Aa

Kỳ 7: Đi tìm giấy khai sinh từ thời Pháp thuộc!

Thứ Bảy, 25/03/2017 - 13:13

Mấy hôm sau, cô Vũ Thị Thu, con gái đầu của ông Tân, tới Tòa soạn. Cô năm ấy 41 tuổi, tuổi Nhâm Thìn, đang làm cán bộ nghiệp vụ công ty thương nghiệp huyện Phong Châu (Vĩnh Phú). Chúng tôi đặt vấn đề gia đình phải chứng minh rằng ông Tân là con đẻ của cụ Vũ Văn Xuân thì cô tròn mắt ngạc nhiên:

- Ơ, đấy là ông nội em, việc gì phải chứng minh?

- Nhưng ra cơ quan pháp luật, gia đình phải có giấy tờ gì đấy, thí dụ như giấy khai sinh gốc từ thời Pháp của ông Tân.

Nghe chúng tôi giảng giải một hồi , cô Thu hiểu ra ngẫm nghĩ  rồi nói:

- Bố em có một cái hộp sắt lúc nào cũng giữ chìa khóa trong người, không cho ai đụng đến bao giờ. Để em về xem thử...

Nghe xong, chúng tôi mừng lắm, nói rằng cô phải tìm mọi cách lục cho được và lấy các giấy tờ ấy về đây.

Thời gian trôi đi, chúng tôi nóng lòng chờ đợi và thầm cầu mong cho gia đình ông Tân còn giữ được những giấy tờ cần thiết.

Ba hôm sau, cô Thu lại đến. Nhìn gương mặt hớn hở của cô mà chúng tôi mở cờ trong bụng. Nhưng rồi cả tập giấy vàng ố cô cầm tay lại khiến chúng tôi thất vọng. Nào là thư Bác Hồ gửi anh em gia đình thương binh, liệt sĩ, nào là thư thăm hỏi của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại...

Duy nhất một mảnh giấy bằng bàn tay có giá trị. Đó là mảnh giấy được cấp vào Năm cộng hòa thứ hai (tức năm 1946) của Uỷ ban nhân dân khu Yên Phụ xác nhận bà Ngô Thị Hiền, mẹ đồng chí Vũ Văn Phong, đã mệnh chung (tức đã qua đời) ngày 7/3/1946.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng tôi nói với cô Thu:

- Thế là ta đã chứng minh được ông Tân là em ruột ông Phong, ông Phong là con bà Ngô Thị  Hiền. Bây giờ phải có cái gì đó xác nhận bà Ngô Thị Hiền là vợ ông Vũ Văn Xuân.

Cô Thu giãy nảy:

- Trời ơi, tự đời nảo đời nào tới giờ, anh bảo em moi đâu ra được giấy kết hôn của ông bà em. Không tin, các anh cứ hỏi dân làng Yên Phụ mà xem.

Chúng tôi lại giải thích rằng gia đình phải cùng Tòa soạn tìm các bằng chứng và nhân chứng với sự cố gắng nhất. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trăm công nghìn việc, đâu có thì giờ đi thẩm tra, xác minh. Đến hôm nào đó, Ủy ban họp ba bề bốn bên, gia đình phải có sẵn các giấy tờ cần thiết để cho Ủy ban quyết định thì mới được. Cô Thu lại trở về Vĩnh Yên với bộ mặt ỉu xìu.

Theo phương pháp quy nạp của toán học, nếu A=B, B=C thì suy ra A=C. Ở trường hợp này, có khi chúng tôi cũng phải làm như thế. Ông Tân là em ruột ông Phong, ông Phong là con cụ Ngô Thị Hiền, cụ Ngô Thị Hiền là vợ cụ Vũ Văn Xuân. Suy ra ông Tân là con cụ Vũ Văn Xuân, có quyền được hưởng tài sản của cha mình để lại.

Vấn đề cốt lõi bây giờ là phải chứng minh bằng giấy tờ pháp lý cụ Ngô Thị Hiền là vợ cụ Vũ Văn Xuân.

Một tuần sau, cô Thu lại đến. Cô kể có mấy nghìn bạc đi xe ô tô bị kẻ cắp móc hết, không biết sẽ trở về Vĩnh Yên bằng gì. Anh bạn phóng viên trẻ hữu Quý lục hết túi nọ túi kia, móc ra nắm giấy bạc đưa cho cô:

- Năm nghìn đủ không?

- Dạ đủ - Cô nhận tiền với ánh mắt biết ơn.

Tôi sốt ruột hỏi:

- Thế có tìm thêm được giấy tờ gì không?

Cô đáp giọng chán nản:

- Chả ăn thua, có mỗi một bản bằng tiếng Pháp, lại mang tên chú em.

Rồi cô giở túi xách, kéo phéc-mơ-tuya lấy ra một tờ bìa gãy đôi cũ kỹ như bị ám khói lâu ngày. Tôi cầm xem và reo lên:

- Đây rồi!

Thật sung sướng trong tay chúng tôi có một thẻ căn cước dùng cho học sinh của ông Vũ Văn Tiến (em ruột ông Tân) được cấp năm 1942. Trên thẻ ghi bằng tiếng Pháp: Bố Vũ Văn Xuân, mẹ Ngô Thị Hiền.

Cô Thu nhìn chúng tôi mà ứa nước mắt:

- Thật thế hả anh? Khi còn khỏe, mỗi lần đi Hà Nội đòi nhà không được, bố em vẫn tin vào Nhà nước mình. Chúng em bảo phải quà cáp, phải biếu xén may ra mới đòi được. Bố em gạt phắt và bảo Nhà nước mình còn nhiều người tốt lắm, đừng có giở trò bậy bạ ra mà hỏng việc. Bây giờ em mới thấy hình như bố em nói đúng...

Kỳ sau: Những bát hương tự bốc cháy 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top