Trúc Sơn vẫn còn hữu danh vô thực. Lý do là từ Trúc Sơn (Chương Mỹ) chỉ cách nội thành hơn 20km nhưng phải đi mất hơn 1 giờ mới tới do tình trạng tắc đường, kẹt xe liên miên. Quốc lộ 6 và nhiều tuyến đường giao thông kết nối đô thị trung tâm với Chương Mỹ rất kém đang đẩy lùi tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

Tại cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội, đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, việc phát triển đô thị vệ tinh Sơn Tây đang gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn lực đầu tư. Nguồn thu chính từ đất nhưng đang suy giảm mạnh do thị trường bất động sản trầm lắng. Đây cũng là khó khăn chung đang diễn ra tại các khu vực được quy hoạch làm đô thị vệ tinh.

Tại cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.

Tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội, đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề...

Quy hoạch là thế nhưng, sau nhiều nay các đô thị vệ tinh trên vẫn “giẫm chân tại chỗ”, không có nhiều thay đổi đáng kể và vẫn chỉ ...“nằm trên giấy”.

Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đô thị vệ tinh không chỉ là giấc mơ mà còn là cơn ác mộng của Hà Nội.

Ác mộng đầu tiên là “ai đi ai ở?”. Lấy lý do nào để thuyết phục các cơ quan quân sự vốn đóng đô trong trung tâm thành phố chuyển ra đô thị vệ tinh cách 40km, trong khi các trụ sở bộ ngành đã xây trụ sở mới cách trung tâm dưới 10km, vẫn không trả lại trụ sở cũ?

Thứ hai là bệnh “đô thị đầu to”, do thiếu trục giao thông kết nối cực mạnh. Nếu chỉ kết nối bằng đường bộ thông thường thì các khu đô thị bám đường sẽ loang lổ lấp dần khoảng giãn cách đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Thành phố Công nghệ cao Tsukuba (Nhật Bản), kết nối 60km với Tokyo bằng tuyến đường sắt chỉ 85 phút từ năm 1960 -1970. Đến năm 2005, đã có thêm tuyến đường sắt express chỉ còn 45 phút.  

Theo một số chuyên gia Nhật Bản, Hòa Lạc muốn thành đô thị vệ tinh thực sự, cần có tuyến đường sắt express đi lại mỗi chiều dưới 25 phút. 

Thứ ba nhưng cũng là “đầu tiên – tiền đâu?”, khi mà chẳng hạn mỗi tuyến đường sắt express 30-40Km có thể cần tới 3-5 tỷ USD, và khoảng ngần đó cho hạ tầng, xây lắp…

Cần phát triển một cách độc lập

Theo các chuyên gia quy hoạch, tất cả những chủ trương và giải pháp đề ra trong quy hoạch chung khá hợp lý và đồng bộ. Tuy nhiên, định hướng xây dựng 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội mới nằm trên bản vẽ quy hoạch mà chưa đi vào thực tế cuộc sống.

Khu đô thị mới Linh Đàm trở thành điểm gom dân cư của Hà Nội.  

Thực tế, việc thực hiện phương án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo Quyết định 108/1998 của Thủ tướng Chính phủ cho chúng ta thấy rõ bất cập. Quy hoạch theo Quyết định 108 trước đây đặt mục tiêu giảm sâu quy mô dân số khu vực nội thành nhất là khu vực nội đô lịch sử xuống còn 80 vạn người. Thực tế sau 10 năm thực hiện (1998 - 2008), dân số khu vực không giảm mà còn tăng đến 1,2 triệu người.

Giãn dân, hạn chế phát triển trong khu vực nội đô cần tiến hành đồng bộ với những giải pháp phát triển khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh theo cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” thì mới có hiệu quả. Việc quá tập trung đầu tư hạ tầng trong nội đô mà ít quan tâm thỏa đáng tới đầu tư khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh thì vô tình tạo ra sức hút dân vào trong nội đô, đi ngược lại chủ trương giãn dân. TS Lê Văn Họat, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội. 

Hơn nữa, Hà Nội đã xây dựng một loạt khu đô thị mới ở ngoài khu trung tâm như: Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công... cũng không giãn được cư dân khu vực nội đô, mà thậm chí còn hút dân vào.

Ngược lại, các khu đô thị như Vân Canh, Kim Chung Di Trạch; Khu đô thị bắc Quốc lộ 32, Khu đô thị Gleximco,  An Khánh... dù đã bàn giao nhà cho người mua nhưng vẫn hoang vắng, rất ít người chuyển đến sinh sống tại đây. Nguyên nhân chủ yếu là bởi vùng ngoại ô và các khu đô thị mới chưa đủ sức hấp dẫn người dân do điều kiện giao thông đi lại và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn yếu, không đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề huy động nguồn lực đầu tư...

 Hàng trăm các căn biệt thự tại Khu đô thị Lideco (Hoài Đức, Hà Nội) đã được bàn giao cho khách hàng nhưng đến nay mới chỉ có lác đác vài hộ chuyển đến ở, phần lớn các biệt thự còn lại đều trong tình trạng bỏ hoang lâu ngày.

“Phải làm cho các đô thị vệ tinh là nơi người dân muốn đến, muốn ở lại, chứ không phải muốn ra đi. Mà đề làm được điều đó, Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn phải hội tụ nhiều yếu tố "đáng sống" về giao thương, việc làm, cơ sở giáo dục, y tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Nếu ưu tiên thực hiện tốt thì người dân sẽ tự nguyện đồng thuận sinh sống tại nơi ở mới chứ không phải tuyên truyền hay vận động như bây giờ”. GS.TSKH Đặng Hùng Võ.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằn, phải phát triển hạ tầng đồng bộ, các tuyến kết nối, xuyên tâm, vành đai thì mới phát huy được lợi thế đô thị vệ tinh. "Hạ tầng có đồng bộ, đảm bảo 30 phút người dân từ Sơn Tây ra được trung tâm thì người ta sẽ về Sơn Tây sống. Sức ép rất lớn về môi trường, tiếng ồn... xu hướng thế giới là làm ở trung tâm, nhưng ra khỏi nội đô ở", ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch, thành phố cũng đang thay đổi lại phương pháp: trước đây phát triển đô thị theo hướng vết dầu loang, mà như bà con phản ánh là nhà máy di dời chung cư mọc lên. “Vết dầu loang” chủ yếu dựa trên các hạ tầng gốc, nhưng nếu phát triển được 5 đô thị vệ tinh một cách độc lập, có kết nối trung tâm, sẽ tránh được tình trạng này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top